TS Đặng Kim Sơn: Vay và cho vay nông nghiệp không dễ!

05/04/2017

Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,thành viên HĐQT Tập đoàn PAN Group đã cuộc trò chuyện với phóng viên NDH xung quanh câu chuyện của ngành nông nghiệp năm 2017.

Chiều 23/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi họp với các bộ, ngành bàn về việc triển khai Nghị quyết số 30/2017/NQ-CP của Chính phủ ngày 7/3/2017, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về gói tín dụng 100.000 tỷ đồng từ nguồn vốn huy động của các NHTM để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu NHNN chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí hoạt động để góp phần giảm lãi suất cho vay nông nghiệp công nghệ cao từ 0,5- 1,5% so với mặt bằng lãi suất cho vay.

Theo Tiến sỹ Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thành viên HĐQT Tập đoàn PAN Group, ngành nông nghiệp có nhiều tín hiệu vui khi Chính phủ đưa ra gói tín dụng 100 nghìn tỷ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên ông Sơn cho rằng năm 2017 chưa phải là một năm dễ dàng và vẫn còn nhiều thách thức đan xen với các cơ hội.

PV: Thưa ông, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao với gói hỗ trợ 100 nghìn tỷ. Theo ông, gói chính sách tín dụng cho nông nghiệp này liệu có khả thi?

TS Đặng Kim Sơn: Đây là một câu hỏi thú vị, hiện nay chúng ta đều biết ngân sách nhà nước đang gặp khó khăn, việc thắt chặt chi tiêu đang trở thành yêu cầu bức thiết. Chưa kể đến nhiều khoản nợ công còn kéo dài, và có nhiều món nợ nước ngoài đến kỳ đáo hạn. Cho nên có thể nói quyết tâm của Chính phủ trong đầu tư vào nông nghiệp phải vượt qua thách thức của việc cân đối lại ngân sách. Hệ thống ngân hàng cho vay ra nhiều nhưng vốn đi vào sản xuất kinh doanh của toàn xã hội chưa phải cao.

PV: Theo ông đối với các DN tư nhân đầu tư nông nghiệp câu chuyện về vốn chiếm bao nhiêu phần trăm khó khăn họ đang gặp phải?

TS Đặng Kim Sơn: Doanh nghiệp tư nhân đầu tư trong nông nghiệp phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ đầu tư chủ yếu từ nguồn vốn tự có, vốn vay trong gia đình hoặc huy động từ cộng đồng. Điều đó không có nghĩa họ không cần vốn mà bản thân họ tự tránh rủi ro mang công mắc nợ vào lĩnh vực đầu tư nhiều bấp bênh. Ngoài ra thực sự DN tư nhân đầu tư nông nghiệp khó tiếp cận với vốn vay từ ngân hàng cho những khoản đầu tư trung và dài hạn trong khi phần lớn không có quĩ đất để thế chấp, còn ngân hàng lại không chấp nhận thế chấp bằng tài sản trên đất ngoài nhà cửa.

Các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp thường huy động nguồn tiền đã đầu tư thành công từ các lĩnh vực khác sang nông nghiệp để hỗ trợ cho nông dân là chính, đối với khá nhiều doanh nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp chưa phải vì lợi nhuận trước mắt.

Hiện nay, ngay cả với nông dân, nhu cầu vay vốn đầu tư vẫn rất lớn và dù tỷ lệ nợ xấu đối với vốn vay ngắn hạn rất ít, họ vẫn khó tiếp cận vốn vay đầu tư trung và dài hạn. Trong nhiều năm gần đây, tỷ lệ đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp chỉ chiếm 5-6% so với tổng đầu tư. Trong giai đoạn tới vốn đầu tư cho nông nghiệp vẫn là nhu cầu cực kỳ lớn.

PV: Có chuyên gia trong ngành nông nghiệp nói việc giải ngân 100 triệu USD vào nông nghiệp khó bởi sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam còn manh mún, ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

TS Đặng Kim Sơn: Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay vấn đề vốn gặp một tình thế khó xử. Vốn vay nếu ít, ngắn hạn, thủ tục phức tạp thì không ai muốn vay và người vay không biết dùng vào việc gì để trong thời gian ngắn có thể trả lãi và đảm bảo an toàn. Nếu nguồn vốn lớn, nguồn vốn dài hạn, thủ tục thuận lợi thì lại không có, nên vẫn tồn tại dai dẳng tình trạng ngân hàng vẫn có tiền muốn cho vay mà không đưa ra được, nhiều người có tiền người cần vay thì không vay được tiền.

