Đã tồn kho , còn lo đường lậu

23/05/2011

Đó là những vấn đề được thỏa luận sôi nổi tại Hội nghị sơ kết vụ mía đường 2010 – 2011 của Hiệp hội mía đường Việt Nam diễn ra cuối tuần qua.

Tại hội nghị sơ kết vụ mía đường 2010 – 2011, Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, vụ sản xuất vừa qua có 28 nhà máy hoạt động với tổng công suất 107.650 TMN cao hơn tổng công suất của vụ 2009 – 2010 là 105.750 TMN. Trước đó, sau hai vụ liên tiếp sản lượng đường đạt thấp (vụ sản xuất 2008 – 2009 đạt 909.330 tấn và 2009 – 2010 chỉ đạt 889.450 tấn) thì đến vụ 2010 – 2011 sản lượng đường tăng lên khá cao, đạt 1,13 triệu tấn, tăng khoảng 240.000 tấn so với vụ 2009 – 2010. Sản lượng mía ép và sản lượng đường tăng nhiều nhất là ở miền Trung – Tây Nguyên (trên 30%).
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, trong vụ mía vừa qua, hầu hết các nhà máy đường (NMĐ) đã thực hiện giá mua mía theo sát sự chỉ đạo của Bộ NNPTNT. Giá mua 1 tấn mía nguyên liệu 10 CCS tại ruộng tương đương giá bán 60 kg đường kính trắng loại 1, trước thuế, tại kho NMĐ, như vậy với giá này người nông dân được hưởng lợi cao hơn vụ trước với mức 50% và chênh lệch giá mía giữa các vùng miền không lớn, giá mía ở ruộng tương đối ổn định như: Miền Bắc, giá mía 10 CCS tại ruộng 1.000.000 đồng/tấn (Lam Sơn). Giá mua xô tại ruộng của các NMĐ còn lại 900.000 đến 950.000 đồng/tấn. Giá xô tại ruộng từ 850.000 đến 960.000 đồng/tấn; Đông Nam Bộ, ĐBSCL giá mía cũng không giao động lắm.
Tổng hợp số lượng từ các NMĐ cho hay, tính đến thời điểm giá đường giữa tháng 4, lượng đường tồn kho tại các nhà máy là 524.900 tấn. Đường tiêu thụ khá chậm và giá cứ tụt giảm dần. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn, trong điều kiện hiện nay, nếu cho nhập khẩu thêm đường về thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ trong nước, gây khó khăn cho ngành đường. Theo đó, sẽ tác động không nhỏ đến giá cả, tình hình thu mua mía cho nông dân.
Tuy nhiên, tại Hội nghị, một số ý kiến đánh giá, cân đối cung cầu đường cho đến vụ 2011 – 2012, tổng nguồn cung sẽ là 685.709 tấn. Lượng đường tồn kho hiện có 524.900 tấn. Như vậy, với nhu cầu bình quân 120.000 tấn/tháng thì nguồn cung trên chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước đến tháng 10/2011.
Bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa cho rằng, với sản lượng đường như hiện nya thì vẫn còn thiếu rất nhiều trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Còn việc tồn đọng trên, một phần là do nhà máy và các doanh nghiệp thu mua đường chưa đồng hành với nhau. Điều này cũng thể hiện khi giá đường cao, nhà máy lại không mặn mà bán ra cho doanh nghiệp. Đến khi giá thấp xuống thì ngược lại, các nhà máy muốn đẩy hàng ra thì doanh nghiệp lại không muốn lấy.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản vafngheef muối (Bộ NNPTNT) cho rằng, với lượng đường tồn kho như hiện nay, không thể gọi là ứ động vì đây là mặt hàng sản xuất theo mùa vụ, và lượng đường đó phải sử dụng cho cả năm. “Nói là tồn đọng thế, nhưng thực tế ở rất nhiều tỉnh trong nước, hiện vẫn thiếu đường để sử dụng” – ông Hòa thông tin thêm. Cũng theo ông Hòa, giá đường giảm mạnh là do một số nguyên nhân như: Áp lực vốn lưu động đến sản xuất của nhà máy quá lớn; lãi vay quá cao; vậy nên nhà myas lẫn doanh nghiệp thương mại đều không muốn giữ hàng.
Một vấn đề rất đáng lo ngại, theo ông Trịnh Minh Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, đường nhập lậu đang thách thức, đe dọa phá vỡ các giải pháp bình ổn kinh tế vĩ mô của Chính phủ, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Hiện hoạt động chuyển đường nhập lậu khu vực biên giới Tây Nam rất quy mô và chuyên nghiệp. Khi có điều kiện thuận lợi, mỗi ngày đường lại được chuyển sang với số lượng hàng trăm tấn.
Tại các kho tập kết trước khi đưa sang Việt Nam, đường lậu được “sang qua” các loại bao bì của các NMĐ trong nước để hợp thức hóa. Khi hàng vào Việt Nam, chẳng may bị các cơ quan chức năng kiểm tra thì chủ hàng chỉ cần xuất trịnh một hóa đơn đỏ nào đó chứng minh có mua hàng ở các nhà máy đường hoặc các đơn vị kinh doanh đường trong mước thì xem như hợp lệ. Vì vậy, ông Châu đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh để giải quyết vấn đề này. Tại Hội nghị, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đề xuất, NMĐ và doanh nghiệp thương mại nên tính đến việc đóng góp kinh phí để lập quỹ hỗ trợ chống buôn lậu.
AGROINFO – Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 23/05/2011

Tin khác