Lấy lại đà tăng trưởng: Ngành nông nghiệp vững bước tới mục tiêu

07/07/2017

Những tháng đầu năm 2016, lần đầu tiên ghi nhận ngành nông nghiệp tăng trưởng âm, sau đó, nhờ những giải pháp chủ động, sáng tạo, tăng trưởng được phục hồi. Và trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành nông nghiệp đã lấy lại đà tăng trưởng. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng ngày 30/6, tại Hà Nội.

Rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh.

Thủy sản tăng trưởng cao nhất

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu, GDP toàn ngành nông nghiệp tăng 2,65%, đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ các năm 2016, 2015. Trong đó nông nghiệp tăng 2,01%, lâm nghiệp tăng 4,31%, thủy sản tăng 5,08%.

Thủy sản là lĩnh vực tăng trưởng cao nhất. Nhờ thời tiết trên các ngư trường khá thuận lợi, Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đã tích cực triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất, bồi thường thiệt hại, ổn định đời sống và phục hồi sản xuất cho người dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Sản lượng khai thác 6 tháng đầu năm ước đạt 1,64 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2016 (đạt 54,8% kế hoạch năm), trong đó khai thác biển đạt 1,56 triệu tấn, tăng 4,5% so với cùng kỳ.

Do giá cá, tôm nguyên liệu tăng, thị trường tiêu thụ ổn định nên hoạt động nuôi trồng tiếp tục phát triển. Diện tích thả nuôi tôm cao hơn cùng kỳ năm 2016, đặc biệt là tôm thẻ chân trắng. Tính đến 20/6, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 641.000ha, tăng 5,4%, trong đó tôm thẻ chân trắng đạt 57.300ha, tăng 31,9%; sản lượng ước đạt 216.100 tấn, tăng 14,6%.

Tuy nhiên, sản xuất cá tra vẫn tiếp tục đối diện với các rào cản kỹ thuật tại các thị trường tiêu thụ lớn (Mỹ, EU). Vì vậy, diện tích nuôi cá tra chỉ là 3.076ha, giảm 16%; sản lượng đạt 583.500 tấn, tương đương cùng kỳ năm 2016.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất chăn nuôi gặp khó khăn lớn về thị trường tiêu thụ, đặc biệt là chăn nuôi lợn. Nguyên nhân là do những năm trước chăn nuôi thuận lợi, giá cả ổn định nên người dân đầu tư tăng đàn mạnh, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu khiến cho giá thịt lợn giảm sâu, người chăn nuôi bị thua lỗ. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ.

Do công tác phát triển thị trường, dự báo cung cầu nông sản còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hàng hóa  hội nhập quốc tế nên đã xảy ra tình trạng sản xuất cung vượt cầu đối với một số nông sản, nhất là thịt lợn, dẫn đến tiêu thụ chậm, giá giảm mạnh.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho rằng, mặc dù không thể phủ nhận vai trò của thương lái trong khâu tiêu thụ, nhưng cơ quan quản lý nhà nước chưa quản lý, kiểm soát được lực lượng này, bên cạnh đó, quản lý thị trường trên cả nước còn nhiều hạn chế. Vì thế dù sản xuất tốt nhưng tiêu thụ sản phẩm lại có vấn đề, không theo kịp được khả năng sản xuất. Cũng theo ông Vân, hiện nay năng lực sản xuất đang rất tốt, sản xuất có thể tăng thêm 10% nữa, tuy nhiên, quan trọng là giải quyết đầu ra. Vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường XK.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,4%. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh là: Cà phê đạt 1,86 tỷ USD (tăng 9,5%), hạt điều đạt 1,5 tỷ USD (tăng 20,8%), rau quả đạt 1,68 tỷ USD (tăng 44,6%), gạo đạt 1,23 tỷ USD (tăng 4,9%). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,08 tỷ USD, (giảm 22% so với 6 tháng năm 2016) do kim ngạch nhập khẩu NLTS và vật tư nông nghiệp tăng cao (+25,4%).

Giữ vững mục tiêu tăng trưởng

Đó là một trong những mục tiêu được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định đối với nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt tối thiểu 33 tỷ USD; đẩy mạnh tiêu thụ nông, lâm, thủy sản tại thị trường trong nước, tiêu thụ kịp thời nông sản cho người dân, khắc phục tình trạng dư thừa.

Để đạt được mục tiêu này, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại; rà soát lại chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành hàng, sản phẩm cụ thể phù hợp với nhu cầu thị trường và biến đổi khí hậu. Tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch tổng thể các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; quy hoạch cao su, hồ tiêu, mía đường đến năm 2020; điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng toàn quốc;...