Ai là người cần vay? Đó là những người làm ăn được, biết làm ăn và có năng lực sản xuất, họ có công nghệ tốt, có thị trường, có vùng nguyên liệu, hợp tác tốt với nông dân nhưng những doanh nghiệp này khi đi vay tiền vẫn bị vướng mắc vì không có tài sản thế chấp. Các quy định hiện nay không công nhận tài sản trên đất là vật thế chấp và chưa có những quy định để có cơ quan định giá độc lập, cấp những giấy phép mà ngân hàng có thể chấp nhận để dùng tài sản trên đất như vườn cây, chuồng trại hay nhà lưới, nhà kính… làm tài sản thế chấp.

Ngân hàng yêu cầu người đi vay phải xây dựng đề án đầu tư để được vay. Đây là thủ tục hợp lý nhưng đối với nông dân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là việc làm không dễ dàng. Có quá nhiều yếu tố bất định mà trong phạm vi từng cá nhân không thể tính toán hết như biến động thị trường, biến động thời tiết, thay đổi công nghệ, thay đổi chính sách,…

Một khó khăn nữa, các DN thu gom đất rất khó khăn. Họ có thể đi mua, có trong tay nhiều sổ đỏ của nông dân nhưng không mang đi thế chấp nhiều sổ được, còn nếu gom thành một sổ thì nếu vượt quá mức hạn điền sẽ phải làm thủ tục chuyển sang là cho thuê dù đất đó đã được mua đứt.

Ở các nước nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực công nghệ cao thường là nguồn vốn từ quỹ đầu tư mạo hiểm, Việt Nam hiện không có quỹ này. Công tác bảo hiểm tại Việt Nam chưa bao trùm lên lĩnh vực khoa học công nghệ, tất cả những yếu tố đó khiến DN trong lĩnh vực nông nghiệp kể cả DN làm ăn được rất khó tiếp cận nguồn vốn.

Bản thân những người nông dân làm ăn thành công sau khi được mùa có rất nhiều tiền cũng không biết đầu tư vào đâu, khó mua thêm đất để gom lại được, đầu tư vào KHCN cũng không được vì không biết đầu tư công nghệ gì? Do không thể tái đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, đa số quay sang mua ô tô, xây nhà lầu, tiền từ nông thôn lại đưa về thành phố.

Nông nghiệp công nghệ cao đang thu hút sự quan tâm của nhiều DN

Hiện tượng bản thân trong nông nghiệp tích lũy đầu tư tái mở rộng sản xuất gặp khó khăn và ngay cả những DN làm ăn thành công cũng khó vay được vốn chứng tỏ thị trường vốn không lành mạnh, không hiệu quả, méo mó. Thị trường vốn sở dĩ méo mó bởi dính với thị trường lao động méo mó, thị trường đất đai méo mó và thị trường khoa học công nghệ méo mó.

Cũng dễ hiểu vì sao nhiều nền kinh tế lớn như EU, Mỹ, các nước phát triển,… họ chưa chịu công nhận kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế thị trường trong quá trình thi hành các hiệp định thương mại, bởi các thị trường tài nguyên chúng ta chưa vận hành một cách khỏe mạnh, và bài bản. Đây là bước phải hoàn tất tiếp theo của quá trình đổi mới kinh tế ở nước ta sau khi đã thì trường hóa thành công hàng hóa và dịch vụ trong 30 năm qua.

PV: Câu chuyện hiện nay của ngành nông nghiệp là biến đổi khí hậu, khô hạn, lũ lụt. Làm thế nào để có thể hạn chế tối đa hậu quả của ảnh hưởng thời tiết trong nông nghiệp thưa ông?

TS Đặng Kim Sơn: Biến đổi khí hậu dẫn đến hàng loạt vấn đề như nước biển dâng, xâm nhập mặn trên các dòng sông, tăng mức độ thiên tai cực đoan, nguy cơ mới về bệnh dịch sâu hại. Ngoài ra còn câu chuyện thay đổi về thời tiết theo chu kỳ, câu chuyện tranh chấp về nguồn nước, nguồn thủy sản quốc tế. Có rất nhiều yếu tố bất định và rủi ro trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Làm thế nào để sản xuất nông nghiệp chống được các rủi ro, làm thế nào để sản xuất nông nghiệp chống lại biến đổi khí hậu đang làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái và toàn bộ môi trường tự nhiên và xã hội của trái đất theo một chu kỳ không thể ngừng lại được?

