Hoạch định chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn Kết nối nghiên cứu với thực tiễn

01/11/2006

Trong các ngày từ 19-25/10/2006, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Viện CS&CL PTNNNT) đã cử cán bộ nghiên cứu đi thực tế tại tỉnh Vĩnh Phúc, phối hợp với các cán bộ lãnh đạo và chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh nhằm xây dựng cơ sở khoa học cho công tác hoạch định chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn của địa phương trong thời gian tới.

Kết quả của hoạt động này đã được hai đơn vị trình bày trong cuộc hội thảo về chủ đề Nông nghiệp, Nông thôn và Nông dân Vĩnh Phúc: Thực trạng và giải pháp phát triển diễn ra trong ngày 31/10/2006 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Là tỉnh đồng bằng thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, giáp với thủ đô Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong những năm vừa qua, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung và trong nông nghiệp, phát triển nông thôn nói riêng. Từ một tỉnh thuần nông, hiện nay Vĩnh Phúc là một trong số ít các tỉnh của cả nước có cơ cấu kinh tế công nghiệp-dịch-nông nghiệp. Bên cạnh đó, các quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề mới trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân của địa phương, trong đó đặc biệt là các vấn đề đất đai; lao động, việc làm; quy hoạch nông nghiệp, nông thôn; hiệu quả sản xuất nông nghiệp; chế biến và tiêu thụ nông sản; môi trường sinh thái, v.v….

Những vấn đề mà Vĩnh Phúc gặp phải, một mặt, có tính chất đặc thù địa phương, mặt khác, cũng có những nét chung với các địa phương khác của cả nước trong quá trình chuyển đổi và phát triển kinh tế. Do vậy, yêu cầu được đặt ra trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Vĩnh Phúc là phải làm rõ được những vấn đề bức xúc trước mắt với những vấn đề lâu dài, những vấn đề có tính chất đặc thù của địa phương với những vấn đề mà những địa phương khác trong vùng và của cả nước cũng gặp phải… trên cơ sở đó, xác định những giải pháp chính sách mà địa phương có thể giải quyết được và những giải pháp chính sách cần có sự chỉ đạo, giúp đỡ từ các cơ quan quản lý trung ương. Hai báo cáo về “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân Vĩnh Phúc: Thực trạng, vấn đề và yêu cầu đổi mới chính sách” của Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc, và về “Tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng” của Viện CS&CL PTNNNT về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu này.

Hội thảo cũng đã được nghe nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu đến từ các cơ quan quản lý, nghiên cứu trong và ngoài ngành. Đại diện các cơ quan Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp&PTNNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Xây dựng, v.v… đã đề cập đến những góc độ khác nhau trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của Vĩnh Phúc nói riêng và của cả nước nói chung, góp phần làm rõ các vấn đề được đặt ra cả trên phương diện lý thuyết và thực tiễn.

Trên thực tế, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có phạm vi đối tượng rất rộng, bao gồm phần lớn dân số, địa bàn cư trú và hoạt động kinh tế cơ bản của người dân nước ta hiện nay. Hoạch định chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn, vì vậy, đòi hỏi một cách khách quan sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị quản lý, nghiên cứu và tư vấn trung ương và địa phương, cả trong và ngoài ngành. Những kết quả ban đầu của sự phối hợp giữa Viện CS&CL PTNNNT và Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đã mở ra một hướng đi mới trong công tác hoạch định chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn ở nước ta, góp phàn kết nối nghiên cứu khoa học với thực tiễn đời sống và công tác quản lý kinh tế-xã hội.


Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Agroinfo)

Tin khác