Tìm giải pháp giảm thất thoát, lãng phí nông sản thực phẩm ở Việt Nam

08/03/2018

Giảm thất thoát, lãng phí và ngược lại, tạo thêm giá trị gia tăng nông sản thực phẩm luôn là mục tiêu không chỉ Việt Nam mà ở mọi quốc gia phát triển về nông sản-thực phẩm hướng tới.

Cả thế giới lãng phí thực phẩm

Việc lãng phí, thất thoát do thiếu khoa học, công nghệ trong các khâu hậu cần hoặc từ sản xuất đến chế biến, hậu chế biến với bảo quản lương thực - thực phẩm vẫn đã và đang diễn ra.

Điều này không chỉ hạn chế giá trị của nông sản -thực phẩm mà các quốc gia thu được, cũng trực tiếp gây tác động và “góp tay” vào nguy cơ bất ổn an ninh lương thực.

Ông John Mandyck - Phó Chủ tịch về Phát triển Bền vững của UTC cho biết: “Về nguồn cung, các quốc gia lương thực hiện đã sản xuất đủ thực phẩm nuôi sống 10 tỉ người – tức là toàn bộ chúng ta ngày hôm nay và toàn bộ lượng dân số mới tới 2050. Nhưng theo Tổ chức Nông Lương thế giới, mỗi ngày chúng ta vẫn chứng kiến 25.000 người chết vì đói và 1/3 (khoảng 40%) lượng thực phẩm làm ra bị lãng phí hay thất thoát hàng năm. Trong đó, 2/3 tỷ lệ thất thoát trước khi đến tay người tiêu dùng”.

Có nghĩa là lương thực không thiếu hụt, nhưng sự chia sẻ, phân bổ nguồn lương thực theo điều kiện quốc gia và nền kinh tế, không có sự đồng đều và trong đó, phần lớn thế giới vẫn còn “thiếu ý thức” tiết kiệm, để lãng phí thực phẩm. Ngay cả các nhà sản xuất, phân phối cũng không tránh khỏi còn gặp vướng mắc này

Phân tích nguyên nhân cốt lõi dẫn đến lãng phí thực phẩm trên toàn cầu và ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng khâu bảo quản bằng công nghệ cung ứng lạnh mát có thể khắc phục việc thất thoát nông sản.

Ông David Appel - Chủ tịch Carrier Transicold & Refrigeration Systems chia sẻ:“Công nghệ và giải pháp mới không chỉ giúp cho chuỗi cung ứng lạnh-mát quản trị hiệu quả hơn, mà còn giúp giảm khí thải CO2, tăng cường hoạt động thương mại giữa các nước, giúp cải thiện nạn đói”.

Các chuyên gia cũng cho biết ngày nay, trên toàn thế giới, mới chỉ có 10% lượng thực phẩm – nông sản tươi sống được bảo quản lạnh-mát, trong khi đó cơ hội để cắt giảm lãng phí thực phẩm và cải thiện việc phân phối thực phẩm hiệu quả hơn thông qua ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh – mát trên chuỗi đã được chứng minh.

Hiện tượng “đứt gãy” trong cung ứng thực phẩm ở Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước có nguồn lương thực phẩm rất đa dạng, phong phú ngon và tươi, nhưng thu hoạch, sử dụng trong thời gian rất ngắn, ít chế biến. Theo khảo sát cho thấy, từ nông trại có 32% lượng sản xuất ra không đến tay được cơ sở phân phối, trong đó có khoảng 60% không bao giờ được tiêu thụ. 

Theo một báo cáo trước đây của Tổng cục Môi trường, chuỗi thực phẩm tại Việt Nam dự kiến thất thoát khoảng 5,75 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, tương ứng cho 60% lượng chất thải rắn trên cả nước.

Hiện tượng "gãy, đứt đoạn" trong cung ứng lạnh - mát tại Việt Nam là khá phổ biến trong ngành bán lẻ, thực phẩm, đặc biệt là trên kênh thương mại truyền thống chiếm 86% giá trị đóng góp cho bán lẻ tại Việt Nam như chợ, cửa hàng tạp hóa, chuỗi quán ăn, nhà hàng, hệ thống phân phối.

Theo TS. Nguyễn Đức Lộc - Trung tâm Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Nông thôn miền Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân chủ yếu do thị trường logistic cung ứng lạnh - mát tại Việt Nam khá phân mảnh, các nhà cung cấp dịch vụ vừa - nhỏ phục vụ rời rạc cho một số điểm hay khu vực, và chưa thể cung cấp trọn gói cho toàn chuỗi thực phẩm.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã hình thành chuỗi liên kết lớn, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, xây dựng chương trình phát triển chuỗi giá trị dựa trên 3 trục ngành hàng: Nhóm ngành hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD; Ngành hàng có năng lực cạnh tranh cấp địa phương và Ngành hàng đặc sản địa phương. Trong vòng 10 năm qua, năng lực phục vụ trong cung ứng lạnh - mát tăng 4 lần và các cơ sở hạ tầng trong cung ứng lạnh - mát thường hoạt động với công suất đạt trên 90%” – ông Lộc cho biết Bộ cho biết.

Hy vọng với công nghệ mới và “khoa học” quản trị cung ứng lạnh -mát, trong tương lai, Việt Nam cùng các thành viên cộng đồng kinh tế APEC sẽ đạt được mục tiêu phải giảm được 10% thất thoát – lãng phí thực phẩm theo kế hoạch đã được vạch ra tới 2020.

Theo enternews.vn

 

 


Tin khác