Cơ sở khoa học về xây dựng Làng thông minh trong Chương trình Nông thôn mới ở Việt Nam

04/10/2023

Phát triển nông nghiệp và nông thôn ở trên thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức của thời đại do xu thế toàn cầu hóa sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu và cảnh báo các tác động tiêu cực đến đời sống người dân ở khu vực nông thôn nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn do đó đòi hỏi phải đáp ứng thông minh hơn, thân thiện với môi trường hơn. Trong những năm gần đây, khái niệm làng thông minh đã được nhiều quốc gia đề cập, xây dựng mô hình điểm và đưa vào khung chính sách phát triển bền vững nông thôn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như là một cơ hội và là xu hướng để xây dựng một cuộc sống tốt hơn cho khu vực nông thôn.

 

Bài báo này trình bày kết quả nghiên cứu tổng quan về cơ sở lý luận xây dựng chức năng các trụ cột của mô hình “Làng thông minh” trong mối quan hệ với phát triển nông thôn mới ở Việt Nam, để có cơ sở đề xuất đề xuất cơ chế chính sách phát triển Làng thông minh - Xã kết nối trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030 nói riêng và phát triển nông thôn thông minh, bền vững nói chung.

Kết quả tổng quan cho thấy, châu Âu định nghĩa làng thông minh là cộng đồng những người dân nông thôn chủ động tìm ra các giải pháp thiết thực đối với những thách thức họ phải đối mặt và quan trọng nắm bắt cơ hội mới làm thay đổi các vùng nông thôn (ENRD, 2018). Làng thông minh là tập hợp các nguồn lực địa phương và ứng dụng kỹ thuật công nghệ nhằm mang lại những lợi ích cho cộng đồng. Trong đó, thông minh (SMART) được hiểu là sự tổng hòa của các yếu tố xã hội (Social), hiện đại (Modern), nhận thức - thích ứng (Aware-adaptation), đáp ứng-sẵn sàng (Responsive-ready) và công nghệ-minh bạch (Technology-transparent). Làng thông minh là cộng đồng ở khu vực nông thôn sử dụng các giải pháp sáng tạo để nâng cao đời sống dựa trên các lợi thế và cơ hội của địa phương với cách tiếp cận có sự tham gia tổng hợp của các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt là các giải pháp do công nghệ kỹ thuật số; cộng đồng dân cư trong làng được hưởng lợi từ sự liên kết, hợp tác với các khu vực nông thôn và thành thị lân cận; nguồn lực thực hiện các kế hoạch hay sáng kiến của người dân trong làng được huy động tại làng hoặc các tổ chức/cá nhân bên ngoài (EC, 2019).  Vai trò chính của làng thông minh là cung cấp các hoạt động phục lợi xã hội, kinh tế và môi trường bền vững cho cộng đồng, đồng thời giúp người dân trong làng có trách nhiệm hơn trong quản trị địa phương, thúc đẩy quá trình sản xuất và xây dựng cộng đồng bền vững hơn. Phát triển các nguồn năng lượng sạch, tái tạo sẽ làm giảm bớt sự phụ thuộc của con người vào năng lượng hóa thạch, do vậy sẽ góp phần bảo vệ môi trường của toàn cầu, quản lý bền vững nguồn tài nguyên của công đồng (R. Somwanshi và cộng sự, 2016).  

