Thực trạng và định hướng phát triển nguồn nhân lực nông lâm thủy sản Việt Nam

27/09/2023

Sản xuất nông nghiệp luôn giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Nông nghiệp là nguồn sinh kế quan trọng và giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, là nền tảng cho phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị, tạo tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, nguồn nhân lực đóng vai trò rất lớn. Việc đào tạo nguồn nhân lực được coi là giải pháp then chốt, là một trong 3 trụ cột chiến lược trong cơ cấu lại phát triển kinh tế đất nước hiện nay. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức, kĩ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và đưa sản phẩm nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

 

THỰC TRẠNG

Số lượng lao động nông, lâm, thuỷ sản giảm, đặc biệt giảm nhanh trong giai đoạn gần đây

Lao động nông, lâm, thuỷ sản năm 2021 đạt 14,26 triệu người (chiếm 29,1% tổng số lao động của cả nước) và có xu hướng giảm, đặc biệt giảm nhanh trong 5 năm gần đây từ 24,28 triệu lao động năm 2011 xuống còn 22,18 triệu lao động năm 2016 (trung bình mỗi năm giảm 460 nghìn lao động), đến năm 2021 chỉ còn 14,26 triệu lao động (bình quân mỗi năm giảm 1,5 triệu lao động), bình quân cả giai đoạn 2011-2021 mỗi năm lao động nông, lâm, thuỷ sản giảm khoảng 1 triệu người.

Bảng 1. Số lượng và cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên của ngành nông, lâm, thuỷ sản

 

2011

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

Số lượng (triệu người)

24,5

23,1

22,2

21,5

20,4

18,8

17,7

14,3

Tỉ trọng trong tổng số lao động cả nước (%)

48,4

43,6

41,6

40,0

37,6

34,5

33,1

29,1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

- Số lượng lao động nông, lâm, thuỷ sản giảm nhanh trong giai đoạn vừa qua chủ yếu giảm ở lĩnh vực nông nghiệp, trong khi số lượng lao động lâm nghiệp, thủy sản giảm không đáng kể:

+ Giai đoạn 2011-2016 lao động nông nghiệp giảm 2,2 triệu người (trung bình mỗi năm giảm 450 nghìn lao động), giai đoạn 2016-2021 giảm 7,7 triệu lao động (trung bình mỗi năm giảm 1,5 triệu lao động), tỉ trọng lao động trong ngành nông nghiệp năm 2011 là 91,0%, đến năm 2021 là 86,0%.

+ Số lượng lao động trong ngành lâm nghiệp giảm nhẹ từ 562 nghìn lao động năm 2011 xuống còn 491 nghìn lao động năm 2021, tỉ trọng lao động ngành lâm nghiệp tăng từ 2,3% năm 2011 lên 3,4% năm 2021.

+ Số lượng lao động ngành thủy sản giảm nhẹ từ 1,6 triệu lao động năm 2011 còn 1,5 triệu lao động năm 2021, tỉ trọng lao động ngành thủy sản tăng từ 6,7% năm 2011 lên 10,6% năm 2021.

Bảng 2. Số lượng, cơ cấu lao động nông, lâm, thuỷ sản theo 3 lĩnh vực chính

 

2011

2016

2021

2016/2011

2021/2016

2021/2011

Số lượng (nghìn người)

CAGR (%)

Tổng số

24.489

22.184

14.262

-1,96

-8,46

-5,26

Nông nghiệp

22.294

20.039

2.266

-2,11

-9,35

-5,80

Lâm nghiệp

562

612

491

1,75

-4,32

-1,33

Thủy sản

1.633

1.533

1.505

-1,25

-0,37

-0,81

Cơ cấu (%)

Thay đổi (%)

Tổng số

100

100

100

 

 

 

Nông nghiệp

91,0

90,3

86,0

-0,71

-4,32

-5,04

Lâm nghiệp

2,3

2,8

3,4

0,47

0,68

1,15

Thủy sản

6,7

6,9

10,6

0,24

3,64

3,88

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Điều tra lao động việc làm qua các năm

- Khi chia lao động theo những ngành nhỏ hơn, những tiểu ngành thu hút lao động nhiều nhất trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản năm 2021 là: trồng cây hàng năm (5,4 triệu lao động tương đương 38% tổng số lao động nông, lâm, thuỷ sản), trồng cây lâu năm (3,8 triệu lao động tương đương 27%), chăn nuôi (2,5 triệu lao động tương đương 18%), nuôi trồng thủy sản (856 nghìn lao động tương đương 6%), khai thác thủy sản (648 nghìn lao động tương đương 5%).

