Ngành mía đường và bài toán cung - cầu năm 2012

21/02/2012

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ cho tạm trữ 200 nghìn tấn đường trong thời gian 6 tháng, đồng thời cho xuất khẩu 100-150 nghìn tấn để tránh tình trạng dư thừa đường trong nước. Thêm một lần nữa, vấn đề về cân đối cung - cầu đường lại trở thành bài toán khó đối với ngành mía đường trong nước.

Những khó khăn trong việc cân đối cung cầu luôn là bài toán nan giải đối với ngành mía đường. Chẳng hạn, quý II và quý III năm 2011, nhu cầu đường ở thị trường Trung Quốc tăng cao nên tình trạng xuất đường sang thị trường này tăng mạnh, ước tính gần 150.000 tấn đường đã được xuất qua thị trường Trung Quốc. Mặc dù trong nước xuất khẩu, nhưng đường nhập lậu từ biên giới vẫn tiếp tục gia tăng. Điều đáng nói là do đường nhập lậu không bị đánh thuế, nên giá bán thường rẻ hơn, chính điều này đã gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất mía đường và những người nông dân, đáng ra họ có thể thu được lợi nhuận cao hơn, nhưng sức ép từ đường nhập lậu đã làm cho cả doanh nghiệp và người trồng mía phải chịu thiệt thòi.
Cùng với đó là tình trạng đầu cơ tăng giá đường, dù đây là vấn đề không mới nhưng nhiều năm qua, thực trạng này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Thực tế, cứ vào những tháng cuối năm, lượng đường phục vụ thị trường sẽ trở nên khan hiếm. Do vậy, tình trạng đầu cơ nhằm đẩy giá đường lên cao thường xuyên diễn ra. Trong khi đó, ít doanh nghiệp nào muốn dự trữ hàng vì đường càng để lâu càng hao, dẫn đến lỗ. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế lạm phát, lãi suất ngân hàng cao, các nhà máy không dám trữ đường nên đã xảy ra tình trạng nguồn cung trên thị trường lúc thừa, lúc thiếu trầm trọng...
Rút kinh nghiệm từ thực tế của năm 2011, trong năm 2012, việc cân đối cung - cầu đường đã được triển khai bài bản hơn. Cụ thể, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra dự kiến về nguồn cung đường trong năm 2012. Theo Bộ này, nguồn cung đường sẽ dự kiến đạt 1.570.000 tấn, trong đó, sản xuất năm 2012 là 1.400.000 tấn, tồn kho năm 2011 là 100.000 tấn, nhập khẩu theo thỏa thuận WTO 70.000 tấn.
Về tổng cầu năm 2012, Bộ NN&PTNT cũng dự kiến sẽ đạt 1.400.000 tấn. Như vậy, cân đối cung cầu là dư khoảng 70.000 tấn đường. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, hàng năm lượng đường nhập lậu rất lớn nên khả năng dư thừa đường năm 2012 sẽ cao hơn nhiều so với con số trên.
Vì thế, để giảm áp lực trong khâu lưu thông và tạo điều kiện cho các nhà máy đường thu hồi vốn phục vụ sản xuất, Bộ NN&PTNT đã đồng ý với Bộ Công Thương việc trước mắt cho xuất khẩu đường với số lượng từ 100.000 đến 150.000 tấn. Cùng với đó, để đảm bảo nguồn cung và ổn định giá đường trong nước, Bộ NN&PTNT cũng nhất trí với kiến nghị của Hiệp hội mía đường Việt Nam, đề nghị Bộ Công thương trình Chính phủ cho tạm trữ 200.000 tấn đường với thời gian 6 tháng.
Bình ổn ngành mía đường, đảm bảo nguồn cung - cầu hợp lý, giải quyết hài hoà lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng trong việc nhận định và đưa ra những dự báo về cân đối cung – cầu cũng như đưa ra một mức giá sàn hàng năm hợp lý cho cây mía và giá đường trên thị trường, từng bước giữ được nhịp độ giá ổn định để người trồng mía có lãi.
Ngoài ra, để đảm bảo lợi ích, người nông dân cũng cần phải không ngừng nâng cao trình độ canh tác để có năng suất, chất lượng cao. Đối với các doanh nghiệp phải đảm bảo về giá cả trong thu mua mía, tránh tình trạng ép giá, hạ giá thành thu mua. Đồng thời, về lâu dài phải thực hiện xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo đủ nguyên liệu để sản xuất. Ngoài ra, cần có những chính sách, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho việc nghiên cứu khoa học, diện tích quy hoạch vùng nguyên liệu mía… Có như vậy, mới từng bước góp phần phát triển bền vững ngành mía đường trong tương lai.
Theo Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Nguồn:http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=507802#


Tin khác