Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam trong đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn

04/10/2023

Ngành nông, lâm, thủy sản là bệ đỡ cho nền kinh tế của Việt Nam, đóng góp 12,6% vào GDP cả nước (2021) và tạo việc làm cho 14,3 triệu lao động, chiếm khoảng 29,1% tổng lao động cả nước (2021). Tuy nhiên, chất lượng lao động nông nghiệp nông thôn vẫn còn thấp, tỷ lệ lao động ngành nông, lâm, thủy sản đã qua đào tạo đạt 4,1% (2021). Năng suất lao động ngành nông, lâm, thủy sản là 74,4 triệu đồng/ lao động (2021), chỉ bằng 62,9% năng suất lao động chung toàn xã hội (118,3 triệu đồng/ lao động). Theo đó, để đáp ứng chất lượng lao động phục vụ nhu cầu phát triển ngành nông, lâm, thủy sản và phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đào tạo nghề và tri thức hóa cho người nông dân là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam cũng như nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn. Dưới đây là kinh nghiệm của một số nước trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn.

 

1. Kinh nghiệm quốc tế trong đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn

a) Trung Quốc

Trong công tác đào tạo nguồn lao động cho ngành nông, lâm, thủy sản, Trung Quốc đã kiên trì thực hiện chính sách tăng cường giáo dục cơ bản cho lao động thông qua mở rộng quy mô giáo dục đào tạo các ngành nông nghiệp tại các trường trung học, cao đẳng; tăng cường giáo dục nghề nghiệp, ngành nghề đối với lao động nông nghiệp phổ thông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã thực hiện hàng loạt các chính sách hướng tới cải thiện trình độ cho lao động nông thôn như “Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật cho thanh niên nông thôn”, “Đề án phát triển đội ngũ nông dân tri thức tại các huyện, xã, thôn” và “Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng khoa học kỹ thuật cho nông dân thời kỳ mới trong giai đoạn 2010-2020”. Trung Quốc cũng tích cực nâng cao chất lượng đào tạo lao động nông nghiệp nông thôn tại các vùng dân tộc thiểu số, các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn với nội dung đào tạo tập trung vào ngành nghề nông nghiệp ở các cấp bậc khác nhau.

Trung Quốc đã xây dựng hệ thống thông tin nhằm hỗ trợ nông dân tiếp cận với thông tin thị trường, thông tin về khoa học kỹ thuật, dịch bệnh hại để kịp thời có những giải pháp phù hợp trong quá trình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Trung Quốc đã coi truyền hình như kênh đào tạo chuyên nghiệp về khoa học kỹ thuật nông nghiệp, chuyển đổi nghề và phổ biến kiến thức về thị trường, chính sách cho người nông dân. Nông dân tham gia học từ xa qua các kênh truyền hình được cấp bằng trung cấp hoặc cao đẳng nông nghiệp khi đạt qua các kỳ thi. Hệ thống phát thanh truyền hình đào tạo được xây dựng từ trung ương đến địa phương. Ngành nông nghiệp chịu trách nhiệm xây dựng nội dung chương trình, các đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương thực hiện phát sóng chương trình nông nghiệp nông thôn miễn phí. Ngoài ra, cấp tỉnh và cấp huyện đều có trường trung học phổ thông nông nghiệp và trung tâm đào tạo nông dân. Tại cấp xã, cụm xã, có đài phát thanh, các phòng thu vệ tinh, phòng tài liệu sách báo về khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nông dân có thể đọc tại chỗ hoặc mượn sách mang về mà không phải mất phí. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng thiết lập đường dây nóng để chuyên gia nông nghiệp có thể tư vấn miễn phí cho nông dân trong trường hợp khẩn cấp.  

b) Thái Lan

Biến đổi khí hậu, sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng nông sản và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã ảnh hưởng đến sản xuất của người nông dân. Để giải quyết những thách thức này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Lan đã thực hiện “Chương trình đào tạo nông dân thông minh” nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động sản xuất của người nông dân. Nông dân thông minh là người nông dân có khả năng tổng hợp thông tin để đưa ra các quyết định về sản xuất và kinh doanh nhằm đảm bảo lợi nhuận, đồng thời, có trách nhiệm với xã hội, quan tâm đến sự an toàn của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên có hiệu quả. Nông dân thông minh được đào tạo dựa trên cả lý thuyết và thực hành về các kiến thức về quản lý nguồn nước, hệ thống canh tác nông nghiệp, sản xuất hữu cơ, các kiến thức về thị trường nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm nông nghiệp và kỹ thuật về đóng gói, bảo quản, sơ chế và chế biến nông sản. Đặc biệt, nông dân tham gia Chương trình còn có cơ hội trở thành cán bộ khuyến nông cơ sở. Tổ chức khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nông dân. Ngoài ra, Thái Lan đã thực hiện “Chương trình Sáng kiến nông nghiệp thông minh Thái Lan”, là mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ bền vững, mang tính chuyển đổi cho nông dân Thái Lan sang mô hình canh tác sáng tạo hơn nhờ việc kiểm soát được các rủi ro trong quá trình canh tác và cải thiện phúc lợi cho người nông dân. Chương trình cũng đã chú trọng nâng cao các kiến thức về ứng phó với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp. Chương trình giúp nông dân đạt hiệu quả hơn về chi phí; thích ứng với biến đổi khí hậu và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả; áp dụng các giải pháp linh hoạt gồm cả công nghệ cao và công nghệ thấp; kết hợp giữa kiến thức tiên tiến và kinh nghiệm thực tiễn.