- Trong giai đoạn 2011-2021 chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra mạnh mẽ giữa các tiểu ngành trong nội bộ ngành nông, lâm, thuỷ sản, tỉ trọng lao động trong ngành trồng cây hàng năm giảm mạnh, trong khi tỉ trọng lao động trong các ngành trồng cây lâu năm, chăn nuôi, trồng và chăm sóc rừng, nuôi trồng và khai thác thủy sản tăng mạnh,

cụ thể: tỉ trọng lao động ngành trồng cây hàng năm giảm từ 65,6% năm 2011 xuống còn 38,0% năm 2021, ngành trồng cây lâu năm tăng từ 12,8% lên 26,8%, ngành chăn nuôi tăng từ 10,6% lên 17,8%, ngành nuôi trồng thủy sản tăng từ 3,3% lên 6,0%, ngành khai thác thủy sản tăng từ 3,4% lên 4,6%.

 

Lao động nông, lâm, thuỷ sản đa phần là người lớn tuổi và ngày càng già hóa

- Lao động nông, lâm, thuỷ sản hiện nay chủ yếu là lao động lớn tuổi, lao động từ 40 trở lên chiếm tới 65,2% năm 2021, từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 42,8%, so sánh với cơ cấu lao động chung của cả nước thì lao động nông, lâm, thuỷ sản có tỉ lệ người lớn tuổi nhiều hơn hẳn khi tỉ lệ lao động từ 40 tuổi trở lên của cả nước là 51,3%, từ 50 tuổi trở lên là 27,2%. Bên cạnh đó lao động nông, lâm, thuỷ sản có xu hướng già hóa khi lao động dưới 30 tuổi giảm nhanh cả về số lượng và tỉ trọng (lao động dưới 30 tuổi giảm gần 4,1 triệu người khiến cho tỉ trọng giảm từ 25,9% năm 2011 còn 15,8% năm 2021), trong khi số lượng và tỉ trọng lao động trên 60 tuổi tăng (số lượng tăng từ 2,61 triệu người năm 2011 lên 2,64 triệu người năm 2021, tỉ trọng tăng từ 10,7% lên 18,5%).

- Xu hướng lao động nông, lâm, thuỷ sản chủ yếu người lớn tuổi và già hóa được thấy rõ nhất ở các vùng công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh như Đồng bằng sông Hồng (tỉ lệ lao động nông, lâm, thuỷ sản dưới 30 tuổi chỉ chiếm 5,0% và tỉ lệ lao động từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 66,8%). Trong khi đó tại vùng sản xuất nông nghiệp lớn như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản vẫn giữ được lực lượng lao động chính trong sản xuất NLTS (tỉ lệ lao động từ 30-50 ở Tây Nguyên vẫn chiếm 46,0%, ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chiếm 44,7%).

Trình độ chuyên môn, vị thế lao động được cải thiện nhưng vẫn còn tỉ lệ lớn chưa có bằng cấp, lao động giản đơn

- Chất lượng của lao động nông, lâm, thuỷ sản thể hiện qua số lượng lao động có chứng chỉ chuyên môn đã được cải thiện trong giai đoạn 2011- 2021 nhưng nhìn chung còn thấp và tốc độ cải thiện chậm. Tỉ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật đã tăng từ 2,7% năm 2011 lên 4,1% năm 2021. Tuy vậy, đến năm 2021 vẫn còn 13,6 triệu lao động nông, lâm, thuỷ sản không có bằng/chứng chỉ chuyên môn từ sơ cấp trở lên (chiếm 95,9% tổng số lao động nông, lâm, thuỷ sản). Và lao động qua đào tạo trong nông, lâm, thuỷ sản có xu hướng chọn học các khóa ngắn hạn như sơ cấp hoặc học đại học hơn là tham gia các khóa đào tạo trung cấp, cao đẳng.