Về trồng trọt, thực hiện chủ trương chuyển mạnh đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác phù hợp nhu cầu thị trường; tập trung chỉ đạo tốt vụ hè thu, vụ mùa và vụ lúa thu đông (ở ĐBSCL), vụ đông (ở miền Bắc); tăng cường sử dụng giống tốt, năng suất chất lượng cao để nâng cao giá trị. Bám sát diễn biến thời tiết để kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, rà soát đánh giá thực tế sản xuất chăn nuôi lợn, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy mô đàn, nhất là đàn lợn nái, đàn gia cầm; điều chỉnh lại cơ cấu, chất lượng đàn giống và phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi hữu cơ. Tăng cường xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản, mở rộng thị trường tiêu thụ thịt lợn, thịt gia cầm; kiểm soát và phòng trừ tốt dịch bệnh; tăng cường quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, các loại chất phụ gia, an toàn vệ sinh thực phẩm. Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học… nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn và đủ điều kiện xuất khẩu theo tiêu chuẩn các nước, khu vực trên thế giới.

Tổ chức tốt hoạt động khai thác xa bờ; tăng cường đầu tư thiết bị bảo quản chế biến trên tàu khai thác, nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch; tổ chức sản xuất trên biển theo chuỗi, nhân rộng các mô hình tổ chức liên kết sản xuất như: tổ, đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; mô hình liên kết giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản,... Tiếp tục triển khai áp dụng VietGAP, đẩy mạnh hài hòa công nhận lẫn nhau với các tổ chức chứng nhận khác như GSSI, GAA, ASC; tiếp tục điều chỉnh cơ cấu đối tượng nuôi, ưu tiên đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ một số đối tượng chủ lực, như tôm, cá tra.  

Đẩy mạnh thực hiện “Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; hoàn thiện “Chương trình phát triển thương hiệu nông sản chủ lực Việt Nam đến năm 2020” đối với một số sản phẩm: chè, cà phê, xoài, thanh long, cá tra,... gắn với chỉ dẫn địa lý.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, cho dù chúng ta đã đạt được những kết quả khả quan trong nửa đầu năm, nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 3,05% GDP của toàn ngành trong cả năm đòi hòi sự chỉ đạo quyết liệt, trong đó có 2 nút thắt. Một là, phải tổ chức sản xuất theo quy mô lớn, tập trung; thứ hai là, mở thị trường. Trong nhóm giải pháp từ nay đến cuối năm, Bộ đang phối hợp với Trung ương, địa phương, các tổ chức hiệp hội ngành hàng để giải quyết các nút thắt này. 

Công tác chế biến sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới, bộ sẽ tập trung phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện Nghị định 210, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, làm hạt nhân liên kết sản xuất với bà con nông dân chế biến nông sản. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang phối hợp với các hiệp hội địa phương để tập trung phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu (XK), nhằm không chỉ đạt mục tiêu 33 tỷ USD XK nông sản mà quan trọng hơn là chấm dứt được tình trạng được mùa rớt giá, tăng giá trị và thu nhập cho bà con nông dân.

Công tác phân tích thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những thị trường trọng điểm (Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, EU, Trung Quốc...) sẽ được chú trọng nhằm kịp thời cảnh báo và tập trung tháo gỡ các rào cản, vấn đề phát sinh có thể gặp khi XK nông sản. Tiếp tục đàm phán để có các thỏa thuận song phương với các nước, tạo thuận lợi cho XK nông lâm thủy sản như thỏa thuận liên quan đến NK tôm chưa nấu chín vào Úc, XK trứng gia cầm giống vào Myanmar; thịt lợn, sữa và sản phẩm sữa, cá rô đồng, nghêu, ....vào Trung Quốc, rau quả sang Đài Loan... 

Riêng mặt hàng thịt lợn, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, xuất khẩu thịt là bài toán khó không phải trong mấy tháng là có thể giải quyết được, tuy nhiên, hiện nay, ngành đang nỗ lực để có thể đạt được mục tiêu đề ra. Bộ sẽ tổ chức Hội nghị với các nhà xuất khẩu cũng như nhà phân phối, doanh nghiệp lớn, tổ chức sản xuất chuỗi với nông dân để chúng ta sớm có lô hàng xuất khẩu thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản. Sau đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ tổ chức một hội nghị ở phía Bắc về xuất khẩu thịt lợn. Chúng ta không chỉ nhắm đến thị trường Trung Quốc mà cả các thị trường khác, kể cả thịt lợn sữa, thit lợn nhỡ, chúng ta đang chuẩn bị tích cực cơ sở vật chất cũng như phương tiện để tiến tới xuất khẩu thị lợn mảnh, tạo đà để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Theo Kinh tế nông thôn


Tin khác