Thu mua tạm trữ lúa gạo: Kém hiệu quả vì triển khai chậm

18/04/2013

Sau 3 năm thực hiện chương trình hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ, có thể thấy, người trồng lúa vẫn chưa thực sự được hưởng lợi nhiều từ chính sách này. Nhìn lại các đợt triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo từ năm 2010 đến nay, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy thời điểm thu mua không hợp lý, cộng với những động thái thiếu công bằng từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khiến chính sách này không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Nông dân không được lợi vì VFA?
Nhớ lại thời điểm năm 2010, xuất phát từ thực tế giá lúa sụt giảm, nông dân trồng lúa thua lỗ, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 993/QĐ-TTg ngày 30/6/2010, giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn VFA tổ chức phân chỉ tiêu cho các doanh nghiệp (DN) mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu năm 2010, thời hạn mua tính từ ngày 15/7 - 15/9. Tuy nhiên, có thể thấy, ngay việc chọn thời điểm mua trữ khi giá lúa đã xuống quá thấp (nhiều địa phương giá lúa xuống dưới 3.000 đồng/kg) là một quyết định bất hợp lý và không tính cho lợi ích của nông dân. 
Bất cứ ai tham gia sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều biết rằng, phần lớn diện tích lúa hè thu chính vụ đều thu hoạch vào hai tháng 6, 7 - là các tháng cao điểm của mùa mưa. Trong khi đó, nông dân ở hầu khắp các địa phương đều gặp khó khăn về sân phơi, kho trữ (tối đa chỉ trữ được 2 tháng), cộng thêm việc thiếu vốn sản xuất nên ngay từ đầu vụ, họ đã phải tạm ứng lúa giống, phân bón, vật tư… từ các đại lý. Vì vậy, sau khi thu hoạch, dù lúa ướt hay khô, bà con đều phải tranh thủ bán ngay, vì “để thêm ngày nào là lỗ ngày đó” do lúa ẩm, gạo sẽ kém chất lượng và bị thương lái ép giá. 
Khi chỉ tiêu thu mua tạm trữ được VFA giao xuống cho các DN (ngày 9/7), thì thực tế nông dân ĐBSCL đã thu hoạch và bán hết số lúa trà sớm (khoảng 80.000 tấn) với giá thấp để trang trải. Đến giữa tháng 7/2010, hầu như các tỉnh ĐBSCL đã thu hoạch cơ bản xong lúa hè thu. Trong khi đó, về phía các DN, họ cố tình chưa triển khai mua tạm trữ, đợi VFA đưa ra giá sàn và đợi vay được vốn hỗ trợ lãi suất từ các ngân hàng từ thời điểm 15/7. Thêm vào đó, do lúa hè thu chủ yếu là các giống cho ra gạo phẩm cấp thấp (IR500404, OM 576…) nên DN càng hạn chế thu mua lúa này, với lý do khó tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu. Tất cả những điều đó đã khiến việc thu mua lúa tạm trữ diễn ra khá chậm, không thể đảm bảo cho nông dân có lãi 30%.
Bước sang năm 2011, cũng với chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, đầu tháng 7/2011, VFA đã đề ra kế hoạch phân bổ chỉ tiêu cho các DN. Tuy nhiên, khi nông dân bắt đầu vào thu hoạch rộ lúa hè thu thì VFA tuyên bố tạm dừng mua tạm trữ với lý do giá lúa đang cao, nông dân có lãi 62% và không còn lúa tồn đọng để mua.
Ở thời điểm này, không cần suy luận cũng có thể thấy ngay việc VFA công bố tạm dừng mua tạm trữ lúa gạo và “hứa” sẽ mua trở lại khi giá xuống thấp dưới 5.000 đồng/kg là một “mánh khoé” nhằm “hạ nhiệt” thị trường lúa gạo, giảm sức ép lợi nhuận cho một số DN đã trót ký hợp đồng xuất khẩu giá thấp từ hồi tháng 5 - 6.
Nông dân chưa được hưởng lợi nhiều từ chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo.
 
