THÍCH ỨNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRONG NÔNG NGHIỆP: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ CÁC HÀM Ý CHÍNH SÁCH CHO VIỆT NAM

27/09/2023

Thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp thuận thiên là cách mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn để phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn hiện đại. Để đưa Việt Nam trở thành một trong 10 nước có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới, ngành nông nghiệp cần phải chuyển đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tập trung nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng cho nông sản thông qua ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới; xây dựng nền nông nghiệp sinh thái hiện đại, xanh-các bon thấp ứng dụng công nghệ cao; nông thôn văn minh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

 

Rủi ro biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và khó có thể đảo ngược đòi hỏi thế giới phải có một bước thay đổi mang tính đột phá trong định hướng chiến lược và xác định các mục tiêu thích ứng chung cho toàn cầu cũng như cụ thể cho từng quốc gia, vùng, lĩnh vực. Các báo cáo đánh giá của Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu năm 2021 đã đưa ra kết luận rằng, một số tác động của biến đổi khí hậu là không thể đảo ngược được ngay cả khi các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đầy tham vọng toàn cầu được cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Glassgow, Vương quốc Anh tháng 11 năm 2021 được thực hiện hoàn toàn. Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường Liên Hợp Quốc năm 2021, nếu tất cả các quốc gia đều hoàn thành toàn bộ các cam kết vô điều kiện của mình trong Đóng góp quốc gia tự quyết định được cập nhật cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu năm 2020, thì đến cuối thế kỷ này nhiệt độ toàn cầu vẫn nóng lên khoảng 2,7°C (dao động từ 2,2 đến 3,2°C) so với mức thời kỳ tiền công nghiệp; Nếu các cam kết có điều kiện cũng được thực hiện đầy đủ thì ước tính nhiệt độ toàn cầu nóng lên khoảng 2,6°C (dao động từ 2,1 đến 3,1°C). Nếu các cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 được thông qua tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu đều hoàn thành như đã định, thì nhiệt độ toàn cầu vẫn tăng lên khoảng 2,2°C (dao động từ 2,0 đến 2,5°C). Như vậy có thể thấy, biến đổi khí hậu là không thể tránh khỏi, cho nên việc sớm có kế hoạch chủ động thích ứng biến đổi khí hậu là thực sự cần thiết, và là yêu cầu cấp bách của mọi quốc gia, nền kinh tế.

Bài học kinh nghiệm thành công về thích ứng biến đổi khí hậu của một số quốc gia cho thấy, các can thiệp thường được tập trung vào hoàn thiện khung chính sách với các giải pháp ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu, lồng ghép nội dung thích ứng biến đổi khí hậu trong các chương trình giáo dục; Sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ người nông dân; chuyển đổi cây trồng phù hợp hoặc điểu chỉnh mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu hay phát triển các giống cây trồng chống chịu. Bên cạnh đó là nâng cao quản lý sử dụng nguồn nước bền vững và hiệu quả luôn là một trong những trụ cột chính của các hoạt động thích ứng biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp.

Mặc dù nhiều quốc gia có những thành công trong chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu cho nông nghiệp và phát triển nông thôn, tuy nhiên, hiện con nhiều khoảng trống trong thích ứng biến đổi khí hậu trong nông nghiệp toàn cầu như: (i) Chi phí thích ứng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và có thể lên đến 280-500 tỷ USD/năm vào năm 2050 chỉ riêng các nước đang phát triển. Trong khi đó, mặc dù nguồn tài chính công huy động của cộng đồng quốc tế cho thích ứng biến đổi khí hậu đã tăng hơn 50% trong giai đoạn 2019-2020 so với giai đoạn 2017-2018 nhưng vẫn còn quá thấp so với nhu cầu; (ii) Để tăng cường khả năng thích ứng biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra bốn yêu cầu để thực hiện các biện pháp kỹ thuật ở cấp độ trang trại nhằm nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu của hệ thống sản xuất nông nghiệp của các quốc gia trong Liên minh Châu Âu. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có các khung chính sách thúc đẩy, thì việc triển khai các giải pháp thích ứng ở cấp trang trại không nhất thiết phải tiến hành ở tất cả các quốc gia mà dựa trên sự tự nguyện của nông dân, nguồn lực đầu tư, tính cấp thiết, năng lực thể chế và khả năng tiếp cận thông tin và kiến thức về các công nghệ và giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu từ các quốc gia; (iii) Việc lựa chọn các biện pháp thích ứng phù hợp của từng trang trại/nông hộ phụ thuộc vào tác động cụ thể của các yếu tố thời tiết, khí hậu, tình hình tài chính của trang trại/nông hộ, quy mô sản xuất, đặc tính văn hóa-xã hội và trình độ học vấn và kỹ năng nghề của người nông dân.

Từ những bài học kinh nghiệp quốc tế, hàm ý chính sách cho chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu cho Việt Nam gồm: (i) Thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững là hai quá trình song song tương hỗ và phụ thuộc lẫn nhau. “Phát triển nhanh và bền vững nông nghiệp, gắn với phát triển nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” sẽ được thực hiện thành công khi ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn biết cách tận dụng và phát huy tối đa các tác động tương hỗ này; (ii) Thích ứng biến đổi khí hậu phải đảm bảo tính đồng lợi ích gắn với chuyển đổi nông nghiệp sinh thái và mang tính bao trùm. Các giải pháp/hành động thích ứng biến đổi khí hậu định hướng cần ưu tiên các giải pháp/hành động đảm bảo tính đồng lợi ích, đa mục đích và mang lại các giá trị tích hợp; (iii) Thích ứng biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái là quá trình chuyển đổi thông minh kết hợp giữa các công nghệ hiện đại và kiến thức bản địa, các yếu tố văn hóa, cấu trúc xã hội và hệ sinh thái; Mối liên quan mật thiết giữa các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu với quản trị và sử dụng nguồn tài nguyên nước trong nông nghiệp. Các chương trình, chiến lược chuyển đổi nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu cần được xây dựng dựa trên các quy hoạch tích hợp về quản trị và an ninh nguồn tài nguyên nước; và Các giải pháp/hành động thích ứng biến đổi khí hậu phải đảm bảo tính khả thi về kinh tế, kỹ thuật và phù hợp với năng lực của địa phương, vùng, và quốc gia.

 

T.S. Trần Đại Nghĩa, Viện CS và CL PTNNNT

Trích lược từ Tạp chí Cộng Sản Chuyên đề Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, số 4-2022 (trang 175-195)


Tin khác