Đưa cánh đồng mẫu lúa nước lên Tây Nguyên: Lợi ích thấy rõ

29/08/2012

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), thôn Tân Hưng, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk) đã triển khai mô hình thí điểm cánh đồng mẫu lúa nước đầu tiên tại Tây Nguyên, với sự tham gia của 4 "nhà" (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp). Đây là mô hình được đánh giá có nhiều triển vọng, mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân.

Mô hình cánh đồng mẫu lúa nước đầu tiên tại Tây Nguyên với nhiều triển vọng.
Trước đây, nông dân thôn Tân Hưng thường sản xuất theo tập quán cũ, mạnh ai nấy làm, muốn gieo giống lúa gì tùy thích, lượng giống gieo sạ nhiều, từ 25 - 35 kg/1.000m2; bón phân tùy tiện, thường bón nhiều đạm; hễ thấy sâu bệnh là dùng thuốc hóa học phun trừ ngay, do đó chi phí đầu tư nhiều mà hiệu quả kinh tế không cao, chưa kể chất lượng lúa gạo cũng bị ảnh hưởng.
Nhận thấy nơi đây có nhiều thuận lợi trong việc sản xuất lúa nước, cuối tháng 5/2012, Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, UBND TP. Buôn Ma Thuột, UBND xã EaKao, cán bộ thôn Tân Hưng đã phối hợp vận động 84 hộ dân, chủ nhân của hơn 10ha lúa nước cùng bắt tay xây dựng mô hình "cánh đồng mẫu lúa nước" đầu tiên tại Tây Nguyên. Giống lúa gieo trồng là OM-5953, thời gian sinh trưởng ngắn, có khả năng kháng một số sâu bệnh hại, chất lượng gạo tốt, năng suất cao…
Trong giai đoạn đầu xuống giống, do mật độ gieo sạ thưa (lượng giống gieo sạ giảm 60% so với tập quán trước đây), khiến bà con không khỏi lo lắng, e ngại khi trước đây quen nhìn thấy ruộng mạ dày cứng. Hồi đó, mỗi ngày, Ban quản lý mô hình "cánh đồng mẫu lúa nước" nhận không biết bao nhiêu cuộc điện thoại của nông dân trách móc vì lo lắng cho số phận của cây lúa.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 1 tháng sau, cánh đồng lúa của thôn Tân Hưng hoàn toàn khác với màu xanh bát ngát, lúa đẻ nhánh to, khỏe. Điều đáng nói là cho đến giờ, cánh đồng mẫu lúa nước này chưa hề sử dụng bất cứ loại thuốc hóa học nào trong việc phòng trừ sâu bệnh. Lượng giống gieo chỉ khoảng 12 kg/1.000m2; lượng phân urê và kali cũng giảm, chỉ bằng 70% so với trước. Ngoài ra, trong quá trình canh tác, bà con còn được hướng dẫn quy trình làm đất, xử lý đất, ngâm ủ giống, xử lý giống trước khi gieo và gieo sạ cùng lúc…
Vẫn còn khoảng 1 tháng nữa mới có thể khẳng định được sự thành công của mô hình cánh đồng mẫu lúa nước này, tuy nhiên, với đà sinh trưởng tốt của cây lúa như hiện nay và dựa trên cơ sở khoa học, tin rằng thôn Tân Hưng sẽ có một vụ mùa bội thu. Ước tính thu nhập tăng thêm so với sản xuất truyền thống của bà con khoảng 90 triệu đồng/10ha (trong đó, lượng giống giảm tương đương 27 triệu đồng; giảm 1 lần phun thuốc trừ sâu, tương đương 3 triệu đồng; năng suất lúa tăng 10 tấn, tương đương 60 triệu đồng, đó là chưa kể giảm số lượng phân bón). Nếu chỉ 30% diện tích lúa nước của tỉnh (24.000ha) được triển khai thực hiện theo mô hình cánh đồng mẫu thì mỗi năm, Đắk Lắk sẽ tăng thu nhập cho nông dân khoảng 21 tỷ đồng.
Mô hình thành công sẽ mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao thu nhập cho người trồng lúa ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, cũng như đóng góp vào công cuộc XDNTM.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/xaydungnongthonmoi/2012/8/35886.html


Tin khác