Thực tế thấy, việc làm này của VFA đã có kết quả nhất thời, vì giá lúa ở ĐBSCL vào giữa tháng 7/2011 đã nhanh chóng giảm 200-300 đồng/kg, khiến nông dân lo lắng, thương lái thì dè dặt mua vào. Mặc dù sau đó vài tuần, giá lúa tăng trở lại do nhu cầu thị trường tăng, nhưng khi đó hầu hết nông dân không còn lúa để bán. Các DN lúc này có triển khai thu mua thì cũng chỉ có thể mua từ thương lái và các vựa lúa lớn mà thôi.
Nên dự trữ theo vùng
Một minh chứng cho sự kém hiệu quả của chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo là đợt gần đây nhất, khi VFA triển khai mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2012-2013. Theo thông báo của VFA, tính đến ngày 20/3, các DN đã mua tạm trữ 979.000 tấn gạo (tương đương 1,958 triệu tấn lúa), cơ bản hoàn thành chỉ tiêu mua gạo tạm trữ do Chính phủ đề ra. Tuy nhiên, trong 1 tháng mà các DN thu mua tạm trữ đó, nông dân không được hưởng lợi nhiều. Bởi thời điểm 20/2, khi các DN bắt đầu thu mua thì diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch của Đồng Tháp đạt 60%, Kiên Giang 50%, Long An và An Giang khoảng 20%, tổng diện tích thu hoạch khoảng 300.000ha. Ghi nhận thực tế cho thấy, 10 ngày sau khi ban hành quyết định tạm trữ, giá lúa tăng trung bình 500 đồng/kg. Nếu lấy diện tích đã thu hoạch, nhân với năng suất bình quân 7 tấn/ha thì thiệt hại của nông dân lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Như vậy có thể thấy, chính sách hỗ trợ 100% lãi suất vay mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ trong các năm qua với mục tiêu chính là “giải cứu nông dân trồng lúa”, đã không mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, mà chủ yếu là các DN lớn trong ngành kinh doanh xuất khẩu gạo hưởng lợi. Trong đó, phần quyết định vẫn nằm trong tay một số DN “đầu tàu” như Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và các công ty thành viên của VFA ở những nơi trồng lúa trọng điểm. 
Thiết nghĩ, để VFA và các DN không “vin” vào việc “đảm bảo lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân” để gây biến động thị trường, ép ngưỡng giá mua, đồng thời giúp nông dân trữ lúa hiệu quả, Nhà nước cần có những biện pháp can thiệp cụ thể. Trong đó, nên tính toán lại các quy định cứng nhắc, thiếu tính khả thi trong Quy chế tạm trữ lúa gạo, vì hiện nay, nếu quy định mức tạm trữ đối với hộ nông dân hoặc các tổ liên kết phải từ 10 tấn/điểm chứa thì hầu hết nông dân sẽ không đủ điều kiện tham gia chương trình tạm trữ (hiện nay, hơn 86% trong tổng số gần 1,5 triệu hộ nông dân ở ĐBSCL chỉ canh tác trên diện tích từ 0,3 đến dưới 1ha đất lúa, do đó, mỗi vụ chỉ thu hoạch được 1,5 - 5 tấn lúa). 
Ngoài ra, theo một số chuyên gia ngành lúa gạo, để đảm bảo cân đối các mục đích, về lâu dài nên thay thế chính sách thu mua tạm trữ bằng việc giao cho các tỉnh ĐBSCL dự trữ quốc gia 4-6 triệu tấn lúa phẩm cấp cao, bảo đảm cho nông dân có lãi từ 40% trở lên, tiến tới lợi nhuận đạt bình quân 50 triệu đồng/ha/năm. Có như vậy, thu nhập của người nông dân mới có thể nâng lên 2,5 lần vào năm 2020 theo mục tiêu Nghị quyết số 26-NQ/TW.
Theo Kinh tế nông thôn

Nguồn:http://kinhtenongthon.com.vn/Story/VandeSukien/2013/4/40485.html


Tin khác