- Trong giai đoạn 2011-2021 xu hướng chuyển dịch từ lao động giản đơn sang lao động có kỹ năng đã diễn ra mạnh mẽ, có khoảng 17% lao động đã chuyển từ lao động giản đơn sang lao động có kỹ năng trong nông, lâm, thuỷ sản. Tuy vậy, lao động nông, lâm, thuỷ sản vẫn tập trung nhiều ở nhóm lao động giản đơn (năm 2021 là 8,1 triệu người tương đương 57,0%). Các vùng sản xuất nông nghiệp lớn như Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long lao động có kỹ năng trong nông, lâm, thuỷ sản chiếm tỉ lệ cao hơn lần lượt là 48,2% và 48,1% năm 2021 trong khi lao động giản đơn vẫn chiếm tỉ lệ rất lớn trong cơ cấu lao động nông, lâm, thuỷ sản tại các vùng khác như Đồng bằng sông Hồng (78,4%), Trung du miền núi phía Bắc (61,5%).

Lao động nông, lâm, thuỷ sản chủ yếu được sử dụng bởi hộ gia đình, lao động làm trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại chiếm tỉ lệ rất thấp

- Lao động nông, lâm, thuỷ sản được sử dụng bởi hộ gia đình ("Lao động tự làm" và "Lao động gia đình" bao gồm cả lao động trong các trang trại) là chính, chiếm khoảng 98% lao động nông, lâm, thuỷ sản. Đây là những nhóm lao động yếu thế, công việc không ổn định và hầu như không được hưởng một loại hình bảo hiểm xã hội nào.

- Lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số lao động nông, lâm, thuỷ sản, chỉ khoảng 1,5% lao động nông, lâm, thuỷ sản làm trong doanh nghiệp (tương đương 210 nghìn lao động), khoảng 0,5% lao động làm trong Hợp tác xã (tương đương 72,6 nghìn lao động), và có xu hướng giảm trong giai đoạn 2016-2020 so với 5 năm trước đó (lao động trong doanh nghiệp giảm khoảng 6,8%, trong Hợp tác xã giảm 16,6% so với giai đoạn trước).

- Xu hướng lao động nông, lâm, thuỷ sản dịch chuyển từ lao động tự làm và lao động gia đình sang lao động làm thuê diễn ra rất chậm, từ năm 2011 đến 2021 chỉ khoảng 4,3% lao động dịch chuyển theo xu hướng này, cho thấy việc mở rộng quy mô sản xuất, thuê mướn lao động, phát triển doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại chưa thực sự tốt.

Năng suất, thu nhập được cải thiện song còn tương đối thấp

- Lao động nông, lâm, thuỷ sản đã được cải thiện về năng suất lao động  nhưng vẫn còn rất thấp so với các ngành khác và so với các nước khác trong khu vực:

- Trong những năm qua, sản xuất lao động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản của Việt Nam được cải thiện đáng kể. Năm 2011, năng suất lao động nông, lâm, thuỷ sản là 23,5 triệu đồng đến năm 2016 là 35,1 triệu đồng và đến năm 2021 đạt 74,4 triệu đồng. Tuy vậy, năng suất lao động nông, lâm, thuỷ sản vẫn còn thấp, năm 2021 chỉ bằng 62,9% năng suất lao động chung cả xã hội (118,3 triệu đồng/người/năm), bằng 57,2% năng suất lao động của lao động trong ngành công nghiệp-xây dựng, bằng 52,9% lao động trong ngành dịch vụ.

- Thu nhập bình quân của lao động nông, lâm, thuỷ sản thấp nhất trong các nhóm ngành, năm 2021 đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng, bằng 62,0% thu nhập của chung của cả nước, chỉ bằng 56,2% thu nhập của lao động làm việc trong ngành công nghiệp, bằng 54,7% thu nhập lao động làm việc trong ngành xây dựng và chỉ bằng 47,3% thu nhập làm việc trong các ngành dịch vụ.

- So với các nước trong khu vực thì năng suất lao động của lao động nông nghiệp Việt Nam cũng thấp hơn nhiều. Trong khối các nước Đông Nam Á (ASEAN), năng suất lao động ngành nông, lâm, thuỷ sản của Malaysia cao gấp 9,7 lần mức năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam; Indonesia gấp 2,1 lần; Philippines gấp 2,0 lần và Thái Lan gấp 1,9 lần. Bên cạnh đó, tốc độ cải thiện năng suất lao động nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam cũng chậm hơn các nước khác.

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

Tri thức hóa nông dân, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp thông qua các nội dung:

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng quản lý, quản trị, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất.

- Đào tạo, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ thuật về bảo quản, chế biến, vận hành máy móc thiết bị, an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy trình quản lý chất lượng sản phẩm cho lao động làm việc cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản.

- Đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong sản xuất, sơ chế, bảo quản, xử lý phụ phẩm nông sản, đồng thời đào tạo, tập huấn các kiến thức về liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, về sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, vì tập thể, vì cộng đồng, tuân thủ các quy trình an toàn, chất lượng cao, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Thúc đẩy hoạt động đưa lao động nông nghiệp đi làm việc ở thị trường lao động quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi khi lao động quay trở về nước tham gia sản xuất nông nghiệp để góp phần hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

- Chính thức hóa các quan hệ lao động trong nông nghiệp giữa nông dân với các đơn vị sử dụng loa động (doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất) để hình thành thị trường lao động nông nghiệp đầy đủ, chuyên nghiệp.


Đa dạng các hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho lao động nông, lâm, thuỷ sản:

- Đào tạo chính quy, dài hạn: Đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đào tạo nhiên cứu sinh, học viên cao học; sinh viên đại học; cao đẳng, trung cấp và sơ cấp trong các trường trực thuộc Bộ đảm bảo cơ cấu ngành học như mục tiêu đặt ra.

- Đào tạo vừa học vừa làm, đào tạo nghề: Tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, phối hợp, lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề thông qua đổi mới hình thức tổ chức đào tạo, hỗ trợ đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã, phục vụ các chuỗi liên kết, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu mới của thị trường.

- Tập huấn, bồi dưỡng thông qua các khóa ngắn hạn:

+ Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn, các mô hình trình diễn, hội thảo đầu bờ, chuyến tham quan học hỏi kinh nghiệm.

+ Hình thành các diễn đàn, nhóm chia sẻ thông tin, tri thức giữa các nông dân và giữa nông dân với các cơ quan đào tạo, chuyển giao.

+ Xây dựng và cung cấp các thông tin về kỹ thuật sản xuất, tổ chức quản lý, hội chợ, xúc tiến thương mại, thông tin thị trường trên các nền tảng (trực tiếp, trực tuyến, số hóa…) để nông dân có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu và áp dụng trong sản xuất.

+ Phát triển hệ thống khuyến nông gần hơn với hệ thống đào tạo thông qua xây dựng khung chương trình đào tạo cấp chứng chỉ có tính đến tích hợp một số hoạt động tập huấn ngắn hạn, phát triển kỹ năng để việc học từ khuyến nông có thể được cấp chứng chỉ ở một số điểm khi đạt được các yêu cầu.

- Thúc đẩy, tạo điều kiện và khuyến khích việc “học tập suốt đời” của nông dân.

Thu hút lực lượng lao động trẻ, có trình độ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

- Thu hút cán bộ quản lý, lãnh đạo giỏi về làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao vào làm việc trong ngành nông nghiệp, đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, trình độ đến công tác ở nông thôn. Tạo cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích đổi mới sáng tạo.

- Tăng cường định hướng, giáo dục nông nghiệp cho học sinh phổ thông để thế hệ trẻ có thêm điều kiện hiểu, yêu thích nghề nông nghiệp từ đó thu hút thêm học sinh học nghề nông nghiệp và góp phần tạo nguồn tuyển sinh cho các ngành nông nghiệp ở bậc học cao hơn.

- Phát triển các hoạt động khởi nghiệp nông nghiệp cho lao động nông thôn, đặc biệt cho thanh niên nông thôn thông qua các chương trình khởi sự kinh doanh, quỹ khởi nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ nông dân trẻ vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật cũng như tiếp cận công nghệ, kết nối thị trường…

Thúc đẩy phát triển các đơn vị sử dụng lao động nông, lâm, thuỷ sản

- Thúc đẩy phát triển Doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất nông, lâm, thuỷ sản theo hướng quản lý, quản trị tiên tiến để thu hút thêm lao động nông, lâm, thuỷ sản, đồng thời thúc đẩy phát triển theo hướng chính thức hóa quan hệ lao động, đảm bảo vị thế, phúc lợi thế của lao động nông, lâm, thuỷ sản.

- Phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất làm tiền đề để tiến hành phát triển lực lượng sản xuất nông, lâm, thuỷ sản chuyên nghiệp, trong đó: Doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhật, liên kết với nông dân, dẫn dắt chuỗi giá trị và phát triển thị trường; Hợp tác xã, tổ hợp tác trở thành tác nhân kết nối các thành phần trong chuỗi giá trị, thúc đẩy, hướng dẫn các thành viên tham gia các hoạt động nâng cao năng lực, tri thức hóa đội ngũ thành viên, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất.

 

(Tạ Văn Tưởng, Bộ môn nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng/Ipsard).


Tin khác