Với câu hỏi thứ nhất, có thể áp dụng nhiều giải pháp quản lý rủi ro cho sản xuất nông nghiệp như đa dạng hóa sản xuất, sử dụng các giải pháp về bảo hiểm, thị trường giao sau, hệ thống kho tàng dự trữ … sử dụng đầu tư xây dựng cơ bản, làm đê, xây hồ, trồng rừng để phòng chống thiên tai; trong khoa học áp dụng các giống vật nuôi cây trồng tăng khả năng chống chịu…; trong thể chế tái tổ chức và phân cấp, trao quyền cho cộng đồng nhân dân, đưa dân ra khỏi vùng rủi ro, xây dựng căn cứ phòng tránh ngay tại địa bản, dự trữ vật tư, lương thực…

Về câu chuyện thứ hai, biến đối khí hậu người ta áp dụng hai chiến lược. Thứ nhất là thích nghi. Dự báo xem chỗ nào nước biển dâng, thì họ chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang nuôi cá hay từ nuôi thủy sản nước ngọt sang nuôi nước mặn, nuôi gia cầm chịu đựng được nước mặn, sử dụng giống chịu mặn...
Thứ hai là chủ động tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để giảm phát thải nhà kính tối đa như giảm bớt lượng nước tưới lúa, thay đổi biện pháp canh tác để tiết kiệm nước, giảm lượng đạm bay lên tạo hiệu ứng nhà kính, chuyển sang dung năng lượng tái tạo…

PV: Ở thị trường Việt Nam hiện tại khoa học công nghệ dường như vẫn là điểm yếu. Con giống đa phần đi nhập, nhập giống lúa, nhập giống tôm. Có biện pháp nào để cải thiện tình trạng này không thưa ông?

TS Đặng Kim Sơn: Câu chuyện như bạn đề cập xảy ra khi Nhà nước vẫn hoạt động theo mô hình quản lý, chưa trở thành Nhà nước kiến tạo. Nhà nước quản lý làm tất cả mọi việc, tham gia cà vào sản xuất và kinh doanh là những việc nên để khối tư nhân tự làm.

Ngay cả các dịch vụ công ví dụ như nghiên cứu khoa học, hiện nay là lĩnh vực nhà nước bao sân gần như toàn bộ. Trên thế giới, phần lớn hoạt động nghiên cứu ứng dụng trong nông nghiệp do các doanh nghiệp tư nhân, các liên minh hợp tác xã chủ động tiến hành. Nhà nước chỉ tập trung vào các nghiên cứu cơ bản và họ làm tốt việc kết nối giữa hai bên.

Một điển hình thành công là trường hợp nông nghiệp Trung Quốc, nông nghiệp Đài Loan. Nếu có lợi, các tập đoàn lớn sẵn sang đầu tư nghiên cứu bằng những ngân hàng gen khổng lồ, cho các địa bàn sinh thái khác nhau dù phải mất hàng chục năm để lai tạo.

Một khó khăn khác ở Việt Nam là công tác đổi mới hình thức hoạt động của các “cơ quan sự nghiệp công lập” như các Viện, Trường chuyên nghiệp, Trạm, Trại,… diễn ra quá chậm chạp. Trong khi các bệnh viện, trường phổ thông,… đã xã hội hóa đầu tư, thì các cơ sở phục vụ khoa học công nghệ nông nghiệp vẫn gần như hoàn toàn dựa vào nhà nước, không được trao quyền tự chủ, không hướng về khách hàng và thị trường, xa rời với sản xuất.

Đó là câu chuyện đầu vào, tương tự với đó là câu chuyện đầu ra. Chỉ có các doanh nghiệp lớn mới biết nhắm vào thị trường nào, hướng vào sản phẩm gì, nhóm khách hàng nào. Còn đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt là nông dân thì không biết rõ. Nhà nước không có Viện nghiên cứu nào về thị trường nông nghiệp, đây là điều kỳ quặc ở một nước có 32 tỷ USD xuất khẩu từ nông nghiệp, cường quốc đứng đầu thế giới 7-8 mặt hàng nông sản.

Khắc phục vấn đề này chúng ta cần làm phải chuyển sang Nhà nước kiến tạo. Các viện nghiên cứu của Nhà nước phải đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm, các ngân hàng gen, các nghiên cứu cơ bản và phối hợp chặt với công ty tư nhân.
Những gì có thể đem lại lợi nhuận thì nhà nước hỗ trợ cho tư nhân làm, như miễn thuế, cung cấp phòng thí nghiệm, cho nhà khoa học đến làm, cấp vốn nghiên cứu, bảo vệ quyền tác giả, quyền sở hữu. Cái gì dứt khoát tư nhân không làm được như quá rủi ro, không giữ được bản quyền, phải liên hệ các tổ chức quốc tế thì Nhà nước đứng ra làm.

Nhà nước cần hình thành đơn vị rất mạnh về nghiên cứu thị trường, về tình hình đàm phán thương mại, sau đó đến các mặt hàng cụ thể, thị trường cụ thể để đưa ra các dự tính, dự báo. Phải kiên quyết sắp xếp lại các cơ sở khoa học của nhà nước như đã là với doanh nghiệp quốc doanh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn: ndh.vn
Link:
 http://ndh.vn/ts-dang-kim-son-vay-va-cho-vay-nong-nghiep-khong-de--20170330052113389p145c151.news


Tin khác