Vế kia của vấn đề tích tụ đất đai

20/04/2017

Từ khi Chính phủ thống nhất về mặt chủ trương việc mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất để mở đường cho sản xuất lớn (trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017), hàng loạt hội thảo về vấn đề này đã được tổ chức, với rất nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương.

Có thể thấy không khí hừng hực hưởng ứng qua tựa các bài báo gần đây, từ “Mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất: bước ngoặt lớn cho nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Tích tụ đất đai quá chậm”, đến… “Cấp thiết tích tụ, tập trung đất đai”. Dễ hiểu không khí này, vì để có được chủ trương trên, trước đó là cả quá trình kiểm nghiệm từ nhu cầu thực tiễn đời sống sản xuất nông nghiệp với ít nhiều cái giá mà nền kinh tế phải trả và cả quá trình vận động chính sách không mệt mỏi của những người am hiểu về tam nông.

“Nguyên tắc đầu tiên của tích tụ ruộng đất là tính hiệu quả. Chúng ta không tích tụ bằng mọi giá”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Nhưng, những ngày gần đây, đã có những nốt lặng. Đằng sau câu hỏi “Tích tụ ruộng đất như thế nào?” là các cảnh báo nguy cơ hình thành “địa chủ mới”, là nỗi lo “làm nghèo hóa người dân”, là yêu cầu “tích tụ không tước đoạt”…

Tuần rồi, tại hội thảo “Giải pháp tích tụ tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu quan điểm “phải bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, đặc biệt là lợi ích của người dân trong quá trình tích tụ đất đai”. Bài toán hài hòa lợi ích với người nông dân sẽ được giải ra sao, khi mà trước, trong và sau những thảo luận về chính sách này, tức việc tích tụ ruộng đất nông nghiệp chưa được bật đèn xanh pháp lý, đã có rất nhiều nông dân than khóc, khiếu nại, khiếu kiện về việc thu hồi và đền bù đất nông nghiệp nhân danh phát triển kinh tế (phi nông nghiệp) một cách không thỏa đáng, khiến họ không chỉ mất sinh kế từ đất mà còn không tiếp cận được các cơ hội sinh kế khác.

Trước đó, chia sẻ với báo chí bên lề Diễn đàn nông nghiệp mùa xuân 2017, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cho rằng một trong những mấu chốt để đảm bảo sự công bằng trong tích tụ đất đai là Nhà nước cần quan tâm đến quyền tài sản đất đai của người nông dân. “Giá thị trường phải được đảm bảo. Nông dân nếu muốn rút ra khỏi nông nghiệp, có thể bán đất cho người có nhu cầu, hoặc nếu vẫn giữ đất, họ có thể góp vốn bằng quyền tài sản đất nông nghiệp, nhưng là với giá thị trường, chứ không phải thứ giá quá rẻ như hiện nay”, ông Thành nói.

“Giá rẻ” như hiện nay… rẻ tới mức nào? Ngay tại hội thảo mà ông Thành tham gia, Tiến sĩ Lê Đức Thịnh, Phó cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Ta có hơn 16 triệu héc ta đất nông, lâm nghiệp nhưng Nhà nước định giá chỉ bằng 1/10 giá trị thị trường”.

Chưa làm được vế thứ hai của vấn đề, tức đưa giá đất nông nghiệp về giá thị trường, rất có thể chủ trương cho tích tụ ruộng đất vốn đúng đắn sẽ sản sinh ra một lớp người bị tước đoạt mới, lần này là nhân danh phát triển nông nghiệp.

Cũng không loại trừ khả năng các doanh nghiệp đại gia hay thân hữu thông đồng với các nhóm lợi ích trong chính quyền địa phương “vẽ” đại án nông nghiệp để thu hồi đất nhỏ lẻ của nông dân rồi “hô biến” thành dự án bất động sản trá hình để bán thu siêu lợi nhuận.

Tất nhiên, đến nước này thì là vi phạm pháp luật rồi, nhưng thử hỏi, với tình trạng tham nhũng chính sách đất đai ở các địa phương như hiện nay, có bao nhiêu vi phạm được phát hiện, bao nhiêu trong số đó bị xử lý, mà xử thế nào cho đích đáng với những gì người nông dân đã mất?

Vế thứ hai của vấn đề nói trên không chỉ là lời giải cho bài toán hài hòa lợi ích hay đảm bảo công bằng đối với người nông dân. Nó còn là tiền đề căn bản đảm bảo quá trình tích tụ ruộng đất thành công một cách tự nhiên theo quy luật thị trường mà không phải sử dụng đến mệnh lệnh hành chính - một biện pháp quản trị lạc hậu và dễ dẫn đến lạm quyền, tiêu cực, tham nhũng. Lúc đó, sẽ không còn những điểm nóng cưỡng chế thu hồi đất mà người nông dân sẽ tự nguyện chuyển giao nguồn lực đất đai cho ai có khả năng khai thác hiệu quả nhất, biểu hiện ở khả năng sẵn sàng chi trả của họ để đạt được lợi ích nhiều hơn sau khi đầu tư. Cùng với quá trình chuyển giao đất là quá trình chuyển đổi nghề nghiệp của người nông dân - vốn rất cần sự định hướng, hỗ trợ của Nhà nước.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng xác định: “Nguyên tắc đầu tiên của tích tụ ruộng đất là tính hiệu quả. Chúng ta không tích tụ bằng mọi giá”. Có thể hiểu cái sự “mọi giá” mà Phó thủ tướng nói đến là sự nghèo hóa của người nông dân dẫn đến bất ổn xã hội. Nếu Nhà nước với tư cách là thực thể quản lý xã hội tham gia trò chơi truyền hình “Hãy chọn giá đúng” trong trường hợp này, một quyền trợ giúp dành cho Nhà nước: giá đúng là giá người nông dân gật đầu đồng ý.

Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn


Tin khác