Mong được vay tín chấp qua hợp tác xã, hội nông dân

14/03/2016

Trước thực tế tín dụng cho tái canh cà phê vẫn đang gặp nhiều khó khăn, PV Dân Việt đã ghi nhận các ý kiến chuyên gia nhằm tìm giải pháp, hướng tháo gỡ để chủ trương tái canh cà phê đem lại hiệu quả thiết thực.

Nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn

Theo phản ánh của nhiều nông dân, khó khăn khi tái canh cà phê có rất nhiều nguyên nhân như: Không được giải ngân trọn gói 1 lần tổng số tiền được vay. Hàng năm ngân hàng nghiệm thu các công đoạn của quy trình tái canh, nếu đạt yêu cầu thì mới tính toán cho vay của năm tiếp theo. Điều này đã làm hạn chế nông dân chủ động kế hoạch đầu tư lâu dài và phải tiến hành các thủ tục nghiệm thu, giải ngân rắc rối.

Vườn cà phê tái canh của Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi được nhiều người đến tham quan, học tập. 

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, một nguyên nhân khác nữa là nhiều nông dân không có sổ đỏ để thế chấp hoặc có nhưng thế chấp ở ngân hàng khác hoặc đã thế chấp để vay vốn trước đó; trong khi, lãi suất cho vay của gói vay tái canh không có ưu đãi hơn so với lãi suất thông thường ở các ngân hàng thương mại (NHTM); thủ tục vay vốn của Ngân hàng NNPTNT (Agribank) theo phản ánh của bà con vẫn còn rườm rà hơn các NHTM khác; giá trị tài sản của nông dân được thẩm định cho vay thấp hơn giá thị trường và NHTM (ví dụ vườn cà phê 2ha theo giá thị trường khoảng 1,5 tỷ đồng nhưng khi thẩm định cho vay vốn chỉ khoảng 50 triệu đồng); trường hợp nông dân tái canh theo dạng “cuốn chiếu” không được ngân hàng chấp nhận (ví dụ vườn cây 2ha nông dân chỉ tái canh 3 sào, ngân hàng sẽ không cho vay mà chỉ cho vay khi tái canh toàn bộ 2ha), hoặc cho vay khi thế chấp toàn bộ tài sản là “sổ đỏ 2ha”.

“Thủ tục vay vốn của Agribank theo phản ánh của bà con là vẫn rườm rà hơn các NHTM; giá trị tài sản của nông dân được thẩm định cho vay thấp hơn giá thị trường và NHTM; trường hợp nông dân tái canh theo dạng “cuốn chiếu” thì không được ngân hàng chấp nhận”.

TS.Nguyễn Đỗ Anh Tuấn

Trước những khó khăn của tái canh cà phê, ông Tuấn cho biết, qua tiếp xúc với bà con nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên, nhiều người đã kiến nghị các nội dung như: Nên giải ngân trọn gói 1 lần trong toàn bộ thời gian vay (người dân có thể sử dụng đồng vốn để lấy ngắn nuôi dài); được vay tín chấp thông qua các tổ chức như hợp tác xã, hội nông dân; hạ mức lãi suất vay xuống thấp hơn các NHTM; thủ tục vay vốn cần đơn giản hơn; giá trị vườn cây được thẩm định khi cho vay cao hơn hoặc ngang bằng với các NHTM; cần có chính sách cho vay đối với nông dân cần tái canh “cuốn chiếu”. Đối với doanh nghiệp, hiện Agribank cũng chưa có quy trình, phương án cụ thể để hướng dẫn họ tiếp cận nguồn vốn vay tái canh.

Nội tại ngành cà phê cũng khó khăn

Theo TS Lê Đức Thịnh – Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), việc tái canh cà phê ngoài vấn đề tiếp cận vốn thì bản thân nội tại của ngành cũng có nhiều khó khăn. Lúc đầu, việc trồng lại cà phê gặp phải tình trạng chết hàng loạt, dù sau đó các nhà khoa học tìm ra nguyên nhân thì lại gặp phải những khó khăn về thị trường. 3 năm gần đây, giá cà phê trên thị trường thế giới liên tục đi xuống, trong khi các mặt hàng như tiêu, điều lại được giá khiến người trồng cà phê không mặn mà tái canh. Hay như việc trồng cà phê, trước đây hầu hết bà con sử dụng phân vô cơ làm ảnh hưởng đến chất lượng đất, việc tái canh tới nay cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có bộ giống chất lượng tốt và đồng đều…

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, khó khăn nhất vẫn là vấn đề thị trường. Do giá cả xuống thấp nên nhiều vùng trồng cà phê lợi nhuận không cao so với các cây trồng khác nên người dân không mặn mà tái canh. Trong khi đó, để vay vốn tái canh người dân lại phải chịu lãi suất chưa hấp dẫn, thời gian để được thu hoạch trên diện tích tái canh phải chờ đợi lâu nên một số bà con không tích cực tham gia vào chủ trương này.

Theo Dân Việt

 


Tin khác