Tham gia bảo hiểm, người nuôi tôm an toàn hơn

14/05/2012

Hiện nay, nuôi tôm đang là ngành mang lại lợi nhuận lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chính vì thế, việc tham gia bảo hiểm nông nghiệp sẽ là trợ lực mới để người nuôi yên tâm đầu tư sản xuất.

Những ao nuôi tôm sú đã được bảo hiểm.
Theo dự án thí điểm bảo hiểm nuôi trồng thuỷ sản (cá tra, ba sa, tôm sú, tôm chân trắng) từ nay đến năm 2013, Sóc Trăng sẽ có 9 xã thuộc các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề và Vĩnh Châu thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên con tôm. Theo đó, mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến sẽ đóng phí bằng 9,72% tổng chi phí của vụ nuôi; mô hình bán thâm canh đóng 8,02% và nuôi thâm canh đóng 7,42% (tương đương khoảng 10 triệu đồng). Hiện tại, trong 9 xã thí điểm, mức phí dự kiến cho các hộ tham gia bảo hiểm là 257 tỉ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ khoảng 155 tỉ đồng. Có thể nói đây là lần đầu tiên, người nuôi tôm có được sự hỗ trợ giống như một chính sách an sinh xã hội. Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên) cho biết: “Việc xã ký kết với bảo hiểm là trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với người nuôi tôm và cũng là động lực để bà con có niềm tin rằng khi nuôi tôm có rủi ro thì có doanh nghiệp, nhà nước hỗ trợ”.
Tại Sóc Trăng, Bảo Việt là đơn vị được chọn thực hiện thí điểm bảo hiểm trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Theo hướng dẫn của Bảo Việt, khi nuôi tôm xảy ra thiệt hại, hộ nuôi thông báo với UBND xã hoặc với công ty qua đường dây nóng, đồng thời nộp hồ sơ gồm giấy chứng nhận bảo hiểm, giấy xét nghiệm tôm, hóa đơn mua giống, thức ăn cho tôm... Bảo Việt sẽ có trách nhiệm bồi thường trong vòng 30 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.
Theo quy định tại thông tư hướng dẫn thực hiện thí điểm BHNN của Bộ Nông nghiệp và PTNT, điều kiện để được bồi thường BHNN do ảnh hưởng của các loại thiên tai, dịch bệnh là Chủ tịch UBND tỉnh phải ra quyết định công bố và xác nhận loại thiên tai, dịch bệnh tại địa phương. Ngoài ra, mức độ thiệt hại để được bồi thường là năng suất vùng lúa phải thấp hơn 75% năng suất bình quân vụ sản xuất trong ba năm gần nhất, chăn nuôi thiệt hại ở mức 20%, thủy sản nuôi ở mức 30%. Mức độ thiệt hại làm căn cứ để giải quyết bồi thường phải được Chủ tịch UBND cấp tỉnh xác nhận.
Tuy nhiên, không ít người nuôi còn băn khoăn xung quanh vấn đề này. Ông Đặng Văn Khởi ở ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình (Trần Đề) chia sẻ: “Bà con băn khoăn nhất là nếu xác định được 4 bệnh của tôm thẻ và 3 bệnh của tôm sú thì cần có máy để kiểm tra thật chính xác và người sử dụng máy phải thành thạo. Nếu đúng là bệnh đó thì người dân mới được bồi hoàn thỏa đáng, trong khi dịch bệnh trên tôm đang diễn biến phức tạp”.
Còn ông Nguyễn Văn Khởi, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Sóc Trăng nói: “Để được bảo hiểm bồi thường thì người nuôi phải thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất của ngành nông nghiệp từ khâu cải tạo ao đầm, chọn con giống đến thả nuôi, đặc biệt là phải tuân thủ tuyệt đối lịch thời vụ. Nếu vi phạm sẽ bị từ chối chi trả bồi thường khi rủi ro, mà điều này thì quá khó với nông dân”.
Vì thế, các ngành chức năng, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ, hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy định để chính sách bảo hiểm thực sự đi vào cuộc sống.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/kinhte-thitruong/2012/5/34071.html


Tin khác