SXNN 6 tháng cuối năm: Chuyển từ số lượng sang chất lượng và hiệu quả

11/07/2011

Mặc dù được dự báo là khó đạt các mục tiêu đề ra do ảnh hưởng của thời tiết diễn biến bất thường, thị trường nhiều biến động, song với những gì đạt được trong 6 tháng đầu năm 2011, một lần nữa cho thấy, sản xuất nông nghiệp vẫn luôn thể hiện được khả năng "bật" của mình trong gian khó, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước.

 
Mặc dù diễn biến thời tiết bất lợi nhưng năng suất lúa vụ đông xuân 2010-2011 vẫn đạt khá cao.


Giá trị sản xuất tăng
6 tháng đầu năm 2011, ngành Nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức như rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc, mưa ít gây hạn hán trên diện rộng, nước mặn xâm nhập sâu tại Đồng bằng sông Cửu Long, giá cả hàng hóa, vật tư đầu vào tăng… Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất của ngành ước đạt 107.065 tỷ đồng, tăng 3,74% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó nông nghiệp đạt 77.793,5 tỷ đồng, tăng 3,25%; lâm nghiệp 3.580,4 tỷ đồng, tăng 5,29% và thủy sản đạt 25.691 tỷ đồng, tăng 5,05%; giá trị xuất khẩu ước đạt 12 tỷ USD, tăng 38,7%.
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch và Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Trang Hiếu Dũng cho biết, có được kết quả trên là nhờ giá các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều tăng và việc tiêu thụ đang khá thuận lợi. Ngoài các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiêu thụ một số loại nông sản có khối lượng hàng hóa lớn như lúa gạo, càphê… Đơn cử như việc Chính phủ có quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho bà con nông dân khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch nhằm đảm bảo giữ giá lúa ở mức 5.000 đồng/kg. Kế hoạch thu mua đã đạt được mục đích là giúp giá trên thị trường tăng lên, có lợi cho bà con.
Đóng góp vào thành công này trước hết phải kể tới lĩnh vực trồng trọt. Sản lượng lúa đông xuân năm nay dự kiến đạt 19,74 triệu tấn, tăng 26 vạn tấn so với vụ đông xuân 2010, mức cao nhất từ trước đến nay, trong đó, vụ lúa đông xuân ở miền Nam đạt 12,54 triệu tấn, tăng 110.000 tấn so với vụ đông xuân 2009.
Chú trọng gia tăng giá trị sản phẩm
Mục tiêu kế hoạch năm 2011 của ngành Nông nghiệp là tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng lên 2,6% (hiện mới đạt 1,9%); ổn định diện tích gieo cấy lúa khoảng 7,37 triệu hecta, sản lượng 41 triệu tấn, vượt 1 triệu tấn so với 2010; đạt mức tăng trưởng GDP 3,5%, giá trị sản xuất tăng 4,5-5% so với năm 2010 trên cơ sở tập trung ưu tiên nguồn lực cho nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực như cá tra, tôm nước lợ, lúa gạo, cao su…
Mặc dù ngành đã đạt được những thành tích ấn tượng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, những khó khăn, thách thức vẫn đang ở phía trước. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, trồng trọt hiện đang gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn hạn hẹp, cộng với lãi suất tăng cao nên các doanh nghiệp, chủ đầu tư đều gặp khó trong việc duy trì sản xuất và thực hiện các dự án. Riêng với việc thực hiện chủ trương sản xuất thêm 1 triệu tấn lúa năm 2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long xác định khả năng mở rộng diện tích sản xuất lúa thu đông, thực hiện các biện pháp kỹ thuật, đảm bảo "làm đâu được đấy", nhất là những nơi đã sản xuất thắng lợi.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành tập trung chỉ đạo sản xuất lương thực, thực phẩm, tăng cường thâm canh, tăng năng suất các loại cây trồng, phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt cả năm ước đạt 8,5 triệu hecta. Đối với sản xuất lúa gạo, từ nay đến cuối năm chú trọng phát huy lợi thế về trồng lúa ở các vùng đồng bằng.
Trong khi đó, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định, dịch bệnh trên đàn gia súc xảy ra trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn đến người chăn nuôi, đồng thời làm mất cân đối cung cầu trên thị trường, cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã tác động đến việc đầu tư sản xuất, nhiều hộ dân không muốn tái đàn.
Mặc dù diễn biến thời tiết bất lợi nhưng năng suất lúa vụ đông xuân 2010-2011 vẫn đạt khá cao.
 
Trước những thách thức này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chỉ đạo, các địa phương nên nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất như tăng cường điều tra, dự báo sâu bệnh trong lĩnh vực trồng trọt, dịch bệnh trong chăn nuôi. Phát hiện kịp thời và áp dụng các biện pháp ngăn chặn hiệu quả ngay từ đầu, không để sâu bệnh, dịch bệnh phát sinh thành dịch lớn, khi nào kiềm chế được dịch bệnh thì mới phục hồi và phát triển sản xuất.
Trong lĩnh vực thủy sản, ông Phát yêu cầu, các địa phương ngoài việc đánh bắt trên biển và nuôi trồng thì cần theo dõi dịch bệnh, hỗ trợ ngư dân đánh bắt hiệu quả. Theo đó, cần hướng dẫn nhân dân xây dựng các tổ, đội ngư dân đoàn kết đánh bắt trên biển. Hiện, Bộ đã trình Chính phủ đề án "Xây dựng lực lượng kiểm ngư Việt Nam" để tới đây triển khai trên thực tế làm cơ sở quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Song song với đó, ngành cũng sẽ chuyển mạnh từ số lượng sang chất lượng và hiệu quả, nghĩa là chú trọng gia tăng giá trị cho các mặt hàng nông sản, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao công nghệ cho nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hiện nay cả nước đang tiến hành xuống giống lúa vụ hè thu 2011. Tuy nhiên, tại miền Bắc, do lúa đông xuân thu hoạch muộn nên tiến độ gieo cấy lúa hè thu cũng bị chậm theo. Đối với khu vực miền Nam, nhờ lúa được giá, lúa đông xuân thu hoạch sớm, thời tiết tương đối thuận lợi, nên tiến độ xuống giống lúa hè thu nhanh hơn khá nhiều so cùng kỳ năm trước. Ước toàn miền Nam xuống giống đến trung tuần tháng 6 đạt gần 1,9 triệu hecta, nhanh hơn cùng kỳ năm trước 10,8%, trong đó các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL đạt gần 1,6 triệu hecta.
Để sản xuất vụ hè thu đạt kết quả tốt, hiện các địa phương vùng ĐBSCL đã tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất ít nhất trong 3 tuần tiêu diệt mầm bệnh; xuống giống tập trung theo thời vụ chỉ đạo nhằm tránh né rầy; sử dụng các giống lúa có chất lượng cao,...
Theo Báo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/7/29120.html


Tin khác