VINAFOOD 2 liệu có lột xác sau IPO?

16/12/2016

Là doanh nghiệp độc quyền trong xuất khẩu gạo, được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ, nhưng kinh doanh lại không mấy khả quan. Liệu IPO có giúp Vinafood 2 đổi đời?

Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) là doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong ngành lúa gạo Việt Nam. Trong một thời gian dài, thông qua doanh nghiệp này, Nhà nước thực hiện các chính sách giữ ổn định giá thu mua lúa cho nông dân, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”. Trên thị trường quốc tế, Vinafood 2 giữ vai trò chính trong việc đàm phán, bán hàng với các nước nhập khẩu gạo, cũng như mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu cho hạt gạo Việt. Việc Nhà nước vẫn sẽ giữ cổ phần chi phối tại Vinafood 2 sau cổ phần hóa cho thấy, chính sách an ninh lương thực quốc gia luôn được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, đây cũng có thể sẽ là điểm nghẽn khiến cho hoạt động kinh doanh của đại gia ngành lúa gạo này của Việt Nam khó mà bứt phá được sau IPO.

Đi trong tâm bão

Sau nhiều lần trì hoãn, tiến trình IPO của Vinafood 2 sẽ được khởi động vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, không giống với nhiều doanh nghiệp nhà nước khác khi tiến hành IPO, thường trưng ra nhiều khoản mục đầy hấp dẫn được thị trường đón nhận nồng nhiệt thì Vinafood 2 lại ẩn chứa nhiều điều bất ổn khiến các nhà đầu tư lấn cấn.

Suốt chiều dài hoạt động, mạng lưới các doanh nghiệp con, liên kết của Vinafood 2 lên đến con số 22 đơn vị. Hiện Vinafood 2 đang phải đối mặt với quá trình thoái vốn cực kỳ phức tạp, cũng như không dễ dàng xử lý các khoản nợ xấu nằm ở các công ty này. Mặc dù, gần như là doanh nghiệp độc quyền trong xuất khẩu gạo, được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ, nhưng kinh doanh của Vinafood 2 lại không mấy khả quan.

Ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Vinafood 2 cho biết, thị trường xuất khẩu gạo gặp sự cạnh tranh khốc liệt và biên lợi nhuận ngày càng thấp. Nước láng giềng Thái Lan với chương trình thu mua lúa giá cao dẫn đến tồn kho lớn và phải hạ giá gạo xuất khẩu để xả hàng. Trong khi đó, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Pakistan đang nổi lên là đối thủ đáng gờm cạnh tranh quyết liệt ở phân khúc gạo cấp thấp, vốn là thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời, những quốc gia xuất khẩu gạo này còn cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu chính như Philippines, Indonesia, châu Phi khiến cho nhiều hợp đồng số lượng lớn, giá tốt tuột khỏi tay của Vinafood2.

Thế nhưng, không thể đơn giản đưa thị trường ra để biện minh đây là nguyên nhân khách quan cho kết quả kinh doanh kém mà việc đầu tư tràn lan ngoài ngành, ngoài chức năng cũng chính là nguyên nhân đem lại những khoản lỗ khủng cho Vinafood 2. Điều này cũng được ông Năng thừa nhận. Vinafood 2 đã đầu tư cả ngàn tỷ đồng cho lĩnh vực thủy sản từ nuôi trồng, chế biến xuất khẩu cho đến thức ăn và kết quả là lỗ rất nặng.

Chưa dừng tại đây, theo ông Năng, các công ty con đang góp phần vào các khoản lỗ lớn do quá trình kinh doanh làm mất vốn, quản lý nợ lỏng lẻo dẫn đến nợ xấu tăng cao. Một số công ty kinh doanh không tính đến nhu cầu thị trường, khiến hàng tồn kho cao, gia tăng chi phí và ảnh hưởng đến khả năng giải quyết nợ đến hạn, gây áp lực thanh toán.

Để giải quyết vấn nạn này, Vinafood 2 đã có những nỗ lực thoái vốn khỏi những khoản đầu tư ngoài ngành, các công việc làm ăn không hiệu quả. Tính đến cuối năm 2015, Vinafood 2 đã thoái vốn khỏi 19 doanh nghiệp, thu về hơn 395 tỷ đồng so với giá trị đã đầu tư là 441,5 tỷ đồng, tạo ra khoản lỗ 46,5 tỷ đồng.

“Tính đến nay, Vinafood 2 có khoản nợ xấu gần 600 tỷ đồng và phần tài sản thủy sản không còn giá trị sử dụng trị giá khoảng 550 tỷ đồng. Cộng 2 khoản này lại là khoản lỗ khoảng 1.150 tỷ đồng sẽ là “hành trang” phải mang theo khi cổ phần hóa”, ông Năng cho biết.

Việc gánh khoản lỗ cả ngàn tỷ đồng tất nhiên sẽ gây sức ép rất lớn lên tiến trình IPO của Vinafood 2. Tuy nhiên, ông Năng vẫn trấn an rằng, những khoản nợ trên đều nằm trong vòng kiểm soát, đang từng bước được xử lý. Theo ông Năng, các khoản nợ không gây hệ lụy cho hoạt động kinh doanh của Vinafood 2, vì xét về tổng thể, đây vẫn là một mạnh trong ngành lúa gạo Việt Nam.