Dưới góc độ nghiên cứu của các nhà chính sách, các tiêu chí được xác định làng thông minh gồm: (i) Năng lượng thông minh; (ii) Hệ thống kết nối thông minh; (iii) Sản xuất nông nghiệp thông minh; (iv) Giáo dục thông minh; (v) Sức khỏe thông minh; (vi) Môi trường thông minh; (vii) Cơ sở hạ tầng thông minh (P. P. Sahu, 2018). Dưới góc độ xây dựng và phát triển làng thông minh thông qua phân tích dữ liệu lớn. Mười ba tiêu chí chính của làng thông minh được đề xuất và tiến hành tham vấn ý kiến của người dân trong làng gồm: (C1) Cải thiện việc làm; (C2) Tập trung vào hoạt động sản xuất chính là nông nghiệp; (C3) An ninh lương thực; (C4) Bảo tồn nguồn nước; (C5) Bảo tồn nguồn đất; (C6) Loại bỏ ô nhiễm môi trường; (C7) Cơ sở giáo dục; (C8) Cơ sở hạ tầng giao thông; (C9) Đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ; (C10) Mạng wifi được áp dụng rộng rãi; (C11) Nguồn điện được đảm bảo; (C12) Hệ thống máy tính được trạng bị tại các cơ sở giáo dục; (C13) Mạng điện thoại di động. Để bắt kịp những công nghệ trong thời đại 4.0, Pontsho và cộng sự (2020) đã đưa ra bộ 10 tiêu chí với 49 chỉ số xác định làng thông minh, bao gồm: năng lượng (7 chỉ số); dịch vụ viễn thông (6 chỉ số); văn hóa (4 chỉ số); môi trường và sự an toàn (6 chỉ số); kinh tế (5 chỉ số); (vi) nhà ở (4 chỉ số); chăm sóc sức khỏe và giải trí (8 chỉ số); giáo dục (6 chỉ số); tài chính (5 chỉ số); mạng lưới giao thông (7 chỉ số).

Trên cơ sở tổng quan về khung pháp lý, thể chế, chính sách làng thông minh, có thể rút ra kết luận rằng, để đảm bảo phát triển làng thông minh (chính quyền thông minh, kinh tế thông minh, xây dựng thương hiệu thông minh, lối sống thông minh, xã hội thông minh và môi trường thông minh) cần phải có sự kết hợp giữa kiến thức truyền thống của người dân, cộng đồng trong làng cùng với công nghệ phù hợp để thúc đẩy nâng cao hiệu quả can thiệp chính sách hướng đến mục tiêu đảm bảo đời sống dân sinh, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo an ninh an toàn và môi trường cảnh quan nông thôn.

Thực tiễn thí điểm mô hình làng thông minh của một số địa phương trong nước cho thấy, mô hình làng thông minh ở Bình Dương có nhiều tiêu chí gắn với làng thông minh nhất. Tuy nhiên, nếu chiếu theo các tiêu chí làng thông minh của EU, Ấn Độ, Trung Quốc hay Indonexia thì các mô hình thí điểm mới giải quyết được một phần của tiêu chí làng thông minh. Do vậy, cần phải có những thử nghiệm mô hình có tính bao trùm hơn để làm căn cứ xây dựng chính sách nhân rộng trên cả nước.

Để thúc đẩy làng thông minh toàn diện phải đảm bảo các trụ cột phát triển làng, gồm: chính quyền thông minh, hạ tầng thông minh, thực thi pháp luật thông minh, con người thông minh, kinh tế thông minh, công nghệ phù hợp, xây dựng thương hiệu thông minh, lối sống thông minh, xã hội thông minh và môi trường thông minh. Cần có một bộ tiêu chí cứng và tiêu chí mềm (tùy thuộc vào điều kiện của làng) dựa trên các trụ cột làng thông minh để hướng dẫn xây dựng thí điểm trên diện rộng mô hình làng thông minh trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Việc áp dụng mô hình làng thông minh sẽ thúc đẩy quá trình thực hiện các mục tiêu của Đảng, Nhà nước trong phát triển nông thôn, giúp áp dụng hài hòa giữa công nghệ hiện đại và kiến thức địa phương cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Làng thông minh không thể tách rời khung cơ chế, chính sách cho phát triển nông thôn mới và định hướng phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh và khu vực nông thôn đáng sống.

Lê Trọng Hải, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn.

Trích lược từ Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số 429 năm 2022 (trang 102 đến112).

 


Tin khác