VFA khuyến cáo tình trạng gian dối, ảnh hưởng chất lượng gạo

20/06/2012

Năm 2012, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quyết định đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng gạo thơm với mục tiêu đề ra là 600.000 tấn, cao hơn năm ngoái 140 ngàn tấn.

Thời gian qua, các thương nhân Trung Quốc vào ĐBSCL tìm mua gạo thơm xuất vào thị trường Trung Quốc và đưa ra đề nghị các doanh nghiệp trong nước đấu trộn 50% gạo thơm với 50% gạo trắng để tăng lợi nhuận.
 Việc Chính phủ Thái Lan áp dụng chính sách trợ giá lúa đang là nguyên nhân đẩy giá gạo thơm tăng lên và làm cho gạo thơm Việt Nam được lựa chọn nhiều hơn với giá cả rất cạnh tranh. Đây chính là một lợi thế của gạo thơm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nếu năm 2010, cả nước xuất khẩu được 216.000 tấn gạo thơm các loại thì đến năm 2011, số lượng gạo thơm xuất khẩu tăng lên gấp đôi, đạt 460.000 tấn. Trong 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu được gần 230.000 tấn gạo thơm các loại. Hiện gạo thơm jasmine thành phẩm giao tại mạn có giá 12.000 đồng/kg, gạo thơm nhẹ giá 11.000 đồng/kg, gạo hương lài giá 16.000 đồng/kg. Giá gạo thơm nhẹ xuất khẩu dao động từ 580 – 590 USD/tấn, jasmine giá xuất khoảng 620 USD/tấn, hương lài (KDM) có giá khoảng 780 USD/tấn.
Nhu cầu sẽ tăng vào cuối năm
Mặc dù đã ký được hợp đồng xuất khẩu 230 ngàn tấn gạo thơm các loại nhưng theo đánh giá của các doanh nghiệp chuyên làm gạo thơm xuất khẩu, trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung của các nước như hiện nay, nhu cầu gạo thơm trên thị trường thế giới trong các tháng đầu năm không nhiều như năm 2011. Điều này khiến giá bán gạo thơm trên thị trường xuất khẩu năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Gạo thơm jasmine hiện có giá bán 610- 620 USD/tấn, thơm nhẹ khoảng 560 - 570 USD/tấn thấp hơn 30 USD/tấn so với thời điểm cuối năm 2011 (640 - 650 USD/tấn). Trong khi 2 loại gạo thơm trên có giá bán thấp hơn so với năm 2011 thì gạo thơm hương lài lại có giá cao hơn đôi chút so với cùng kỳ, từ 770 - 780 USD/tấn.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến giá gạo thơm trên thị trường xuất khẩu. Đó là giá gạo trắng thường giảm đã kéo theo giá gạo thơm xuống thấp. Lực cầu trên thị trường yếu cũng đẩy giá gạo thơm giảm xuống. Mặt khác, giá lúa hạt dài thấp nhiều so với giá lúa thơm nên vì hám lợi thương lái đã trộn lẫn 2 loại vào nhau. 
Có những doanh nghiệp mới làm gạo thơm xuất khẩu do không lựa chọn kỹ đã mua phải loại lúa này nên gạo thơm có chất lượng gạo thấp làm cho khách hàng than phiền. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp trộn gạo trắng với gạo thơm rồi xuất bán cũng là nguyên nhân làm giảm sút chất lượng gạo thơm.
Bên cạnh nhu cầu không cao của thị trường gạo thơm, sản lượng lúa thơm trong nước thấp cũng đang đe dọa lên chỉ tiêu xuất khẩu. Hiện nay, dù lượng gạo thơm còn tồn trong kho của các doanh nghiệp vẫn đảm bảo đủ cho số lượng hợp đồng đã ký nhưng nếu ký thêm để đạt số lượng 600 ngàn tấn sẽ khó bởi diện tích trồng lúa thơm vụ hè thu rất hạn chế. Do vậy, chỉ có thể trông chờ vào vụ thu đông thu hoạch trước tháng 12/2012, song diện tích vụ thu đông cũng không lớn. Từ 2 yếu tố trên cho thấy, mục tiêu xuất khẩu 600 ngàn tấn gạo thơm năm 2012 sẽ rất khó đạt. Muốn có đủ lượng gạo thơm xuất khẩu theo mục tiêu, ngành nông nghiệp địa phương cần phải khuyến khích bà con nông dân tăng diện tích lúa thơm trong vụ thu đông nhằm đảm bảo đủ sản lượng lúa thơm. 
