Hoạt động Chuyển đổi số tại Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

10/10/2023

Ngày 10 tháng 10 hằng năm được lựa chọn là “Ngày Chuyển đổi số quốc gia” theo  Quyết định số 505/QĐTTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của ngày này nói riêng cũng như việc thúc đẩy chuyển đổi số trong phạm vi cả nước nói chung là  nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Chuyển đổi số quốc gia giúp tận dụng các công nghệ tiên tiến như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật... để cải thiện chất lượng, hiệu quả và tiếp cận của các dịch vụ công, tăng cường giao tiếp và hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và người dân. Chuyển đổi số quốc gia cũng giúp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ và mô hình kinh tế mới, phù hợp với nhu cầu và xu hướng của thị trường toàn cầu. Năm 2023, chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia là "Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị".

Trong những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng suất làm việc, lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất; tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Nắm được tầm quan trọng cũng như hưởng ứng tinh thần chung của việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng như trong hoạt động của đơn vị, từ nhiều năm qua Viện Chính sách và Chiến lược PTNNT đã và đang xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu ngành hàng nông nghiệp nhằm phục vụ các hoạt động nghiên cứu và tham mưu chính sách. Hệ thống CSDL này được xây dựng một cách bài bản và toàn diện bao gồm các thông tin Cập nhật dữ liệu về kinh tế vĩ mô (GDP chung, chia theo các ngành kinh tế, chỉ số giá lương thực, tỷ giá, tỷ lệ nghèo, lao động nông nghiệp, GDP nông nghiệp, giá trị xuất khẩu, nhập khẩu NLTS, đất nông nghiệp, lao động nông nghiệp, số doanh nghiệp NLTS, chỉ số giá lương thực, dân số, số xã đạt chuân nông thôn mới, mã số vùng trồng, an toàn vệ sinh thực phẩm); Cập nhật dữ liệu về ngành hàng nông sản (sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, giá cả) của các ngành hàng chủ lực (lúa gạo, cà phê, cao su, tiêu, cá tra, tôm, thịt, gỗ, rau quả, chè, sắn); Cập nhật dữ liệu về doanh nghiệp nông nghiệp (số lượng, quy mô vốn, quy mô lao động, doanh thu, lợi nhuận, ...); Cập nhật dữ liệu về chính sách (chính sách chung chia thành các nhóm (sản xuất, tín dụng, đầu tư, liên kết, thương mại….) và chính sách theo các ngành hàng cụ thể.

Hệ thống cơ sở dữ liệu được cập nhật hàng năm từ nhiều nguồn khác nhau, là đầu vào vô cùng quan trọng, hỗ trợ cho các cán bộ nghiên cứu trong các hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.


Tin khác