Có thể đòi lại thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột

27/09/2011

Đó là khẳng định của luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc bộ phận sở hữu trí tuệ, Công ty cổ phần Sở hữu trí tuệ Bross và cộng sự, đơn vị phát hiện ra thương hiệu càphê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký tại Trung Quốc.

Đắk Lắk có thể đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Thưa ông, UBND tỉnh Đắk Lắk đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm càphê Buôn Ma Thuột ở Việt Nam. Vậy việc một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ tại nước họ và các nước khác có vi phạm luật pháp quốc tế?
Theo Điều 10, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2007 của Trung Quốc thì, tên địa lý của nước ngoài mà công chúng (Trung Quốc) đã biết tới thì không được sử dụng làm nhãn hiệu. Tên địa lý nước ngoài nào mà có ý nghĩa khác thì sẽ được độc quyền.
Điều 16 cũng quy định: Trong trường hợp một nhãn hiệu chứa một chỉ dẫn địa lý nhưng hàng hóa đó lại không xuất phát từ khu vực được chỉ ra và gây nhầm lẫn cho công chúng thì thương hiệu đó bị từ chối và cấm sử dụng.
Theo đúng luật pháp quốc tế thì doanh nghiệp Trung Quốc không vi phạm. Hơn nữa, theo luật Trung Quốc, người ta vẫn có thể cấp đăng ký nhãn hiệu cho một mặt hàng chưa hề nổi tiếng ở nước này.
Theo ông, liệu chúng ta có nguy cơ bị mất thương hiệu này hay không?
Luật Sở hữu trí tuệ của nước nào cũng giống nhau ở 2 nguyên tắc. Thứ nhất, ai đăng ký trước thì được cấp trước. Thứ hai, giới hạn bảo hộ của sản phẩm đó chỉ trên lãnh thổ mà thôi. Do đó, khi Việt Nam đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm càphê Buôn Ma Thuột ở trong nước nhưng chưa đăng ký quốc tế thì phía doanh nghiệp Trung Quốc hoàn toàn có quyền làm điều này. 
Đây hoàn toàn là vấn đề thương mại, chúng ta nên dựa trên con đường thương mại chứ không phải thông qua ngoại giao. Việc hủy bỏ thương hiệu là chuyện bình thường, cũng giống như Hoa Kỳ mỗi năm phải hủy hàng trăm thương hiệu… Trung Quốc cũng vậy thôi. Chúng ta có thể dựa vào Điều 41, Luật Sở hữu trí tuệ của họ. Trong trường hợp 1 nhãn hiệu đã được đăng ký theo Điều 13, 14, 15 và 21 của luật này thì bất kỳ chủ sở hữu nào hoặc bất kỳ đơn vị nào có liên quan đều có thể nộp yêu cầu cho Ban giải quyết để hủy bỏ nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu đó trung thực thì chủ sở hữu của nó được phép đăng ký ngoài thời hạn 5 năm. Và trên hết ai cũng biết rằng, Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk là của Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc.
Trong trường hợp phải khởi kiện ra tòa, chúng ta có tốn quá nhiều thời gian và kinh phí?
Tôi cho rằng chưa cần thiết phải ra tòa mà chỉ mang tính chất phương diện hành chính. Theo đó, sau khi chúng ta gửi yêu cầu lên Ban giải quyết nhãn hiệu của Trung Quốc, nếu trong vòng 2-3 năm mà sự việc vẫn không ngã ngũ, lúc đó mới nộp đơn ra tòa quốc tế.
Theo tính toán của chúng tôi, kinh phí không quá 10.000 USD với thời gian từ 2-3 năm.
Thưa ông, muốn bảo hộ chỉ dẫn địa lý hay thương hiệu cho sản phẩm có giá trị ở nước ngoài, chúng ta phải làm gì?
Bảo hộ ra nước ngoài có 2 kênh để thực hiện. Kênh thứ nhất là bảo hộ theo hệ thống toàn cầu và Cục Sở hữu trí tuệ là thành viên của Thỏa ước Madrit về đăng ký quốc tế về nhãn hiệu hàng hóa và Hiệp định thư Madrit. Hiện, hệ thống này có rất nhiều nước tham gia, trong đó có các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… Do vậy, nếu tham gia bảo hộ theo kênh này thì phải thông qua Cục Sở hữu trí tuệ, sau đó đơn vị này sẽ chuyển đơn đó cho một tổ chức trung gian của Liên Hợp quốc về vấn đề bảo hộ toàn cầu (WIPO), họ sẽ tiếp nhận đơn, thẩm định và gửi đến các nước để làm theo luật của quốc gia đó. Vai trò của WIPO trong trường hợp này chỉ là trung gian, còn nhãn hiệu được cấp hay không là do nước sở tại.
Thứ hai, chúng ta có thể nộp riêng từng nước một mà không qua khâu trung gian. Tuy nhiên với cách này, chúng tôi không khuyến khích vì lệ phí rất đắt.
Trước đây, một số thương hiệu của chúng ta bị mất như càphê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba…, do đó vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp nên quan tâm vấn đề bảo hộ thương hiệu một cách thỏa đáng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2011/9/30406.html


Tin khác