Giải thể tổ chức kinh tế núp bóng hợp tác xã

02/06/2011

Bà PHẠM THỊ THANH HÀ, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần giải thể tất cả các tổ chức kinh tế đội lốt mô hình hợp tác xã (HTX) sau 24 tháng kể từ khi Luật HTX mới có hiệu lực.

Bà PHẠM THỊ THANH HÀ
Thưa bà, liệu có nhất thiết phải giải thể những tổ chức kinh tế đội lốt HTX, khi mà nhiều tổ chức hoạt động rất hiệu quả?
Đúng là hiện nay có nhiều tổ chức kinh tế đăng ký kinh doanh theo loại hình kinh tế hợp tác, nhưng bản chất lại là công ty tư nhân, công ty TNHH hoạt động rất hiệu quả, vì họ được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho HTX mà các doanh nghiệp khác không được hưởng. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh không bình đẳng.
Hơn nữa, điều kiện thành lập doanh nghiệp rất đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, chi phí thấp, vậy hà cớ gì người ta không thành lập doanh nghiệp để hoạt động chính đáng, mà cứ phải “núp bóng” vào HTX, nếu không phải do một số người muốn lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước với mô hình kinh tế tập thể. Vì vậy, tôi cho rằng, sau 24 tháng kể từ khi Luật HTX mới (đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIII vào cuối năm nay) có hiệu lực, nếu tổ chức nào không tuân thủ theo đúng Luật HTX, thì phải chuyển sang mô hình doanh nghiệp hoặc UBND cấp huyện có trách nhiệm đứng ra giải thể.
Cụ thể, những loại HTX nào sẽ bị giải thể, thưa bà?
Mô hình HTX và doanh nghiệp có 5 đặc điểm khác nhau.
Thứ nhất, HTX thành lập nhằm chủ yếu cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thành viên; còn doanh nghiệp chủ yếu cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho xã hội nhằm tối đa hoá lợi nhuận.
Thứ hai, xã viên HTX vừa là chủ sở hữu vừa là khách hàng, có nghĩa vụ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTX; còn cổ đông của doanh nghiệp không bắt buộc phải là khách hàng của doanh nghiệp.
Thứ ba, mọi thành viên HTX có quyền bình đẳng ngang nhau trong mọi vấn đề, trong khi đó quan hệ trong doanh nghiệp phụ thuộc vào mức độ góp vốn của từng người, ai góp nhiều vốn, “tiếng nói” của họ có trọng lượng hơn khi quyết định các vấn đề của doanh nghiệp.
Thứ tư, nếu phân phối lợi nhuận của HTX dựa trên mức độ sử dụng hàng hoá, dịch vụ của từng thành viên, thì việc phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp dựa trên mức độ góp vốn, ai góp nhiều hưởng nhiều, góp ít hưởng ít.
Thứ năm, trong khi HTX phải có nghĩa vụ và ưu tiên cung cấp đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên trước khi cung cấp ra bên ngoài với tỷ lệ  do Chính phủ quy định, thì doanh nghiệp không cần phải có ràng buộc này.
Căn cứ vào 5 dấu hiệu trên, UBND cấp huyện sẽ yêu cầu những tổ chức kinh tế hoạt động không đúng Luật HTX phải điều chỉnh hoặc chuyển sang mô hình doanh nghiệp, nếu không sẽ sử dụng giải pháp  mạnh là giải thể.
Nhiều ý kiến cho rằng, trình độ kinh tế của nước ta còn thấp, nên Luật HTX cần phải có những quy định phù hợp với thực tế?
Cách đây hàng trăm năm, kinh tế của Nhật Bản, Pháp, Canada, Đức… chắc chắn không bằng Việt Nam bây giờ, nhưng những nội dung cơ bản quy định về mô hình kinh tế hợp tác của họ rất tiên tiến. Và cho đến tận bây giờ, khi nền kinh tế của những nước kể trên đã phát triển hơn Việt Nam rất nhiều, thì những nội dung cơ bản trong Luật HTX của họ cũng không có gì thay đổi. Điều này cho thấy, dù nền kinh tế lạc hậu hay tiên tiến, thì những quy định về bản chất của HTX đều như nhau và không có thời kỳ quá độ hay chuyển tiếp
AGROINFO – Theo Báo Đầu tư

Nguồn: 

http://baodautu.vn/portal/public/vir/baivietkinhtedautu/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/kinhtedautu/chinhsachvimo/4912ef367f0000010092e382ef9b071d


Tin khác