Diện mạo nông thôn mới ở TP.Hồ Chí Minh: Đổi thay lớn sau 2 năm

08/09/2011

Sau xã điểm Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), với sức mạnh về kinh tế, TP.Hồ Chí Minh đang thực hiện tiếp chương trình xây dựng NTM tại 5 xã điểm nữa. Trong tương lai không xa, sẽ có rất nhiều xã ở TP. Hồ Chí Minh đạt chuẩn về NTM.

Xã Tân Thông Hội từ lâu được biết đến với rất nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Tuy nhiên, kể từ năm 2009 - khi được T.Ư chọn làm điểm về xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn ở đây mới có chuyển biến rõ rệt hơn, người nông dân cũng đã chuyển sang làm nông nghiệp một cách bài bản, bền vững.
Trồng hoa lan - nghề mới đang mang lại thu nhập cao cho người dân Tân Thông Hội
 
Chú trọng chất lượng cuộc sống
Trước khi bắt tay xây dựng NTM, Tân Thông Hội có 330ha đất sản xuất lúa với năng suất thấp. Sau gần 2 năm triển khai thí điểm xây dựng mô hình, các hộ nông dân ở đây đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau an toàn (RAT), hoa lan, cá cảnh… Nhờ đó, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đã tăng lên hơn 182,5 triệu đồng/ha, cao hơn tới 7 lần so với trồng lúa. Với giá trị tăng thêm đó, đến năm 2010, thu nhập bình quân ở Tân Thông Hội đã đạt 25,4 triệu đồng/người/năm, tăng 1,36 lần so với trước khi triển khai đề án xây dựng NTM.
Theo báo cáo của UBND xã Tân Thông Hội, cho đến năm nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn 12,69% (theo tiêu chí của TP.Hồ Chí Minh là thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm).
Nếu Tân Thông Hội đang tập trung nâng cao thu nhập cho nông dân, xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh) lại đang tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng để cải thiện hình ảnh yếu kém về lĩnh vực này của mình trong nhiều năm qua. Khi chưa xây dựng NTM, Tân Nhựt có xuất phát điểm rất thấp. Nhưng chỉ sau chưa đầy 2 năm xây dựng NTM, Tân Nhựt đã đưa vào sử dụng được 13 công trình giao thông nông thôn, cùng hàng chục công trình thủy lợi. Đồng thời, xã cũng đã tiến hành tháo dỡ 300 căn nhà tạm bợ cất sát sông rạch để làm sạch đẹp bộ mặt nông thôn.
Đặc biệt, đến nay 100% dân số ở Tân Nhựt đã được sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt, nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Nhà anh Nguyễn Thế Hùng ở ấp 3 là một điển hình, nhờ chuyển từ lúa một vụ sang nuôi cá, nuôi heo, gia đình anh trở nên khá giả, đủ điều kiện cho con học thành tài và xây được ngôi biệt thự với nhiều tiện nghi đắt tiền không thua hàng đại gia trong nội thành.
“Vợ chồng tôi đổi đời từ chính sức lao động của mình. Ở xã NTM, nông dân phải được sống trong những ngôi nhà đẹp và có hệ thống giao thông thuận tiện” - anh Hùng tâm sự.
Giới thiệu thành quả sau gần hai năm xây dựng NTM, ông Trần Trung Đỉnh- Phó Bí thư Đảng uỷ, kiêm Chủ tịch HĐND xã Tân Nhựt nói: “Cùng với xây dựng thí điểm mô hình NTM, Tân Nhựt còn là 1 trong 13 xã được thành phố chọn thực hiện “Đề án nông nghiệp đô thị”.
Theo đó, cây trồng-vật nuôi kém hiệu quả nhường chỗ những cây - con cho lợi nhuận kinh tế cao, như nuôi cá thịt - cá kiểng, trồng rau màu, hoa-cây kiểng… Hiện giá trị sản xuất bình quân đạt 64 triệu đồng/ha đất, tăng 2,5 lần so với trước năm 2009. Toàn xã chỉ còn 15% hộ nghèo theo tiêu chí của thành phố.
Sống vì cộng đồng
Đời sống vật chất được cải thiện, tình cảm và trách nhiệm công dân ở từng gia đình cũng nâng cao. “Nạn bạo hành trong một bộ phận nông dân gần như không còn nên Hội Phụ nữ và Hội Nông dân ít phải bận tâm giải quyết” - bà Nguyễn Thị Út - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Tân Nhựt khẳng định.
Cùng một suy nghĩ, ông Phạm Văn Thành nông dân xã NTM Thái Mỹ (Củ Chi) bày tỏ: “Được thành phố hỗ trợ xây dựng đường, trường học, nước sạch… chúng tôi không còn lo đường sá lầy lội trong mùa mưa, không phải gánh nước kênh, nước ao lóng phèn sử dụng. Bà con biết tiết kiệm chi dùng xây nhà đẹp hơn, xứng với NTM”.
Sau 2 năm thực hiện thí điểm xây dựng mô hình NTM ở TP.HCM, đời sống vật chất và phúc lợi dân sinh của người nông dân ở 6 xã điểm thay đổi từng ngày. Đây chính là nền tảng để hình thành lớp nông dân tiêu biểu không chỉ biết sản xuất kinh doanh giỏi, mà còn biết sống vì cộng đồng, gương mẫu xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn dân cư và vận động mọi người cùng tham gia.
Đến tháng 7.2011, tổng vốn huy động xây dựng hạ tầng của 6 xã NTM ở TP.HCM đạt 867,7 tỷ đồng, trong đó nhân dân và doanh nghiệp góp 172,34 tỷ đồng; đưa vào sử dụng 173 công trình phục vụ kinh tế và dân sinh.
Mỗi năm, bà Nguyễn Thị Biền ngụ ấp Trung, xã Tân Thông Hội (Củ Chi) chứng kiến hàng trăm vụ tai nạn giao thông chỉ vì con đường cận nhà bị xuống cấp trầm trọng. Năm 2009, xã phát động nhân dân tham gia cùng Nhà nước xây dựng xã NTM, bà động viên gia đình hiến gần 1.000m²2 đất và hàng rào kiên cố trị giá gần 200 triệu đồng để mở đường. Bà còn vận động bà con xung quanh góp đất, góp công bê tông hóa đường trong ấp.
Tại xã Tân Nhựt, phong trào hiến đất mở đường giao thông nông thôn đã được rất nhiều người dân tự nguyện thực hiện như ông Nguyễn Văn Tiến là một ví dụ. Ông Tiến cho biết: “Tôi đã trong đổi với lãnh đạo xã xin hiến đất trước để mọi người dân trong xã làm theo”. Hiện phong trào hiến đất xây dựng giao thông, thủy lợi, trường học và cùng Nhà nước xây dựng công trình thể thao, văn hóa cho nông dân đã trở thành phong trào ở tất cả các xã NTM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Theo Nông thôn ngày nay

Tin khác