Cũng có ý kiến cho rằng, thời điểm này của năm ngoái, thị trường xuất khẩu gạo thơm cũng khá trầm lắng. Vào những tháng cuối năm, thị trường rất khởi sắc và các doanh nghiệp có sự bứt phá ngoạn mục đã giúp số lượng xuất khẩu năm 2011 tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tỏ ra dè dặt khi không đưa ra bất cứ nhận định nào về tình hình thị trường gạo thơm vào những tháng cuối năm.
Ngăn chặn hành vi gian dối
Các doanh nghiệp cho biết, thị trường xuất khẩu của gạo thơm Việt Nam chủ yếu là Hongkong và Đài Loan. Trong 460 ngàn tấn gạo thơm xuất khẩu năm 2011, Hongkong đã chiếm tới 50%. Thế nhưng, gạo thơm Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này mấy tháng qua bị trục trặc, do phía Hongkong và Đài Loan thường khiếu nại chất lượng gạo và không chịu nhận hàng một số hợp đồng cũ. 
Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, mặc dù chất lượng gạo năm nay không khác so với năm ngoái. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã mở được nhiều thị trường mới tại một số nước ở châu Phi và châu Á để bù đắp sự sụt giảm số lượng xuất khẩu gạo thơm vào Hongkong và Đài Loan. 
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo thơm ở ĐBSCL cho rằng, “Đặc thù của thị trường gạo thơm là các nhà nhập khẩu châu Á sẽ đẩy mạnh mua vào trong các tháng cuối năm để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán. Khi đó, số lượng hợp đồng xuất khẩu gạo thơm sẽ tăng lên và chúng ta không nên lo lắng quá sớm”.
Thời gian qua, các thương nhân Trung Quốc vào ĐBSCL tìm mua gạo thơm xuất vào thị trường Trung Quốc và đưa ra đề nghị các doanh nghiệp trong nước đấu trộn 50% gạo thơm với 50% gạo trắng để tăng lợi nhuận. Vì hám lợi, đã có một doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu này song số lượng bán ra không đáng kể. Việc làm này rất nguy hiểm bởi người tiêu dùng nếu phát hiện gạo thơ
Việt Nam kém chất lượng sẽ tẩy chay, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng gạo thơm Việt Nam và nền sản xuất lúa gạo thơm trong nước. 
Từ thực trạng trên, VFA đã yêu cầu các doanh nghiệp thành viên không vì lợi ích trước mắt mà có hành động sai trái, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, chất lượng cũng như phá hoại thị trường gạo thơm Việt Nam. “Chúng tôi đã có văn bản gửi đến tất cả các doanh nghiệp thành viên VFA, khuyến cáo và kêu gọi ý thức của các doanh nghiệp Việt Nam. Không nên vì lợi ích trước mắt mà nghe theo lời đề nghị sai trái của các thương nhân Trung Quốc đấu trộn gạo thơm với gạo trắng để bán vào thị trường này. Nếu doanh nghiệp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Hành vi đấu trộn như vậy không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng gạo thơm Việt Nam mà ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất lúa gạo của chúng ta”, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA chia sẻ.
Theo VnEconomy

Nguồn: http://vneconomy.vn/20120618114837117P0C19/vfa-khuyen-cao-tinh-trang-gian-doi-anh-huong-chat-luong-gao.htm


Tin khác