Kết thúc mua tạm trữ lúa gạo: Không như mong đợi

05/04/2013

Theo Hiệp Hội lương thực Việt Nam (VFA), việc triển khai cho các DN thành viên thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, tức tương đương khoảng 2 triệu tấn lúa đã hoàn thành, góp phần tiêu thụ khoảng 20% sản lượng lúa vụ ĐX ở ĐBSCL, thế nhưng chẳng cải thiện được giá lúa.

Giá lúa tại vùng ĐBSCL nhích lên khoảng 500 đồng/kg, sau khi các DN triển khai thu mua gạo tạm trữ. Thương lái mua lúa IR 50404 tươi tại ruộng giá 4.400 - 4.500 đồng/kg, lúa thơm Jasmine giá 4.900 - 5.000 đồng/kg, giống OM 4218 giá 4.800 đồng/kg, các giống lúa chất lượng cao 4.500 - 4.600 đồng/kg. Theo nhiều nông dân, giá lúa vụ ĐX này thấp hơn vụ TĐ 2012 khoảng 1.000 đồng/kg, riêng lúa thơm thấp hơn từ 1.300 - 1.400 đồng/kg.
Nông dân một nắng hai sương nhưng lợi nhuận chưa như mong đợi
 
Ông Phạm Văn Thọ, chủ DNTN xay xát lúa gạo Trường Thọ (ấp Tân Đông, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, An Giang) cho biết: “Tỷ lệ xay xát gạo nguyên liệu vụ ĐX đạt từ 81 - 82%, tức một giạ lúa (20 kg) xay xát được hơn 16 kg gạo nguyên liệu. Trước đây, các nhà máy xay xát có công suất nhỏ xay xát gạo ăn cho người dân, cứ hai giạ lúa sau khi xay xát thành gạo trắng được một giạ gạo (33 kg). Như vậy, việc hai giạ lúa xay xát được một giạ gạo chứ không có chuyện hai tấn lúa xay được một tấn gạo nguyên liệu.
Theo cách tính của ông Thọ, VFA triển khai thu mua một triệu tấn gạo nguyên liệu, tức tương đương khoảng 1,250 triệu tấn lúa, so với sản lượng lúa thu hoạch của cả vùng ĐBSCL chỉ chiếm 10%. Mặt khác, từ đầu tháng 1 đến ngày 20/2/2013, hầu hết các DN XK đều ngưng thu mua nên giá lúa đã xuống chạm đáy.
Thạc sĩ Nguyễn Phước Thành, Trưởng phòng Trồng trọt - Kiểm dịch Chi cục BVTV An Giang cho biết, mô hình trình diễn SX lúa theo Chương trình “1 phải 5 giảm” tại ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành do Chi cục BVTV An Giang thực hiện, giá thành sản xuất 1 kg lúa khô là 3.867 đồng, còn nông dân tự SX giá thành cao hơn (khoảng 4.061 đồng/kg lúa). So với giá lúa thị trường thương lái thu mua, nông dân vẫn chưa đạt được mức lợi nhuận 30% theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Điều nghịch lý đã xảy ra ở vụ lúa này, thương lái chủ yếu mua lúa IR 50404, khiến các loại lúa chất lượng cao và lúa thơm khó bán, giá cả thấp hơn so với các năm. Thạc sĩ Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang lo ngại: "Khó khăn lắm ngành nông nghiệp An Giang mới thuyết phục nông dân trồng lúa chất lượng cao để giảm diện tích lúa IR 50404 xuống dưới 10% tổng diện tích. Nay DN thu mua IR 50404, tôi e rằng vụ hè thu tới, nông dân đua nhau trồng giống lúa này, đến khi thu hoạch lại bán không được, chưa kể dịch bệnh gây hại khôn lường".
Nông dân Trần Ngọc Buôl (ấp An Phú, xã An Hòa, huyện Châu Thành, An Giang) trần tình, làm ra hạt lúa đổ mồ hôi sôi nước mắt suốt 3 tháng trời, đến thu hoạch giá bấp bênh, còn giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào, vụ sau tăng cao hơn vụ trước. Việt Nam đứng nhất, nhì thế giới về XK gạo thì phải đảm bảo quyền lợi cho nông dân. Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho DN thu mua gạo tạm trữ XK, phải quy định luôn giá mua lúa cho nông dân. SX có lãi, nông dân mới có điều kiện tái đầu tư và nâng cao chất lượng sản phẩm.
VFA được Chính phủ giao nhiệm vụ điều tiết XK gạo cho quốc gia. Hằng năm, cứ đến vụ thu hoạch chính, VFA lại chờ Chính phủ hỗ trợ lãi suất ngân hàng mới triển khai thu mua lúa cho nông dân. DN được hỗ trợ lãi ngân hàng 3 tháng tạm trữ gạo, nông dân thì không.
Theo Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn:http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/1/15/108674/Khong-nhu-mong-doi.aspx


Tin khác