Tác động từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc

21/06/2011

Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) được bắt đầu thực hiện với việc ASEAN và Trung Quốc ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc vào tháng 11/2002.

Để cụ thể hóa hiệp định khung này, ASEAN và Trung Quốc đã đàm phán và ký kếtHiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc vào tháng 11/2004, Hiệp định dịch vụ ASEAN - Trung Quốc vào năm 2007 và Hiệp định đầu tư ASEAN - Trung Quốc năm 2009. ACFTA là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà ASEAN ký với một nước đối tác. Có thể nói, ACFTA là khuôn khổ pháp lý toàn diện điều chỉnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc, tạo nên một khu vực thương mại tự do năng động với 1,9 tỷ người và tổng GDP lên tới trên 6.000 tỷ USD.
Cam kết của Việt Nam
Trong số các hiệp định thuộc ACFTA, Hiệp định thương mại hàng hóa có nội dung tác động trực tiếp nhiều nhất tới hoạt động thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động xuất nhập khẩu. Lộ trình cắt giảm thuế quan theo Hiệp định thương mại hàng hóa gồm 3 nhóm khác nhau: Chương trình “Thu hoạch sớm” (EHP), danh mục giảm thuế thông thường (NT), danh mục nhạy cảm (SL). Tuy nhiên, do có sự khác biệt về trình độ phát triển nên Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar được hưởng ưu đãi. Theo đó, các lộ trình giảm thuế của Việt Nam chậm và linh hoạt hơn lộ trình giảm thuế của Trung Quốc và các nước ASEAN-6. Về cơ bản, lộ trình cam kết giảm thuế của Việt Nam trong ACFTA tương đối nhất quán về phạm vi và nguyên tắc cam kết trong các FTA khác mà Việt Nam tham gia. Việt Nam cam kết loại bỏ thuế quan có lộ trình đối với khoảng 90% số lượng dòng thuế. 10% số lượng dòng thuế còn lại có lộ trình cam kết giảm thuế dài, thậm chí không có cam kết giảm thuế xuống 0%.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc. Năm 2009, tổng kim ngạch thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc đạt 213 tỷ USD.
Đối tượng bảo hộ của Việt Nam trong ACFTA cũng khá tương đồng với các FTA mà Việt Nam đã từng tham gia. Các nhóm mặt hàng được bảo hộ mạnh nhất là trứng gia cầm, lá thuốc lá, thuốc lá, xăng dầu, lốp ôtô, sắp thép xây dựng và các loại ôtô, xe máy nguyên chiếc và phụ tùng. Những nhóm mặt hàng được bảo hộ với lộ trình dài hơn bao gồm thực phẩm chế biến, đồ uống có cồn, một số chế phẩm dầu khí, xi măng, nhựa, sản phẩm dệt, nhựa, phụ tùng ôtô, xe máy, máy móc thiết bị.
Đối với các mặt hàng trong danh mục thông thường (NT), mức độ cam kết trong ACFTA có lộ trình khá chậm trong 5 năm đầu thực hiện. Thuế suất trung bình ACFTA trong giai đoạn từ 2005-2010 hầu như tương đương với mức thuế MFN của Việt Nam. Từ năm 2010-2015, tốc độ giảm thuế diễn ra nhanh hơn. Từ năm 2015 trở đi, cam kết trong ACFTA của Việt Nam hầu như tương đương với mức cam kết CEPT/AFTA.
Minh họa tốc độ cắt giảm thuế của Việt Nam trong một số FTA tiêu biểu
 
