BHNN triển khai thế nào cho hiệu quả: Giải pháp?

27/03/2012

Việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp sẽ kết thúc vào năm 2013 song đến nay tỷ lệ hợp đồng được ký giữa các công ty bảo hiểm với người dân còn rất thấp. Làm sao để 2 nhà này có thể tìm được tiếng nói chung? Kinh tế nông thôn ghi lại một số ý kiến của nhà quản lý và nông dân xung quanh vấn đề này.

Cá tra là đối tượng vật nuôi được tham gia bảo hiểm.
Ông Hoàng Xuân Điều, Phó trưởng phòng Bảo hiểm xe cơ giới (Tập đoàn Bảo Việt):
Sẽ thanh toán bồi thường trong 15 ngày nếu đủ hồ sơ
Chính sách bảo hiểm nông nghiệp hiện nay ở Việt Nam còn khá mới, vì vậy, chúng tôi đã xây dựng thành quy trình từ khai thác tới giám định giải quyết các quyền lợi bảo hiểm và tuyên truyền rộng rãi tới từng hộ dân, đại lý cấp xã. Người dân có thể yên tâm nếu xảy ra rủi ro thuộc phạm vi trách nhiệm của bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm sẽ bồi thường kịp thời theo các quy định của luật pháp. Khi hồ sơ bồi thường đã đầy đủ thì trong 15 ngày, bảo hiểm sẽ thanh toán tiền bồi thường cho dân. Đối với việc giải quyết quyền lợi cho người dân khi xảy ra sự cố và tổn thất, chúng tôi quy định rõ những giấy tờ, tài liệu mà người dân cần có. Trên cơ sở thu thập đầy đủ giấy tờ, trong khoảng thời gian nhất định theo luật định, công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm thanh toán đầy đủ.
Công ty Bảo hiểm Bảo Việt có mạng lưới hệ thống tới tận cấp huyện, xã. Trong quá trình truyền thông, chúng tôi chủ động in ấn các tài liệu hướng dẫn ngay từ bước đầu khi ký kết hợp đồng. Tôi xin bổ sung, công ty bảo hiểm khi cung cấp dịch vụ luôn yêu cầu các đối tượng tham gia bảo hiểm cam kết tuân thủ đúng quy trình, đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi sự cố xảy ra, tùy phạm vi, mức độ rủi ro mà chúng tôi có thể mở rộng phạm vi bảo hiểm. Ví dụ, những rủi ro ngẫu nhiên, không lường trước được, một phần nhỏ do quy trình sai, còn phần lớn là do thiên tai thì chúng tôi vẫn xem xét bồi thường có mức độ. Còn nếu rủi ro xảy ra do không tuân thủ những quy trình đã rất rõ, chúng tôi sẽ không bồi thường. Chúng tôi sẽ xem xét sự việc xảy ra có mang tính khách quan hay không. Nếu khách quan và chậm trễ do cơ quan chức năng, không phải do chủ ý của nông dân, chúng tôi sẽ có phương án bồi thường.
Bảo hiểm nông nghiệp triển khai thế nào cho hiệu quả?
 
Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT):
Cần tuân thủ quy trình sản xuất
Đã tham gia bảo hiểm thì nông dân phải sản xuất theo quy trình, nếu để dịch bệnh tràn lan thì bảo hiểm cũng không thể có đủ kinh phí đền bù hết cho dân được. Do vậy, không chỉ thực hiện bảo hiểm, chúng tôi còn hướng nông dân sản xuất chuyên nghiệp hơn, an toàn hơn. Những năm qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các quy trình sản xuất, trồng trọt theo tiêu chuẩn với rất nhiều sản phẩm. Nhiều ngành như lúa, thủy sản, hồ tiêu, càphê, điều, trái cây... đang tích cực áp dụng quy trình sản xuất này. Tới đây, các cơ quan quản lý địa phương sẽ phải hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình một cách chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, trong thời gian đầu thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm cần linh hoạt xem xét các điều kiện khách quan hay chủ quan về việc nông dân sản xuất theo quy trình để bồi thường cho dân khi rủi ro xảy ra.
Việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ là hoạt động phi lợi nhuận. Các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia đều là doanh nghiệp lớn, có uy tín và bề dày kinh nghiệm. Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp và nông dân tham gia bảo hiểm một cách hiệu quả. Vai trò của các địa phương tới đây rất quan trọng. Chỉ có họ mới biết đâu là hộ nghèo, cận nghèo để phân loại hỗ trợ phí bảo hiểm theo thông tư của Bộ Tài chính. Tôi cho việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp thành công hay không phụ thuộc vào việc tuyên truyền để nông dân sản xuất tốt hơn. Nông dân cũng cần lắng nghe, suy nghĩ và chuyển đổi cơ cấu, phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa để không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân mà còn giúp nền sản xuất nông nghiệp của ta hiện đại hơn.
Anh Phí Đình Nghi, thôn Bơn, xã Vân Hòa (Ba Vì – Hà Nội):
Tham gia bảo hiểm sẽ bớt rủi ro
Chúng tôi vẫn chưa nắm rõ thông tin về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với bò sữa. Được hỗ trợ mua bảo hiểm đang là mong mỏi của người chăn nuôi bởi con bò sữa có giá trị lớn, nếu không may gặp rủi ro, người chăn nuôi sẽ chịu thiệt hại không nhỏ. Như năm 2010, nhà tôi bị chết một con bò sữa đang cho khai thác, trị giá 37 triệu đồng. Hiện, cả xã có hơn 420 hộ chăn nuôi bò sữa với trên 1.000 con, trong đó 25% là hộ nghèo. Đợt nắng nóng kéo dài trong tháng 6 – 7 năm 2010, xã Vân Hòa có khoảng 30 con bò sữa bị chết, ảnh hưởng lớn tới sản xuất. Nếu tham gia bảo hiểm, chắc chắn nông dân sẽ bớt thiệt hại hơn.
Mô hình bảo hiểm bò sữa Mộc Châu: Cần nhân rộng
Trong khi việc triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở 20 tỉnh, thành phố còn đang gặp nhiều khó khăn thì nhiều năm nay, tại Nông trường Bò sữa Mộc Châu (Sơn La) đã thực hiện thành công bảo hiểm cho bò sữa.
Ông Hoàng Minh Đức ở tiểu khu 77 cho biết, nuôi bò sữa không tránh khỏi các rủi ro do dịch bệnh, giá sữa thất thường. Việc thực hiện bảo hiểm cho bò sữa sẽ giúp nông dân giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố trong sản xuất. Mỗi năm các gia đình trong nông trường đóng 250.000 đồng/con bò sữa, nếu bò chết, sẽ được hỗ trợ gấp 10 lần. Từ năm 2010, các hộ dân đã đề nghị nâng mức phí lên 500.000 - 600.000 đồng/con. Khi bò chết, được hỗ trợ tới 15 lần, tức khoảng 7,5 - 9 triệu đồng/con bò sữa, cộng với sản phẩm tận thu, chỉ cần bù thêm 1 - 2 triệu đồng nữa là bà con đủ tiền mua một con bò mới.
Ban đầu phải đóng tiền ai cũng băn khoăn, nhưng khi bò chẳng may bị dịch bệnh chết, được nhận tiền bảo hiểm để tái đàn, mọi người đều hiểu rằng, nếu không tham gia bảo hiểm, khi bò chết là mất trắng.
Hơn 7.000 con bò sữa ở Mộc Châu đã được bảo hiểm.
 
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa bò Mộc Châu cho biết, tất cả các hộ dân của nông trường đều tham gia bảo hiểm cho hơn 7.000 con bò sữa, tổng phí bảo hiểm lên tới 20 tỷ đồng. Thậm chí, hiện nay, nông trường còn mở rộng sang hình thức bảo hiểm giá sữa, theo phương thức mỗi hộ đóng 50 đồng/kg sữa tươi, khi giá sữa giảm 25 - 30% thì bảo hiểm sẽ chi trả bằng 60% giá chênh lệch.
Khi bò của người dân tham gia bảo hiểm chết, người của quỹ đến khám nghiệm, dựa trên cơ sở quy trình chăn nuôi của công ty để quyết định có trả bảo hiểm hay không. Quỹ do người chăn nuôi trực tiếp quản lý, nên khi bò chết do yếu tố khách quan, có thể chi trả bảo hiểm ngay cho người chăn nuôi.
Đánh giá về mô hình bảo hiểm bò sữa ở Mộc Châu, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng cho rằng: “Qua nghiên cứu, tôi thấy mô hình rất hay. Vì chính người tham gia bảo hiểm được bàn bạc, đề xuất mức phí và mức thụ hưởng bảo hiểm, đồng thời họ tự bầu ra người quản lý quỹ. Đây là mô hình cần được nhân rộng”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hùng đánh giá, Mộc Châu là vùng nuôi bò sữa tập trung khá lâu tại Việt Nam. Hình thức bảo hiểm ở đây là đôi bên cùng có lợi, và họ thấy rõ lợi ích nên thỏa thuận đó đã tạo thành cam kết lâu dài. Mô hình này cần khuyến khích và nhân rộng. Khi chưa có vai trò bà đỡ của Chính phủ nhưng với quy mô sản xuất lớn, tập trung như vậy, bản thân doanh nghiệp bảo hiểm tự hạch toán có thể có lãi. “Điều đáng nói, phần lớn các hộ chăn nuôi bò sữa ở đây đều áp dụng công nghệ cao, quy trình chặt chẽ, rủi ro không nhiều như vùng khác, vì vậy mô hình mới thành công”, ông Hùng nói.
 
Theo Kinh tế nông thôn

Tin khác