Để mỗi nông dân là một “chiến binh” trong phát triển kinh tế

19/09/2017

Năm năm qua (2012-2017), phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu, trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên để mỗi nông dân trở thành những nông dân chuyên nghiệp, không còn phụ thuộc vào sự bấp bênh của thị trường, đồng thời nâng cao giá trị nông sản đang là bài toán đặt ra đầy trăn trở.

Làm gì gỡ nút thắt giúp nông dân “cất cánh”

Tại Hội nghị Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ V giai đoạn 2012-2017, đã có rất nhiều ý kiến và giải pháp về nâng cao chất lượng phong trào được thảo luận trong chương trình nghị sự.

Theo đó, các cấp Hội cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Đó là cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tập trung nguồn lực hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo Kết luận số 61- KL/TW ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định  673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, liên kết hợp tác, thành lập các tổ, nhóm liên kết nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi theo chuyên ngành hoặc đa ngành, đa lĩnh vực. Vận động nông dân sản xuất giỏi là nòng cốt tổ chức hình thành mới hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp.

Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn trao Bằng khen của Trung ương Hội cho 211 đại biểu

Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, quảng bá sản phẩm cho nông dân thông qua việc làm cầu nối liên kết hợp tác, giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với các đơn vị, doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua hợp đồng, hợp tác, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân.

Tập trung nguồn lực xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Thông qua công tác đào tạo, dạy nghề bồi dưỡng những nông dân sản xuất giỏi làm nòng cốt để xây dựng các mô hình hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Vận động nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chia sẻ cùng cộng đồng ở địa phương về phương pháp, kinh nghiệm, bí quyết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và cả thị trường để phấn đấu cùng nhau làm giàu.

Còn theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn. Để nông nghiệp thời gian tới phát triển xứng đáng với tiềm năng, công sức của người nông dân, sự đầu tư của Nhà  nước, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn cần gỡ 7 nút thắt, đó là: Đất đai, lao động, vốn, khoa học công nghệ, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, kết nối cộng đồng nông thôn.

Theo ông có 5 giải pháp để người nông dân cất cánh trên mặt trận nông nghiệp, với tầm nhìn đến 2030 thì cần: Tập trung ruộng đất, tạo cơ chế linh hoạt cho thuê đất; nâng cao tay nghề lao động, đào tạo nông dân chuyên nghiệp với mức lương hưu đảm bảo, được cho vay vốn khởi nghiệp; đổi mới sáng tạo trong kinh doanh nông nghiệp với sự đầu tư KHCN; xây dựng thương hiệu nông sản đạt chất lượng; xây dựng nông nghiệp xanh ứng phó biến đổi khí hậu và môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Phát biểu bế mạc Hội nghị NDSXKDG toàn quốc lần thứ V, Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN cho rằng, để người nông dân làm giàu trên mảnh đất quê hương thì cần ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ để mở rộng qui mô sản xuất theo chuỗi, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của hàng hoá nông sản.

Chuyển nhanh, mạnh từ sản xuất nhỏ- sang sản xuất hàng hóa; từ kinh tế hộ nhỏ lẻ-sang liên kết hợp tác theo chuỗi; từ sản xuất truyền thống, kinh nghiệm- sang công nghệ cao; từ năng suất lao động thấp- sang năng suất lao động cao; từ coi trọng năng suất, sản lượng- sang chất lượng, giá trị gia tăng đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao đời sống- Chủ tịch nhấn mạnh.

Phong trào được nâng lên về chất

Phong trào NDSXKDG thời gian qua đã tạo động lực để nông dân sáng tạo, hăng hái thi đua sản xuất, vươn lên làm giàu. Nông dân sản xuất giỏi đã chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị hàng hóa với lợi nhuận cao.

Các hộ NDSXKDG phấn đấu không chỉ làm giàu cho mình, cho xã hội mà còn đoàn kết, hỗ trợ tư vấn, chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm, kỹ thuật… giúp nhau cùng làm giàu, giúp đỡ các hộ còn khó khăn vươn lên thoát nghèo phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Đó là mẫu hình của lớp người nông dân mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và hội nhập quốc tế.

Chất lượng phong trào được nâng lên, thu nhập hộ của hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi thu nhập trên 1 tỷ đồng/ năm tăng gấp 5 lần so với giai đoạn 2007- 2012, đã góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nông dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự xã hội ở nông thôn, xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh.

Để phong trào tiếp tục phát triển đòi hỏi cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh bằng cơ chế, chính sách, những hành động cụ thể để giúp hội viên, nông dân tích cực thi đua làm giàu cho gia đình, cho xã hội, trở thành những “chiến binh” dũng mãnh trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo quyhotronongdan.vn


Tin khác