Ngành mía đường, liên kết phải bền vững

31/08/2011

Phải đặt lợi ích của người trồng mía song song với lợi ích của doanh nghiệp mía đường, có như vậy thì ngành mía đường mới phát triển bền vững được. Đó là ý kiến của đa số các đại biểu đại diện cho hội viên của Hiệp hội mía đường Việt Nam trong phiên họp toàn thể hội viên ngày 27/8 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Khi nông dân là thành viên của Hiệp hội
Trong thời gian qua, tình trạng tranh chấp nguyên liệu vẫn xẩy ra ở nhiều nơi gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất cũng như lợi ích của người trồng mía. Chính vì vậy, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã đề ra quy tắc ứng xử trong việc quản lý vùng nguyên liệu.
Theo đó, việc phân chia địa giới hành chính cho từng nhà máy không làm mất tính thị trường của mía hàng hóa (loại nguyên liệu dùng chung của các nhà máy), không dẫn đến độc quyền thu mua gây thiệt hại đến người trồng mía. Việc xác định vùng nguyên liệu của nhà máy đồng thời gắn trách nhiệm của nhà máy đối với việc tiêu thụ mía của người dân trong phạm vi, địa bàn đó. Từng nhà máy có kế hoạch và giải pháp đầu tư, hỗ trợ người trồng mía trong vùng nguyên liệu của mình theo điều kiện của doanh nghiệp.
 
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, ngày 25/7/2011, Hiệp hội đã gửi công văn đến Hội Nông dân 25 tỉnh thành có nhà máy đường đề nghị Hội nông dân cử đại biểu đại diện hội (thay mặt cho toàn thể nông dân trồng mía của tỉnh) để tham gia Hiệp hội, đến nay đã có 22 Hội Nông dân tỉnh cử người tham gia.
“Khi thủ tục được chuẩn bị đầy đủ, việc kết nạp hội viên mới là đại diện những người trồng mía sẽ tiến hành theo điều lệ của Hiệp hội”, ông Long cho biết.
Ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần mía đường Lam Sơn cho rằng, các doanh nghiệp cần phải có những chính sách cụ thể trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, đồng thời hỗ trợ nông dân thông qua việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra của người trồng mía… để họ có điều kiện và yên tâm sản xuất, bên cạnh đó phải đảm bảo thu nhập của người trồng mía không thấp hơn một số cây trồng khác trong vùng, có như vậy họ mới gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng có nguyên liệu để sản xuất bền vững.
Sẽ áp giá sàn mía nguyên liệu
Nhằm đảm bảo thu nhập của người trồng mía không thấp hơn so với một số cây trồng khác trong vùng, Hiệp hội mía đường đang xây dựng mức giá sàn thu mua mía nguyên liệu cho người nông dân trong niên vụ tới. Theo đó, giá mía nguyên liệu sẽ không thấp hơn 900 đồng/kg. Đây là mức giá tối thiểu để người trồng mía đạt mức lợi nhuận ngang bằng với một số cây trồng khác trong vùng.
Theo ông Võ Thành Đàng, Tổng giám đốc công ty cổ phần mía đường Quảng Ngãi thì, việc áp giá sàn thu mua mía nguyên liệu sẽ giúp cho nông dân không bị ép giá, đồng thời việc thu mua của các doanh nghiệp cũng sẽ minh bạch hơn.
Niên vụ 2010-2011 diện tích trồng mía cả nước đạt 271,300 ha, trong đó riêng 25 tỉnh có nhà máy đường đạt 248,760 ha, tăng hơn vụ trước 6,300 ha. Sản lượng mía đạt 15,045.100 tấn, sản lượng mía ép 12,470.900 tấn, năng xuất bình quân đạt 60,5 tấn/ha (so với vụ trước 51,7 tấn/ha), sản xuất được 1,150.460 tấn đường tăng 260 ngàn tấn so với vụ trước.
Hiệp hội mía đường dự báo, niên vụ 2011-2012 sản lượng mía đường tăng và có thể đạt từ 1,3 – 1,4 triệu tấn đường. Do vậy, Hiệp hội cũng kiến nghị không nên nhập khẩu đường khi nguồn cung trong nước vẫn đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa.
“Đến hẹn” lại tăng giá
Theo Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, hàng năm cứ vào thời điểm bắt đầu vụ đường mới (thường bắt đầu từ tháng 10 hàng năm) lượng đường dự trữ tại các nhà máy hầu như không còn khiến lượng đường luân chuyển gần như không có nên một số doanh nghiệp lợi dụng thời gian này để đẩy giá đường lên.
Ông Long cũng cho biết, khó có thể kiểm soát được hiện tượng đầu cơ đẩy giá đường vào cuối năm vì các nhà máy đường sau khi sản xuất đường là phải bán liền để có nguồn vốn trả cho ngân hàng vì để đường trong kho càng lâu thì càng lỗ.
Để tránh giá đường tăng quá cao, ông Đoàn Xuân Hòa, Cục phó Cục chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, nếu vào thời điểm nói trên giá đường trong nước tăng đột biến thì Cục sẽ kiến nghị nhập khẩu đường để cân đối cung cầu của thị trường.
Ngoài hạn ngạch nhập khẩu chính thức Bộ Công thương đã cấp phép là 250.000 tấn, Bộ NN&PTNT đã có đề xuất cho nhập bổ sung thêm 50 ngàn tấn trong năm 2011. Giá bán buôn đường hiện nay đang dao động ở mức từ 19.000 đến 20.000 đồng/kg (bao gồm cả VAT, tùy loại RE, RS và tùy theo chất lượng đường).
Tuy nhiên, theo ông Hòa việc đánh giá cung cầu đường hiện nay không hoàn toàn chính xác vì không xác định được lượng đường nhập lậu từ các tỉnh Tây Nam, lượng đường sẽ xuất sang Trung Quốc trong thời gian tới.
Theo dự báo của tổ chức đường thế giới (ISO), niên vụ 2011-2012 sản xuất đường thế giới sẽ phục hồi và thặng dư ở mức 4 triệu tấn, chủ yếu từ các nước Thái Lan, Ấn Độ và Nga. Số thặng dư này phần lớn được các nước mua bù vào nguồn dự trữ đã sụt giảm ở các năm qua như: (Trung Quốc, Indonesia…), do vậy dự báo giá đường thế giới sẽ không bị sụt giảm. Giá mua bán đường trắng trên thị trường London (ngày 22/8/2011 ở mức 800,4 USD/tấn), trong khi đó ngày 4/5/2011 là 604,5USD/tấn.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/8/29968.html


Tin khác