Tác động của ACFTA tới quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc
Từ năm 2004, Trung Quốc đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam xét về kim ngạch. Tốc độ tăng trưởng thương mại hai chiều bình quân trên 25%/năm. Năm 2010, kim ngạch thương mại Việt - Trung đạt trên 27 tỷ USD, tăng trên 700 lần so với kim ngạch năm 1991. Mức nhập siêu của Việt Nam khá lớn với trên 12,7 tỷ USD. Có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nhập siêu, đó là: Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc phần lớn là các sản phẩm có hàm lượng chế tạo, gia công thấp hoặc nguyên liệu thô như cao su, than đá, dầu thô, các loại khoáng sản, hạt điều, hàng thủy hải sản, chiếm từ 52-85% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Thời gian gần đây, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu có xu hướng thay đổi tích cực nhưng tốc độ còn chậm; Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn cung ứng nguyên, nhiên liệu, máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc với kim ngạch chiếm từ 65-81%. Nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc có giá thành hợp lý, phục vụ tốt cho mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; các hoạt động biên mậu diễn ra phức tạp và khó kiểm soát.
Do cách thức cam kết giảm thuế của Việt Nam có xu hướng dồn việc thực thi cắt giảm thuế vào giai đoạn sau nên từ khi ACFTA có hiệu lực đến nay, tác động do cam kết giảm thuế đối với nhập khẩu của Việt Nam không lớn. Tỷ lệ sử dụng Mẫu E của Trung Quốc trên tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam chỉ chiếm dưới 7%. Từ năm 2010, lộ trình giảm thuế của Việt Nam đi vào thực chất hơn, thuế suất cao được giảm thiểu đáng kể. Tuy nhiên, các mặt hàng nhạy cảm (SL) và nhạy cảm cao (HSL) hầu như không bị tác động bởi lộ trình giảm thuế do cam kết giảm thuế trong hai nhóm nhạy cảm này là không đáng kể, thậm chí đối với nhiều mặt hàng, thuế suất cam kết còn cao hơn thuế MFN của Việt Nam.
Từ năm 2010, Việt Nam có lợi thế hơn so với Trung Quốc và ASEAN 6 nhờ lộ trình giảm thuế kéo dài thêm 5 năm. Theo số liệu năm 2001 (căn cứ để đàm phán ACFTA), 90% số dòng thuế mà Việt Nam có cam kết loại bỏ thuế chỉ chiếm 53% kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc; 10% số dòng thuế còn lại thuộc danh mục nhạy cảm (có lộ trình giảm thuế chậm hoặc không loại bỏ thuế quan) nhưng lại chiếm trên 47% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc. Căn cứ số liệu năm 2007, 90% số dòng thuế Việt Nam có cam kết loại bỏ thuế chỉ chiếm 37% kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc; 10% là các mặt hàng nhạy cảm có kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 63%. Thực tế này là điều kiện tốt để Việt Nam phát triển hiệu quả các ngành kinh tế đang cạnh tranh với hàng nhập khẩu của Trung Quốc dưới tác động của ACFTA.
Qua hơn 6 năm thực hiện, các doanh nghiệp của Việt Nam đã tận dụng khá tốt cam kết trong ACFTA để thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc. Việt Nam là một trong hai nước có tỷ trọng hàng xuất khẩu sử dụng mẫu xuất xứ form E khá cao, trên 10% (sau Thái Lan 11%). Tiêu biểu là năm 2009, tỷ lệ sử dụng mẫu E tăng 264% so với năm 2008.
Đặc biệt, chương trình Thu hoạch sớm (EHP) đã đem lại hiệu quả tích cực cho xuất khẩu của Việt Nam. Với việc Trung Quốc và ASEAN 6 giảm thuế xuống 0% đối với các mặt hàng trong EHP (nông sản, thủy sản) từ ngày 1/1/2006, Việt Nam đã liên tục xuất siêu sang Trung Quốc với quy mô ngày càng tăng, đạt 462 triệu USD vào năm 2009. 10 tháng đầu năm 2010, Việt Nam cũng đã xuất khẩu sang Trung Quốc gần 600 triệu USD các mặt hàng này. Tuy nhiên, tham gia chương trình EHP, Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng nông sản và hải sản của Trung Quốc. Với lý do này, từ năm 2006, trên thị trường đã xuất hiện nhiều rau quả ôn đới và cận nhiệt đới có xuất xứ Trung Quốc. Trong bối cảnh tiêu dùng nội địa tăng trưởng ở mức 20-30%/năm nhưng sản xuất trong nước mới tăng khoảng 6%/năm thì việc nhập khẩu bổ sung từ Trung Quốc và một số nước khác là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, có thể thấy nông sản Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh trên thị trường nội địa. Năm 2010, một số mặt hàng như cà rốt, bắp cải, hành, tỏi đã giảm về kim ngạch nhập khẩu, đặc biệt bắp cải giảm 16,1% về lượng và 16,9% về trị giá, hành giảm 56,6% về lượng và 71,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2009. Điều này cho thấy nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ đang bổ sung cho hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt vào những thời điểm thiếu hụt.
Về dài hạn, từ năm 2010, Việt Nam có cơ hội khai thác tối đa ưu đãi xuất khẩu của Trung Quốc với 90% số dòng thuế đạt 0-5%. Quá trình này sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ thay đổi cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam theo hướng tích cực hơn, tăng xuất khẩu các sản phẩm chế biến, giảm xuất khẩu khoáng sản và sản phẩm chế biến thô./.
Lộ trình cắt giảm thuế quan theo ACFTA
Chương trình “Thu hoạch sớm” (EHP) là cơ chế ưu đãi thuế quan hẹp được thực hiện từ năm 2004, ngay sau khi Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc được ký kết. Phạm vi của EHP gồm các mặt hàng nông sản chưa chế biến với lộ trình loại bỏ thuế quan trong 3 năm đối với các nước ASEAN 6 và Trung Quốc và 5 năm đối với Việt Nam bắt đầu từ năm 2004. Theo đó, từ ngày 1/1/2006, Trung Quốc và ASEAN áp dụng thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng trong EHP. Việt Nam bắt đầu áp dụng mức thuế 0% từ 1/1/2008.
Danh mục giảm thuế thông thường (NT) bao gồm 90% tổng số dòng thuế với lộ trình giảm thuế xuống 0% từ năm 2010 đối với ASEAN 6 và Trung Quốc; Việt Nam có lộ trình dài hơn 5 năm, tức là đến năm 2015, Việt Nam mới phải hoàn thành nghĩa vụ này.
Danh mục nhạy cảm (SL) gồm những mặt hàng có lộ trình bảo hộ dài hơn, thuế suất bảo hộ cao hơn (so với danh mục thông thường). SL gồm 2 nhóm: Nhóm SL thường và nhóm SL nhạy cảm cao (HSL). Những mặt hàng thuộc danh mục SL không có lịch trình giảm thuế cụ thể theo từng năm nhưng bị giới hạn mức thuế suất cuối cùng và năm cuối cùng thực hiện. Đối với Việt Nam, thuế suất trong danh mục SL phải giảm xuống 20% vào năm 2015 và tiếp tục giảm xuống mức 0-5% vào năm 2020. Các mặt hàng thuộc danh mục HSL giảm xuống 50% vào năm 2018.
 
AGROINFO – Theo Báo Kinh tế Việt Nam

Nguồn: http://ven.vn/tac-dong-tu-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-asean-trung-quoc_t77c604n22172tn.aspx


Tin khác