Sẵn sàng cho mùa vải bội thu: Vẫn còn nhiều "sạn"

20/06/2011

Đã thành lệ, cứ đến vụ thu hoạch vải là cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, tắc nghẽn giao thông, chặt chém và ép giá lại xuất hiện… khiến nông dân chịu nhiều thiệt thòi. Năm nay, với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, nhiều người kỳ vọng, tình trạng này sẽ chấm dứt.

 
Một góc khu mua bán vải thiều ở Lục Ngạn.
Đủ chiêu "móc túi" người trồng vải
Những năm gần đây, thương gia Trung Quốc trực tiếp sang tận các vùng trồng vải thiều để thu mua. Điều này góp phần thúc đẩy việc tiêu thụ vải thiều thêm thuận lợi nhưng cũng tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.
Anh Nguyễn Văn Thu, người chuyên thu mua vải thiều ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn - Bắc Giang) cho biết: "Các ông chủ người Trung Quốc thường có hai chiêu thức hay áp dụng, đó là: trực tiếp đứng ra lựa chọn vải tại các chợ, tự trả giá rồi thuê nhân công người Việt vận chuyển lên xe dưới sự giám sát trực tiếp của họ. Mọi thỏa thuận giá cả đều do các ông chủ này đảm nhiệm. Thế nhưng, phương thức hay được áp dụng là họ trực tiếp sang nắm bắt tình hình rồi giao cho một người thân tín tại Việt Nam làm đầu mối, người này lại thành lập đội ngũ xương cá vệ tinh tại địa phương, tỏa đi khắp nơi thu mua vải thiều rồi giao lại cho các ông chủ lớn hơn, tạo thành mạng lưới vận hành từ khâu chọn vải đến khâu đóng gói. Các ông chủ người Trung Quốc chỉ giám sát, điều hành giá cả và chất lượng vải ở khâu cuối cùng".
Cũng theo anh Thu, các chiêu thức "cơ bản" được tư thương áp dụng để "móc túi" người trồng là việc bớt đầu cân, thường mỗi thồ vải (khoảng 100kg - PV) phải trừ hao 2 - 3kg. Thế nhưng, chỉ cần nhìn thấy một vài quả vỡ, hỏng… là tư thương ép nông dân phải trừ hao 5 - 7kg. Chưa kể, tình trạng "chém" đầu cân khiến trọng lượng vải thường ít hơn nhiều so với trọng lượng thực tế, khiến bà con thiệt đơn thiệt kép…
Tuy nhiên, chiêu thức khiến người dân sợ nhất là tình trạng "ép giá". Theo ông Hoàng Văn Sơn ở xã Biển Động (Lục Ngạn): "Muốn bán được vải thiều giá cao thì phải đi thật sớm, vì lúc này vải còn tươi nguyên, chứ để đến trưa, trời nắng to sẽ bị tư thương ép giá. Nhiều người vì tiếc công sức đành phải bán giá rẻ nên bị thiệt thòi".
Một mánh khóe nữa có thể tác động trực tiếp đến giá vải là việc các tư thương cấu kết với nhau để "làm giá". Chị Vũ Thị Xuyên ở Thanh Thủy (Thanh Hà - Hải Dương) cho biết: "Là người thu mua vải nhiều năm nên tôi biết có một mánh khóe làm giá được nhiều tư thương áp dụng là cứ đến cuối buổi chiều ngày hôm trước, khi lượng vải trên thị trường ít dần, họ đồng loạt tăng giá nhập vào. Thậm chí là gấp rưỡi, gấp đôi giá trong ngày để người dân có tâm lý lạc quan về thu hái vải thiều. Thế nhưng, sáng hôm sau khi thấy lượng vải dồn về nhiều, họ bắt đầu giảm giá đột ngột với các lý do giao thông ùn tắc, hàng bị ứ đọng…".
Khó kiểm soát
Thực trạng trên đã tồn tại nhiều năm nay, gây thiệt thòi cho người trồng vải, chính vì vậy, việc tìm ra biện pháp khắc phục là điều hết sức bức thiết. Ông Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cho biết: "Một mặt chúng tôi tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện tốt quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nâng cao chất lượng vải thiều. Mặt khác, tăng cường thực hiện các biện pháp xúc tiến thương mại, quảng bá, mời gọi các doanh nghiệp đến đặt hàng. Vụ vải năm nay, chúng tôi sẽ cố gắng đảm bảo an toàn giao thông, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm".
Còn ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang nhận định: "Năm nay vải thiều Bắc Giang thắng lớn nên chúng tôi rất quan tâm đến việc đẩy mạnh tiêu thụ. Thông qua lực lượng quản lý thị trường, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với công an và các địa phương kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm, đảm bảo việc tiêu thụ vải diễn ra thuận tiện, đạt hiệu quả cao nhất".
Hy vọng rằng, với sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, vụ vải thiều năm nay sẽ không còn tình trạng nhốn nháo, giúp người dân hưởng trọn niềm vui được mùa, trúng giá.
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/6/28775.html


Tin khác