Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO: Nông nghiệp luôn thể hiện vai trò trụ đỡ

03/04/2013

Sau 5 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng rõ ràng những yếu kém nội tại của nền kinh tế đòi hỏi Chính phủ, các địa phương, ngành chức năng phải triển khai mạnh mẽ các giải pháp tổng thể để cải thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh để chủ động hội nhập sâu rộng.

Nông nghiệp vững vàng trong gian khó
Nếu nhìn vào Báo cáo Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện sẽ thấy một số chỉ số tăng trưởng có vẻ thụt lùi so với giai đoạn 5 năm trước hội nhập. Đơn cử như tốc độ tăng trưởng kinh tế, 5 năm sau gia nhập WTO, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân chỉ đạt 6,5%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 5 năm trước (bình quân 7,8%/năm), không đạt được so với mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, theo TS.Phạm Lan Hương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, đây vẫn được coi là điểm sáng của Việt Nam. Thực tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta vẫn cao so với thế giới, khi mà mấy năm qua số nước có tăng trưởng dương chỉ đếm trên đầu ngón tay. 
Cũng theo bà Hương, việc mở cửa, hội nhập sâu rộng có thể tạo cho chúng ta nhiều cơ hội kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng cũng sẽ dễ bị tổn thương với tác động từ những cú sốc bên ngoài. Chỉ sau khoảng 1 năm chúng ta gia nhập WTO, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới bắt đầu phủ bóng đen lên nhiều quốc gia. Và với độ mở của nền kinh tế cao như Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu thì những tác động tiêu cực tràn vào rất nhanh và rõ rệt.
Có một điều khá thú vị là trong tác động của cuộc khủng hoảng, trong khi ngành công nghiệp có độ sụt giảm sâu về tốc độ tăng trưởng thì nông nghiệp vẫn giữ vững nhịp độ tăng trưởng, thậm chí ở nhiều thời điểm nó còn thể hiện rõ vai trò trụ đỡ, cứu cánh của nền kinh tế. Cụ thể, sau 5 năm gia nhập WTO, nông nghiệp vẫn đạt được sự tăng trưởng tốt nhất, bình quân 3,4%. Điều đáng nói là bảo hộ trong nước cho ngành nông nghiệp giảm mạnh (một số trường hợp đi trước lịch trình cam kết như thịt tươi, đông lạnh và chế biến, thủy sản; một số ngành có bảo hộ thực tế thấp hơn 0 như mía, cao su, cây lâu năm, trâu, bò, lợn, gia cầm) nhưng chỉ số lan tỏa kinh tế của những ngành này vẫn lớn hơn 1 (nghĩa là có tác động tích cực đến sự phát triển của nền kinh tế); trong khi ngành công nghiệp có bảo hộ thực tế cao thì lại chưa được như kỳ vọng.
Đánh giá về điều này, TS.Võ Trí Thành khẳng định, rõ ràng, nông nghiệp đã trở thành cứu cánh quan trọng cho nền kinh tế, là điểm sáng của Việt Nam trong khó khăn.
Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) cũng là một điểm cộng của Việt Nam sau gia nhập WTO. Theo đó, 5 năm sau khi gia nhập sân chơi toàn cầu này, nước ta thu hút được 6.737 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 151.685 USD; trong khi giai đoạn 2002 – 2006 là 4.367 dự án, tổng vốn đăng ký 29.581 USD. Tuy nhiên, so với kỳ vọng thì chúng ta vẫn chưa thu hút được nhiều vốn FDI vào một số lĩnh vực mong muốn như công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp, khoa học công nghệ... Một số lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhưng có thể gây ra hệ lụy tiêu cực như bất động sản, khai khoáng, các lĩnh vực sử dụng công nghệ thấp, trồng rừng,...
Việc gia nhập WTO cũng đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến vấn đề việc làm, đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của Việt Nam. Theo đó, từ 2007 đến nay, bình quân mỗi năm lao động nông nghiệp giảm 65.000 người. Lao động công nghiệp tăng nhanh hơn, mỗi năm tăng 624.000 người (so với 548.000 người thời kỳ trước). Lao động dịch vụ tăng 623.000 người. Mỗi năm tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện cho gần 1,1 triệu người chuyển sang làm công ăn lượng (so với mức 847.000 người trước WTO). Tỷ lệ lao động làm công ăn lương tăng từ 20,4% (2002) lên 28% (2006) và đạt  35,3% (2011). Tỷ lệ lao động tự làm và lao động gia đình giảm từ gần 80% (2002) xuống 71,5% (2006), giảm mạnh còn gần 62% (2011). Đây là một trong những nền tảng để Việt Nam thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo. Năm 2011, theo chuẩn nghèo thời kỳ 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 9,45%. Thu nhập bình quân của hộ nghèo đã tăng 2 lần: từ 184.300 đồng/người/năm (2006) lên 369.300 đồng/người/năm (2010). 
Một số khuyến nghị chính sách
Trên cơ sở các kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách để tận dụng tốt cơ hội khi chúng ta gia nhập sâu vào sân chơi toàn cầu. 
