Đại biểu Quốc hội, PGS - TS Trần Hoàng Ngân: Cần chính sách hỗ trợ mạnh cho nông dân

08/08/2011

"Một nước có thế mạnh về nông nghiệp mà giá lương thực, thực phẩm tăng cao là do lỗi điều hành. Giải pháp căn cơ để kiềm chế lạm phát là bình ổn giá lương thực bằng cách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông dân".

PGS - TS Trần Hoàng Ngân - đại biểu Quốc hội (đoàn TP.HCM) nói như vậy với NTNN.
Ông Ngân cho biết: Lạm phát kéo dài ở nước ta suốt 5 năm qua, năm 2011 lạm phát có thể ở mức 17 -18%. Tuy chúng ta có nhiều chính sách, biện pháp để đối phó, kiềm chế nhưng lạm phát vẫn không giảm là do chưa giải quyết thấu đáo nguyên nhân lạm phát.
Giá cả đầu vào tăng nên thu lợi từ nông sản của nông dân rất thấp.
 
Giá thực phẩm tăng do lỗi điều hành
Theo ông, nguyên nhân cơ bản của lạm phát kéo dài như vậy là do đâu?
- Trong các nhóm hàng hóa để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), nhóm hàng lương thực, thực phẩm (LTTP) và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình chiếm đến 39,93%. Trong thời gian qua, nhiều nước trên thế giới khủng hoảng LTTP. Nhưng giá LTTP ở các nước khu vực ASEAN của chúng ta chỉ tăng trên 10%, còn ở Việt Nam là trên 33%.
Chúng ta là đất nước nông nghiệp, 70% dân số sống ở nông thôn mà ta để giá cả LTTP thường xuyên có những “cú sốc” là lỗi ở quản lý, điều hành. Như vậy, để kiềm chế lạm phát và kiểm soát tốt giá cả, một trong những giải pháp hàng đầu là ổn định giá cả LTTP. Để làm được điều này, chúng ta phải kiểm soát giá nguyên nhiên liệu đầu vào của sản xuất nông nghiệp như thức ăn gia súc, thuốc thú y…
Chúng ta cần tạo ra những vùng chuyên canh, trang trại lớn để tạo nguồn cung LTTP nhiều đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối, thu mua, tiêu thụ sản phẩm, chuỗi bán lẻ phải có hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước để định hướng, dẫn dắt thị trường góp phần ổn định giá cả lương thực.
Những ngày qua, nhiều ý kiến phê phán chủ trương bình ổn giá đã không đánh trúng nhóm hàng, nhóm dân cư cần hỗ trợ. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
- Việc bình ổn giá tất nhiên là có còn hơn là không. Chủ trương này cũng đã góp phần kiềm chế giá. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chỉ bình ổn ở phần ngọn; đáng ra, phải bình ổn giá tại nơi người sản xuất ra LTTP, bình ồn giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, việc bình ổn giá chưa phải là giải pháp căn cơ, quan trọng là cần đưa ra các giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững, lâu dài. Trong đó, việc cần thiết nhất là Nhà nước cần hỗ trợ lãi suất đối với hộ nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi.
Hy vọng nhiệm kỳ Chính phủ mới có giải pháp mạnh
PGS-TS Trần Hoàng Ngân
Tại kỳ họp QH này, ông đã phát biểu, lúc này cần đưa ra một gói hỗ trợ nông dân. Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất này?
- Vừa qua, giá nông sản có lúc tăng đến 70 - 100% nhưng người nông dân vẫn không mặn mà đầu tư sản xuất. Chi phí đầu vào tăng, nguyên, nhiên vật liệu mà nhà cung cấp quyết định giá nào, nông dân cũng phải chịu. Giá đầu ra, thương lái cũng “ấn” giá nào, nông dân phải chịu giá đó. Vì thế, giá LTTP lên nhưng nông dân không được thụ hưởng.
Nhìn chung, đời sống hộ nông dân trong thời gian qua có sự thay đổi nhưng mặt bằng chung vẫn khó khăn. Vì vậy, tôi đề xuất, bên cạnh việc miễn giảm thuế đối với cá nhân, doanh nghiệp mà Chính phủ đưa ra, chúng ta cần có các biện pháp hỗ trợ cho nông dân. Việc này, chúng ta đã làm nhưng phải hệ thống lại và đưa ra những chính sách mạnh hơn. Chủ trương trong Nghị quyết 11 của Chính phủ là tập trung vốn cho sản xuất, trong đó có nông nghiệp và nông thôn. Nhưng nông dân vẫn kêu thiếu vốn, vốn vay được với lãi suất rất cao.
Cũng trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, năm 2009, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ tích cực cho nông dân. Nhưng trong điều kiện hiện nay, vì sao vẫn chưa có những giải pháp quyết liệt như vậy, thưa ông?
- Hiện chúng ta đã có một nhiệm kỳ Chính phủ mới. Hy vọng, một thời gian nữa, Chính phủ mới sẽ ban hành những giải pháp để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững hơn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nông thôn ngày nay

Nguồn:http://danviet.vn/53112p1c25/can-chinh-sach-ho-tro-manh-cho-nong-dan.htm


Tin khác