Một số khuyến nghị chính sách để phát triển loại hình trang trại nông nghiệp có kết hợp dịch vụ du lịch ở Việt Nam

04/10/2023

Trong những năm qua, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam. Về loại hình du lịch nông thôn, có các loại hình như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề… Về tổ chức quản trị du lịch nông thôn, có các mô hình như mô hình hợp tác xã du lịch (như tại Tả Phìn – Sa Pa), mô hình ban quản lý du lịch cộng đồng (như tại thị xã Sa Pa), mô hình tổ hợp tác quản lý theo hướng dịch vụ kinh doanh (như tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), mô hình hội quán du lịch cộng đồng (như tại Đồng Tháp), mô hình câu lạc bộ du lịch (như tại Bến Tre), và mô hình trang trại nông nghiệp có kết hợp dịch vụ du lịch (farmstay).

 

Mô hình Farmstay được hiểu đơn giản là các hoạt động trải nghiệm của du khách (lưu trú, nghỉ dưỡng, thăm quan) gắn với các trang trại nông nghiệp (hoặc dự án kết hợp kinh doanh nông nghiệp). Loại hình trang trại sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch xuất hiện ở nhiều nơi nhưng phổ biến là ở những vùng còn quỹ đất rộng như miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, vùng miền núi, trung du; hoặc ở các vùng ven đô thị, vùng có nhiều địa điểm du lịch. Điển hình như: Mô hình trang trại Đồng Quê Ba Vì, nông trại Dê Trắng (Hà Nội); mô hình trang trại nho của ông Nguyễn Văn Mọi với thương hiệu nho Ba Mọi (tỉnh Ninh Thuận); các trang trại du lịch miền vườn sông nước đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Mô hình farmstay có xu hướng phát triển nhanh những năm gần đây, nhưng việc phát triển mô hình farmstay chuyên nghiệp còn nhiều hạn chế:

-                Chưa có số liệu thống kê cụ thể về số lượng các trang trại tham gia mô hình farmstay: Do chưa có cơ quan nào được giao quản lý và làm đầu mối theo dõi nên hầu hết các địa phương hiện chưa thể thống kê được số lượng và tình hình hoạt động của các trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch trên địa bàn.

-                Chưa có khung pháp lý về đất đai cho việc phát triển farmstay. Đất để xây dựng nông trại du lịch của hộ gia đình, cá nhân thường là đất sản xuất nông nghiệp hoặc đất rừng. Pháp luật đất đai hiện hành chưa có quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với loại hình sử dụng đất hỗn hợp trên đất nông nghiệp.

-                Công tác quản lý nhà nước về trang trại gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được hoàn thiện; đặc biệt là thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước để tạo điều kiện cho các trang trại nông nghiệp phát triển dịch vụ du lịch; thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định về kinh doanh, bảo vệ môi trường cho hoạt động du lịch trong các trang trại nông nghiệp.

-                Hoạt động du lịch trong các trang trại nông nghiệp chủ yếu phát triển tự phát, không có quy hoạch, chưa hình thành tour tuyến và thiếu thông tin, quảng bá, nguồn khách không ổn định. Dịch vụ du lịch còn rất đơn giản (trải nghiệm, tham quan, chụp ảnh checkin…), chất lượng dịch vụ không đồng đều, thiếu sức hấp dẫn để kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách;

-                Lao động làm việc trong các trang trại nông nghiệp chưa được đào tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng du lịch nông nghiệp;

-                Do phát triển tự phát và thiếu hành lang pháp lý quy định nên sự kiểm soát về an toàn lao động, điều kiện lưu trú, vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý môi trường, an ninh trật tự đối với các trang trại nông nghiệp có hoạt động du lịch hiện đang hoạt động là rất hạn chế.

Một số khuyến nghị chính sách cho phát triển mô hình farmstay

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, với phương châm đặt ra là “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường vệ sinh sạch, đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Theo đó, bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, phát triển du lịch nông thôn đã được đưa vào nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, như Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (tập trung mở rộng không gian khai thác du lịch, phát triển hệ thống sản phẩm chất lượng cao, khác biệt, có khả năng cạnh tranh cao, hấp dẫn khách du lịch), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 (du lịch nông nghiệp và nông thôn được xác định là một trong 1 dòng sản phẩm chủ đạo), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (Chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025), Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/05/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững (cho phép phát triển du lịch trên đất nông nghiệp).

Để các trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch hoạt động hiệu quả, đúng quy định pháp luật, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế nông thôn, Nhà nước cần có cơ chế chính sách để khuyến khích mô hình này phát triển trong thời gian tới. Một số giải pháp chính sách cần xem xét bao gồm:

Hoàn thiện chính sách đất đai (phù hợp với tinh thần Nghị quyết 82/NQ-CP): Mô hình farmstay phát sinh từ nhu cầu thực tế, nhưng chưa có căn cứ quy định đầy đủ của pháp luật đất đai và một số pháp luật khác có liên quan. Chính sách pháp luật về đất đai cần tiếp tục nghiên cứu về phân loại đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hỗn hợp trên đất nông nghiệp; điều kiện tách thửa đất nông nghiệp theo loại hình farmstay; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với loại hình farmstay...