Theo đó, vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cần được ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô một cách đồng bộ, nhất quán, kịp thời, linh hoạt, với mục tiêu hợp lý và công cụ chính sách phù hợp trong từng thời kỳ dựa trên thông tin phân tích và dự báo chính xác, có căn cứ khoa học. Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành trong việc đề xuất, giải trình và thực thi chính sách.
Giải quyết vấn đề nhập siêu một cách cơ bản để đến năm 2020 đạt được cân bằng cán cân thương mại một cách bền vững, kết hợp với việc nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng sản phẩm. Chú trọng việc nâng cao năng lực cạnh tranh cả ở 3 cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và mặt hàng.
Nghiên cứu, triển khai chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành có tiềm năng và chương trình chuyển đổi các ngành không có khả năng cạnh tranh. Thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng thông qua nâng cấp nhân lực, công nghệ, tiếp cận công nghệ nguồn tốt hơn, hợp tác dài hạn với các đối tác mạnh trong lĩnh vực tương ứng. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển và ứng dụng khoa học – công nghệ vào quá trình sản xuất. Triển khai các nhóm chính sách hỗ trợ việc nâng cao năng lực cạnh tranh, trong đó đặc biệt chú trọng tái cơ cấu khu vực tài chính, ngân hàng, giảm thiểu rủi ro bất ổn tài chính; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng; thúc đẩy, thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ; giảm các rào cản sau biên giới và đẩy nhanh việc thuận lợi hóa thương mại và đầu tư.
Sớm triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020. Tận dụng các ưu đãi hiện hành và các hạn chế được bảo lưu trong cam kết hội nhập kinh tế quốc tế đối với các ngành; có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và định hướng đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam cần.  Khuyến khích tận dụng các cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng và chất lượng hàng hóa. Khuyến khích cắt giảm chi phí dịch vụ hỗ trợ sản xuất kinh doanh như chuyên chở, kho bãi, cảng, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng. Tăng cường thông tin thị trường, đẩy mạnh công tác tiếp thị. Khuyến khích doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để thâm nhập, khai thác thị trường ngoài nước; chuyển dần từ gia công sang tự xuất khẩu trực tiếp. Tối đa hóa liên kết với các doanh nghiệp có vốn FDI, tham gia sâu vào các liên kết trong khu vực. 
Hoàn thiện thể chế, chính sách gắn với việc thực hiện các cam kết hội nhập nhằm nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn đầu tư. Đề ra các chính sách phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để loại bỏ các dự án FDI không mang lại lợi ích quốc gia. Điều chỉnh cơ cấu FDI theo hướng tăng tỷ trọng dòng vốn vào các ngành sản xuất, đầu tư phải đi kèm với tăng năng lực sản xuất, tạo lợi thế xuất khẩu. Gắn chiến lược thu hút vốn với giám sát quá trình thực thi, hoạt động. Điều chỉnh lại cơ chế phân cấp đầu tư, trong đó có phân cấp đầu tư nhà nước. 
Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tiết kiệm nội địa, thu hút đầu tư từ mọi nguồn vào phát triển kết cấu hạ tầng, các ngành, lĩnh vực tháo gỡ các ách tắc, yếu kém của nền kinh tế, vùng sâu, vùng xa, các trung tâm công nghiệp lớn, các dự án tạo nhiều việc làm. - Tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện và giám sát đầu tư. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là tái cơ cấu đầu tư công.
Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu nhằm tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu; xây dựng lộ trình hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô. Quy định tiêu chuẩn doanh nghiệp được xuất khẩu một số mặt hàng, gắn với việc thúc đẩy hình thành mối liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu với doanh nghiệp xuất khẩu, phát triển cơ sở bảo quản chế biến. Từng bước hoàn chỉnh các cơ chế đảm bảo sản xuất và tiêu thụ ổn định các mặt hàng nông sản, thủy sản chính như gạo, cá tra, tôm và cà phê. Quản lý lại việc xuất khẩu theo phương thức buôn bán biên giới, nhất là các mặt hàng có giá trị cao, có khối lượng lớn. Hoàn thiện tổ chức và nâng cao năng lực dự báo cung cầu và giá cả trên thị trường thế giới, tập trung vào những mặt hàng cung cầu thường biến động và Việt Nam có khối lượng xuất khẩu lớn. Tăng cường hợp tác với các đối tác xuất khẩu lớn để nắm bắt thông tin, trao đổi kinh nghiệm, tạo sức mạnh điều tiết thị trường. Xây dựng chiến lược phát triển các loại hình dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu. Ưu tiên nhập khẩu nguyên liệu vật tư, thiết bị trong nước chưa sản xuất hoặc sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu; chú trọng nhập khẩu công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng….
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2013/4/40175.html


Tin khác