Hiệu quả sử dụng đất trồng trọt của hộ nông thôn

27/09/2023

Nhóm nghiên cứu của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã thực hiện đánh giá hiệu quả sử dụng đất trồng trọt của hộ nông thôn thời gian qua. Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ năm 2010 đến nay, ngành trồng trọt đã tích cực triển khai tái cơ cấu theo hướng xác định cây trồng chủ lực có lợi thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ hiệu quả thấp sang hiệu quả cao hơn, xây dựng Quy hoạch, đề án, dự án, cơ chế chính sách để thực hiện; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức lại sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Kết quả giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 2,28%/năm, GDP ngành đạt 1,95%/năm.  Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực chưa bền vững, có xu hướng giảm.

 

Xét hiệu quả kinh tế trong lĩnh vực trồng trọt cho thấy lúa là cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp nhất, mặc dù lúa là cây trồng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới. Ngay cả đối với Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có quy mô sản xuất lúa hàng hóa lớn nhất cả nước, nhưng chi phí đầu vào cao (chiếm tới 55% doanh thu), trong khi giá bán thấp nên hiệu quả thấp. Theo kết quả tính toán từ Dữ liệu khảo sát Mức sống hộ gia đình VHLSS 2020, bình quân mỗi ha gieo trồng lúa có doanh thu 37,2 triệu đồng, chi phí đầu vào 16,6 triệu đồng, giá trị gia tăng chỉ đạt xấp xỉ 21 triệu đồng/ha (tính cả công lao động). Trong khi đó, mỗi ha cây lương thực thực phẩm có giá trị gia tăng là 71,2 triệu đồng và cây công nghiệp là 72,3 triệu đồng, cao xấp xỉ 3,5 lần so với giá trị gia tăng cây lúa. Xét chung toàn ngành trồng trọt Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là 2 vùng có giá trị sản phẩm cao, thấp nhất Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Trong thời gian tới, cần khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai để phục vụ sản xuất quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất lĩnh vực trồng trọt. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng và lợi thế từng vùng, miền. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

(Xuân Hoa, Bộ môn Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược/ Ipsard)


Tin khác