Thống nhất cơ quan, đơn vị đầu mối thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với loại hình farmstay. Trong điều kiện thiếu thông tin như hiện nay, đề xuất Chính phủ đề nghị các địa phương rà soát, thống kê đánh giá lại thực trạng các loại hình/mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch. Trên cơ sở kết quả rà soát, thống kê, đánh giá đó Chính phủ, xem xét giao cho một cơ quan, đơn vị làm đầu mối quản lý loại hình này, tránh chồng lấn trong quản lý nhà nước về loại hình này. Đồng thời, xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tình hình hoạt động của các trang trại làm du lịch.

Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại hình farmstay. Để tạo hành lang pháp lý và môi trường hoạt động cho các trang trại kết hợp sản xuất nông nghiệp với hoạt động du lịch, nhà nước cần xây dựng các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho loại hình này như: (i) Có cơ chế chính sách hỗ trợ và quy định cụ thể điều kiện để các trang trại sản xuất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sử dụng một phần đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp sang đất thương mại, dịch vụ du lịch, lưu trú đúng mục đích, đúng quy định pháp luật; (ii) Xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn cho mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch (loại công trình, cơ sở hạ tầng du lịch được phép xây dựng; mật độ, độ cao của công trình được phép xây dựng; quy mô diện tích tối đa của công trình được phép xây dựng); (iii) Quy định và hướng dẫn thực hiện các điều kiện về an toàn lao động; điều kiện lưu trú; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, an ninh trật tự trong các trang trại nông nghiệp hoạt động du lịch; (iv) Bổ sung loại hình trang trại có hoạt động du lịch trong các văn bản quy phạm pháp luật về cơ sở du lịch lưu trú.

Xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trong các trang trại nông nghiệp: (i) Rà soát, quy hoạch cụ thể đối với các trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch; (ii) Hỗ trợ kết nối các trang trại có hoạt động du lịch gắn với các tour, tuyến du lịch của các doanh nghiệp lữ hành để phát triển đa dạng các tuyến du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với hoạt động trải nghiệm, thăm quan học tập và nghỉ dưỡng, lưu trú; (iv) Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng lưu trú trong các trang trại có hoạt động du lịch; (v) Điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch và phát triển hạ tầng của địa phương đối với các trang trại nông nghiệp có hoạt động du lịch nông.

Tăng cường đào tạo kỹ năng hoạt động du lịch cho lao động làm trong các trang trại nông nghiệp hoạt động du lịch: (i) Hướng dẫn các chủ trang trại và người lao động trong các trang trại về các kiến thức, k năng về: văn hóa, cách thức tiếp đón du khách đến thăm quan, trải nghiệm các hoạt động thuộc công việc tại nơi sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp; (ii) Hướng dẫn, hỗ trợ các trang trại nông nghiệp triển khai thực hiện phương án sản xuất kinh doanh với hướng hoạt động là: sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch cộng đồng theo tiềm năng và cơ hội du lịch đã hình thành trên địa bàn; (iii) Hướng dẫn các trang trại tổ chức không gian trang trại (nơi lưu trú, nhà vệ sinh, nơi ăn uống, cảnh quan sân vườn) phù hợp và đáp ứng nhu cầu của du khách; (iv) Hướng dẫn các chủ trang trại tham gia hoạt động du lịch tạo lập các hoạt động văn hóa, thể thao dân tộc trong cộng đồng cho du khách tham gia và trải nghiệm.

Thực hiện tuyên truyền về phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn trong các trang trại nông nghiệp. (i) Triển khai hoạt động tuyên truyền, giới thiệu với các trang trại ở các địa bàn có tiềm năng du lịch về tiềm năng, lợi ích của hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn; (ii) Hỗ trợ xây dựng các mô hình điển hình về trang trại kết hợp hoạt động du lịch nông nghiệp nông thôn phù hợp với đặc thù về sản phẩm nông nghiệp, văn hóa, dân tộc của từng địa phương. Từ đó đẩy mạnh các hoạt động thăm quan, giới thiệu để trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm và nhận rộng.

Tăng cường liên kết giữa ngành nông nghiệp với ngành văn hóa, du lịch và các bộ, ngành khác để phát triển trang trại kết hợp du lịch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành khác cần tăng cường mối liên kết trong công tác quản lý nhà nước để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn trong các trang trại gắn với quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nội dung hợp tác, liên kết tập trung vào công tác quy hoạch; đào tạo nghề du lịch nông nghiệp; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và cơ chế chính sách để phát triển trang trại sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch.

Nguyễn Mai Hương, Trung tâm Phát triển nông thôn/Ipsard

Trích bài viết cho Hội thảo “Phát triển loại hình farmstay ở Việt Nam: Thực trạng và khuyến nghị chính sách”

 

 

 


Tin khác