Xuất khẩu thực phẩm vào Hoa Kỳ sẽ khó hơn

08/05/2017

Từ tháng 6/2017, muốn XK vào thị trường Hoa Kỳ, các DN XK hàng hoá thực phẩm sẽ phải đạt chuẩn theo Đạo luật mới FSMA (Hiện đại hóa an toàn thực phẩm).

Đại diện Thương vụ VN tại Hoa Kỳ cho biết, FSMA quy định cứ hai năm một lần, nghĩa là vào các năm chẵn, các nhà XK nước ngoài đang xuất hàng thực phẩm và đồ uống cho người và động vật vào thị trường Mỹ phải đăng ký lại Cơ sở sản xuất và Người đại diện tại Mỹ với Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để được cấp Mã số kinh doanh hợp lệ mới.

VASEP cho biết 90% sản lượng cá tra xuất khẩu vào Hoa Kỳ là của Việt Nam.

Hàng hoá rất dễ bị “hồi hương”

Ông Richard Gilmore, Chủ tịch Diễn đàn An toàn thực phẩm toàn cầu cho biết, từ ngày 1/9/2017, tất cả các lô hàng cá da trơn, cá tra XK vào Mỹ được yêu cầu xuất trình đầy đủ hồ sơ cho Bộ Nông nghiệp Mỹ để phục vụ việc tái kiểm tra. Các quốc gia, kể cả Việt Nam, muốn tiếp tục xuất khẩu các mặt hàng này vào thị trường Mỹ phải nộp các tài liệu chứng minh sự tương đồng giữa hệ thống nuôi cá của họ với hệ thống nuôi tại Mỹ.

Hơn nữa, với thị trường Hoa Kỳ, mỗi bang lại có những quy định riêng, thậm chí là còn cao hơn tiêu chuẩn chung. Thành ra, các quy định trên dù đạt chuẩn EU, Nhật Bản, thậm chí là một số bang ở Mỹ nhưng với các tiểu bang Mississippi, Louisiana, Alabama… lại không áp dụng. Lý do là các tiểu bang này là thủ phủ nuôi cá da trơn ở miền Nam nước Mỹ, cá tra VN bị coi là một loài giá rẻ làm giảm giá bán và phá hoại thị trường của họ.

Liên quan tới vấn đề này, bà Lê Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, hiện là Chủ tịch HĐQT Cty Traceverified cho biết, để chứng minh hệ thống nuôi cá, hay vận chuyển ở VN tương đồng với Mỹ là điều rất khó. Bà Minh ví dụ, việc yêu cầu mỗi Cty phải có 1 người của cơ quan Nhà nước túc trực 24/24 tại nhà máy để giám sát... là khó khả thi.

“Người nuôi cá ở Mỹ khi thu hoạch thì vận chuyển cá bằng xe tải về nhà máy để chế biến nhưng ở VN, nếu tương đồng, thì thay vì vận chuyển bằng ghe, DN phải sử dụng xe tải để chở cá. Điều này không thực tế với điều kiện vùng nuôi ở VN”, bà Minh nói.

Đối phó thế nào?

Trong bối cảnh đó,Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ lưu ý các DN. Thứ nhất, về khái niệm hàng thực phẩm của Mỹ bao gồm tất cả các mặt hàng đồ ăn, thức uống cho người và động vật (gồm cả kẹo cao su) hoặc toàn bộ hay một phần là nguyên liệu để chế biến đồ ăn, thức uống cho người và động vật.

Thứ hai, các cơ sở làm hàng thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam (bao gồm các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói hoặc lưu kho hàng thực phẩm để tiêu thụ tại thị trường Mỹ) sẽ không phải làm thủ tục đăng ký nếu hàng thực phẩm đó trước khi xuất khẩu vào Mỹ tiếp tục được chế biến (bao gồm cả đóng gói) tại một cơ sở khác tại nước ngoài. Tuy nhiên, nếu cơ sở khác tại nước ngoài chỉ đóng vai trò nhỏ trong quá trình tạo ra sản phẩm cuối cùng (như chỉ dán nhãn sản phẩm) thì cả hai cơ sở trong nước và nước ngoài đều phải làm thủ tục đăng ký.

Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xem Hướng dẫn từng bước chi tiết đăng ký mới, đăng ký lại cơ sở sản xuất và đăng ký Người đại diện tại Mỹ trên trang Web của FDA…

Thực tế, do nắm bắt được thị trường Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn, trong 3 tháng đầu năm nay, các DN VN đã bắt đầu tìm kiếm các thị trường khác. Cụ thể, trong ba tháng đầu năm nay, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Brazil với mức tăng là hơn 75%, Hà Lan là hơn 43%, tiếp đến là Nhật Bản là 29,5%, Hàn Quốc 25%... 

Theo Diễn đàn doanh nghiệp


Tin khác