Thực tế đang cho thấy, Vinafood 2 đã có những nỗ lực tái cơ cấu, từng bước đem lại sự lành mạnh trên bảng báo cáo tài chính. Sau giai đoạn 2012-2014 lỗ hàng trăm tỷ đồng, giờ đây các khoản lợi nhuận đã quay trở lại. Ghi nhận đầu tiên là khoản lợi nhuận 155 tỷ đồng vào năm 2015 và dự kiến năm nay con số này cũng ở mức tương đương.
Theo kế hoạch cổ phần hóa thì Nhà nước sẽ nắm giữ 65% số cổ phần; nhà đầu tư chiến lược trong nước là 25%; bán đấu giá cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài 8,95% và phần còn lại thuộc về cán bộ công nhân viên, tổ chức công đoàn Vinafood 2.

Theo nhiều chuyên gia, việc cổ phần hóa Vinafood 2 theo cách này khó đem lại hiệu quả và không tác động một cách tích cực lên ngành lúa gạo Việt Nam. Chỉ có thể kỳ vọng, trong tương lai Vinafood 2 sẽ rút ra bài học từ quá khứ, không có các khoản đầu tư đầy rủi ro như trước và có chiến lược kinh doanh hiệu quả, thiết thực hơn do có thêm sự tham gia của các cổ đông mới.

Cú hích

Ông Huỳnh Thế Năng cũng chỉ ra nhiều điểm bất cập trong hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 như: cách thức quản trị theo kiểu hành chính dẫn đến bộ máy cồng kềnh, ra quyết định chậm chạp dẫn đến việc khó nắm bắt nhanh cơ hội và chậm thích ứng với tư duy kinh tế thị trường. Vinafood 2 phải đổi mới từ việc chủ yếu dựa dẫm vào hợp đồng tập trung cấp Chính phủ và các thị trường truyền thống để chuyển sang mở rộng hợp đồng thương mại. Giờ đây Vinafood 2 phải năng động tìm thị trường, chủ động tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu, xây dựng phân khúc sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Để làm được điều này, Vinafood 2 phải khởi sự từ vùng trồng nguyên liệu để tạo ra hạt gạo có thương hiệu, đạt chất lượng xuất khẩu và đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Với nguồn lực nội tại sẵn có, Vinafood 2 hoàn toàn có thể thực hiện bước đi mới này.

Vẫn theo ông Năng, để có vùng nguyên liệu ổn định, Vinafood 2 đang xây dựng cánh đồng mẫu lớn, kỳ vọng đến năm 2020 chiếm 20% diện tích đồng bằng sông Cửu Long. Tổng công ty đã xây dựng các nhóm liên kết để thực hiện cánh đồng mẫu lớn, gồm nông dân sản xuất, mạng lưới ngân hàng cho vay, các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp. Vinafood 2 là đơn vị bao tiêu toàn bộ lúa canh tác theo hợp đồng ký kết với nông dân, đồng thời đứng ra bảo lãnh cho nông dân có nguồn vật tư sản xuất với giá hợp lý và được vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ thêm về dịch vụ hậu cần và kỹ thuật. Việc kết hợp với ngân hàng thương mại không đơn thuần chỉ dừng ở việc cung ứng vốn cho người nông dân trồng lúa mà “thấm” vào toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo, từ khâu sản xuất giống đến khâu gieo trồng, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu.

Như vậy, sau khi nắm trong tay nguồn nguyên liệu lớn, ổn định, có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm và trồng theo yêu cầu phù hợp với từng thị trường quốc tế, Vinafood 2 sẽ đi đến giai đoạn tiếp theo là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, nhằm bán được giá cao, thoát khỏi tình trạng cạnh tranh giá rẻ trên nền gạo cấp thấp.

“Đây là chiến lược dài hơi, nhưng hiện nay Vinafood 2 sẽ có những nỗ lực giữ vững thị phần truyền thống và tiếp tục mở rộng thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị nhằm quảng bá thương hiệu. Và để hiệu quả hơn thì chiến lược kinh doanh sẽ được chia thành ba chiến lược nhỏ gồm: chiến lược chi phí thấp, chiến lược khác biệt hóa dựa trên ứng dụng công nghệ khoa học, nghiên cứu phát triển và cuối cùng là chiến lược khách hàng”, ông Năng cho biết.

Những nỗ lực xoay chuyển tình thế của Vinafood 2
* Mở rộng hợp đồng thương mại thay vì dựa dẫm vào hợp đồng tập trung cấp Chính phủ và các thị trường truyền thống.
* Nỗ lực thoái vốn khỏi những khoản đầu tư ngoài ngành, các công việc làm ăn không hiệu quả.
* Xây dựng cánh đồng mẫu lớn, kỳ vọng đến năm 2020 chiếm 20% diện tích ĐBSCL.
* Có chiến lược kinh doanh hiệu quả, thiết thực hơn do có thêm sự tham gia của các cổ đông mới sau IPO.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp


Tin khác