Doanh nghiệp mía đường đến hẹn lại "than"

26/03/2012

Hiện, giá đường trong nước cao hơn thế giới trong khi chưa bước vào mùa cao điểm tiêu thụ đường. Tuy nhiên, mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã kiến nghị với liên bộ Công Thương, Nông nghiệp và PTNT cho phép xuất khẩu khoảng 100.000-150.000 tấn đường. Điều này liệu có hợp lý?

Do khó tiêu thụ, lại tồn kho nhiều, ngành mía đường kiến nghị được XK đường để gỡ khó cho DN.
Vào mùa là "đòi"
Còn nhớ mùa hè năm 2011, thị trường sốt sình sịch với giá đường, đã có lúc giá trong nước chênh với thế giới gần 10.000 đồng/kg. Khi ấy, các doanh nghiệp trong ngành kiến nghị Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu theo hạn ngạch đã được cấp phép từ đầu năm.
Năm nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT dự báo sản lượng đường của cả nước có khả năng đạt hơn 1,57 triệu tấn, trong đó các nhà máy sản xuất khoảng 1,4 triệu tấn, còn lại là lượng tồn kho và nhập khẩu theo thỏa thuận của WTO. Sau khi cân đối nhu cầu thị trường và mức luân chuyển cuối năm, dự kiến ngành dư khoảng 70.000 tấn. Tuy nhiên, theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lượng tồn kho phải lên tới 300.000 tấn. Đó là chưa kể sản lượng đường của Thái Lan năm nay đạt gần 11 triệu tấn. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng vì không thể cạnh tranh được với đường nhập lậu.
Để giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, Hiệp hội kiến nghị Nhà nước cho xuất khẩu 250.000 tấn đường, đồng thời có chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất mua tạm trữ 200.000 tấn đường trong sáu tháng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cứ vào mùa là các doanh nghiệp lại than tồn hàng, bán lỗ và đề nghị xuất khẩu. Song trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn đầu tư vào ngành và khi niêm yết trên sàn chứng khoán, họ vẫn đưa ra mức tăng trưởng và lợi nhuận rất cao.
Giải thích về vấn đề này, ông Hà Hữu Phái, Trưởng đại diện Hiệp hội tại Hà Nội cho rằng, nhiều công ty sản xuất đường thu lãi lớn, thậm chí có công ty lãi hơn 100 tỉ đồng/năm. Song cũng có nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hoặc đang trên bờ vực phá sản.
Một vấn đề khác cũng đáng bàn là Nhà nước đang áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đường, biện pháp này đang dẫn đến hệ quả xấu: giá đường trong nước luôn cao hơn mặt bằng giá thế giới. Hơn nữa, đó cũng chính là cơ hội để đường nhập lậu vào nước ta nhiều hơn.
Cần xây dựng kế hoạch xuất khẩu dài hơi
Đầu năm 2011, khi nguồn cầu chậm, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cho giãn nhập khẩu đường theo hạn ngạch đến tháng 4, để rồi sau đó, giá trong nước cao ngất ngưởng, các doanh nghiệp lại "đòi" được nhập khẩu để ổn định thị trường…
Năm nay, ngành còn kiến nghị cho xuất khẩu đường. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu kịch bản sốt giá đường như năm ngoái có lặp lại và khi ấy ai được hưởng lợi nhiều nhất. Trong khi giá đường trong nước đang cao hơn thế giới, vậy xuất khẩu sẽ bán cho ai?
Ông Phái cho rằng, đúng là với mức giá và chất lượng đường như hiện nay thì ta chưa thể cạnh tranh với các nước có nền sản xuất mía đường lớn như Thái Lan, Brazil hay Ấn Độ. Hy vọng lớn nhất của chúng ta hiện vẫn là xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, thị trường này có những chính sách điều chỉnh rất linh hoạt, lúc thì thả, lúc thì thắt chặt nên cần cẩn trọng khi xuất hàng hóa sang đây.
Vì thế xuất khẩu để cứu giá đường trong nước cũng chỉ là giải pháp tình thế, chỉ giải quyết được vấn đề tiêu thụ trong thời điểm nhất định. Còn trong tương lai, chúng ta nên nghĩ đến một chiến lược xuất khẩu dài hơi bởi theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản lượng đường sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới do các nhà máy tăng công suất, chưa kể lượng đường từ Lào, Campuchia chuyển về. Đây là bài toán khó cần thời gian dài cho các nhà hoạch định chính sách giải quyết. Một bài học từ Thái Lan là nước này có chính sách thu mua mía đường rất tốt, liên kết được giữa nông dân và người sản xuất khiến giá mía đường của họ khá ổn định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần chia sẻ, trong năm qua, lượng đường của ta xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch tương đối lớn nhưng chủ yếu là loại đường tạm nhập tái xuất, chứ đường sản xuất trong nước xuất đi không đáng kể. Để tạo điều kiện cho đường trong nước xuất sang Trung Quốc thì phải dừng việc tạm nhập tái xuất. Hiệp hội Mía đường Việt Nam phải có trách nhiệm tổ chức sản xuất tốt, đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, sốt giá, gây khó khăn cho người tiêu dùng và nông dân.
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác