Mô hình Hợp tác xã đổi mới để phát triển tại Đông Xuyên, Thái Bình

30/10/2023

Trong 10 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/06/2013 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp đã có những kết quả nhất định trong phát triển, cơ cấu lại các tiểu ngành.

Các địa phương trên cả nước cũng đều đã và đang tích cực triển khai các hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng. Thái Bình là một trong những tỉnh điển hình đi đầu trong việc xây dựng và thực hiện tái cơ cấu đầu tiên của cả nước và của vùng đồng bằng sông Hồng. Một trong những ví dụ về đổi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh là mô hình hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên. Đây là hợp tác xã chăn nuôi đầu tiên của huyện Tiền Hải được thành lập, đi vào hoạt động từ ngày 27/03/2019 nhưng nhờ sự năng động đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã đã mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, doanh thu một năm lên đến trên 30 tỷ đồng và trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể.

Đổi mới phương thức chăn nuôi- Nuôi vịt biển theo hướng an toàn sinh học

Theo ông Ngô Văn Duẩn- Giám đốc hợp tác xã, từ năm 2018 ông và một số hộ cùng nhau xây dựng mô hình nuôi vịt biển. Ông đã lựa chọn vịt biển 15 Đại Xuyên, với những ưu điểm vượt trội như chịu được trong môi trường nước lợ, nước mặn, mang ra chợ bán và nhận được phản hồi tích cực của khách hàng về chất lượng của cả trứng và vịt thịt giống vịt biển này.

Ảnh: Mô hình nuôi vịt biển của hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên

Nguồn ảnh: Ông Ngô Văn Duẩn, Giám đốc hợp tác xã

Khách hàng tìm đến mua ngày càng nhiều, sản lượng cung cấp ra không đủ bán. Nhằm mở rộng quy mô, ông Duẩn cùng 1 số anh em quyết tâm và thành lập hợp tác xã với 32 hộ thành viên ban đầu. Để sản phẩm vịt biển có chất lượng, mang lại giá trị cao, được khách hàng đón nhận, ngay từ ngày đầu hợp tác xã đã chủ động định hướng cho thành viên sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí. Do nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm vịt biển và trứng vịt biển đang rất cao nên hợp tác xã mở rộng mạng lưới với 58 thành viên trong xã và liên kết với 30 hộ ngoài xã để chăn nuôi vịt biển, thường xuyên cung cấp sản phẩm cho hợp tác xã.

Dự kiến năm 2023, hợp tác xã sẽ có tổng doanh thu là 34.339 tỷ đồng, lợi nhuận là 5.405 tỷ đồng. Đặc biệt hai sản phẩm là vịt biển Đông Xuyên và trứng vịt biển Đông Xuyên đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao theo quyết định số 801 ngày 24 tháng 03 năm 2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình.

Đổi mới kênh phân phối- kênh thương mại điện tử trong nước và xuất khẩu

Từ những ngày mới thành lập, thương hiệu “Vịt biển Đông Xuyên” chưa được nhiều người biết đến, bằng sự năng động và đầy tâm huyết, ông Duẩn đã đến các siêu thị lớn tại Hà Nội, Hải Phòng để giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, hợp tác xã thường xuyên tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại bán hàng đối với mặt hàng Vịt biển Đông Xuyên.

Ngoài việc tiêu thụ qua kênh bán hàng truyền thống, hợp tác xã tận dụng tiện ích của Internet để quảng bá sản phẩm thông qua fanpage và mỗi thành viên của hợp tác xã là một nhân viên kinh doanh bằng các mối quan hệ của mình để bán và giới thiệu sản phẩm của hợp tác xã.

Bằng sự đổi mới cách thức, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh cùng với chất lượng thực sự của sản phẩm, vịt biển và trứng vịt biển đã và đang từng bước khẳng định vai trò trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân địa phương, giúp cho thương hiệu “Vịt biển Đông Xuyên” được biết đến tại nhiều nơi, bán rất mạnh tại các thị trường như Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Đà Nẵng. Hợp tác xã tiếp tục triển khai bán hàng vào Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hợp tác xã đang duy trì quy mô 10.000 con vịt biển thịt chất lượng cao và 6.000 - 8.000 con vịt biển sinh sản/năm nhưng sản phẩm luôn trong tình trạng khan hiếm và “cháy hàng”, quy mô hiện tại mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% thị trường.

Để duy trì được số lượng, sản lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm, Hợp tác xã chăn nuôi Đông Xuyên có kế hoạch nhân thêm các đàn vịt bố mẹ để chủ động nguồn giống và giảm giá thành con giống cho thành viên hợp tác xã ngay tại địa phương. Đồng thời, hợp tác xã sẽ xây dựng phòng kinh doanh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm đưa vịt biển và trứng vịt biển Đông Xuyên tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng trong nước.

Với sự năng động, tâm huyết và những bước đi đúng hướng, hợp tác xã đã là mô hình điển hình không chỉ làm thay đổi nhận thức về sản xuất an toàn, trách nhiệm cho thành viên của hợp tác xã mà còn của các nông dân xung quanh. Đồng thời, hợp tác xã đã hỗ trợ các xã viên chủ động kết nối thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế và tạo điều kiện để lao động nông nghiệp ở lại với ngành nông nghiệp./.    

Thúy An/Bộ môn nghiên cứu Chính sách và Chiến lược/Ipsard

 


Tin khác