Ngoài ra, nhằm khắc phục tình trạng lao động trong ngành nông nghiệp có xu hướng giảm và bị già hóa, Thái Lan đã xây dựng các chương trình nâng cao năng lực cho những nông dân trẻ, ví dụ như Chương trình nông dân trẻ thông minh. Các chương trình này tập trung phát triển các kỹ năng kinh doanh, áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông sáng tạo cho các nông dân trẻ; tạo điều kiện phát triển mạng lưới hợp tác phi chính thức và chính thức trong cộng đồng nông dân trẻ và các bên liên quan; và hài hòa giữa mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp và nhu cầu của nông dân trẻ. Chương trình được xây dựng dựa trên nguyên tắc nông dân là trung tâm của phát triển (tiếp cận từ dưới lên), dựa trên quá trình chia sẻ kiến thức, xây dựng mạng lưới giữa những người nông dân. Các hoạt động chính của Chương trình gồm (i) Đào tạo, làm việc tại các cửa hàng, tham dự hội thảo và tham quan các mô hình theo nhu cầu; (ii) Tạo mạng lưới nông dân trẻ thông minh cấp tỉnh, khu vực và quốc gia nhằm chia sẻ kiến thức giữa những người tham gia; và (iii) Thiết lập và hỗ trợ các dịch vụ của trung tâm học tập phát triển nông dân trẻ.

c) Nhật Bản

Nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp khu vực nông thôn và nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp nông thôn, Nhật Bản đã có những chính sách ưu tiên đào tạo đội ngũ lao động trẻ khu vực nông thôn và đẩy mạnh đào tạo hợp tác xã. Trong khuôn khổ của Chương trình mỗi làng một sản phẩm, Nhật Bản đã khuyến khích các lao động trẻ khu vực nông thôn tham gia các chương trình vừa học vừa làm tại nước ngoài như Israel, Đức với các ngành nghề đào tạo chủ yếu là kinh doanh nông nghiệp, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch nông thôn, canh tác nông nghiệp hữu cơ, sản xuất rượu. Đặc biệt, chú trọng đến đào tạo các kiến thức và kỹ năng về tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và đàm phán thực hiện hợp đồng thương mại. Trong khi đó, hoạt động đào tạo tại các Hợp tác xã nông nghiệp cũng được đẩy mạnh, Hợp tác xã thành lập các tổ tư vấn về nông nghiệp để hướng dẫn, phổ biến kiến thức và kỹ thuật, và đặc biệt là kinh doanh nông nghiệp cho nông dân. Các tổ tư vấn gắn chặt với các cơ quan chuyên môn, các trạm khuyến nông, chăn nuôi thú y và các nhóm nghiên cứu khoa học để liên tục cập nhật các kỹ thuật tiên tiến. Theo Luật Hợp tác xã nông nghiệp, Hợp tác xã phải trích 5% tổng lợi nhuận hàng năm cho công tác đào tạo nghề cho xã viên và cán bộ của Hợp tác xã nhằm nâng cao kiến thức và tay nghề, đạt hiệu suất làm việc cao hơn.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã tập trung đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Theo đó, để tăng cường việc áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa…có hiệu quả, các viện nghiên cứu đã liên kết với các trường đại học, các hệ thống khuyến nông, các tổ chức nông dân để giúp nông dân tiếp cận công nghệ, trang thiết bị tiên tiến và được trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất và đảm bảo tăng trưởng nông nghiệp ổn định. Hiện nay, các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), công nghệ thông tin và truyền thông và Drone đã được đưa vào sử dụng trong thực tiễn.

d) Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc luôn giữ vai trò chính trong đầu tư, xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống các trường và chương trình đào tạo nghề theo đúng yêu cầu của nền kinh tế để chuyển lực lượng lao động từ không có kỹ năng hoặc kỹ năng thấp sang lực lượng lao động có kỹ năng cao. Cụ thể, Hàn Quốc đã chủ động đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cho quốc gia gồm cả những nghề mới và các nghề cơ bản nhằm giúp người lao động có trình độ chuyên môn về lý thuyết và có tay nghề thực tiễn. Trong Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2018-2022, Bộ Nông nghiệp, Lương thực và Nông thôn Hàn Quốc chủ trương tập trung phát triển ngành nghề liên quan đến nông nghiệp thông minh, ngành chế biến thực phẩm và nhà hàng để tạo cơ hội cho các thanh niên trẻ khu vực nông thôn tham gia vào ngành nông nghiệp.

Thật vậy, Hàn Quốc đã triển khai chính sách tín dụng hỗ trợ cho lực lượng lao động nông nghiệp trẻ để họ học nghề mới, đặc biệt là lao động mới bước vào nghề. Chương trình này được triển khai sâu rộng ở các khu vực nông thôn, là cầu nối giữa các chuyên gia và các nhà nông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp, sau đó bổ nhiệm những người này vào các vị trí tư vấn và giám hộ cho các đối tượng lao động trẻ còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động liên quan tới nông nghiệp. Chính phủ Hàn Quốc đứng ra chi trả các khoản chi phí về tư vấn, đào tạo và giám hộ cho những người thực hiện hoạt động này. Hàn Quốc cũng chủ động định hướng cho các trường trung học bổ sung ngay vào chương trình giảng dạy một số môn học nghề mà nền kinh tế đang cần với số học sinh trung học tham gia tới khoảng 40-50% tổng số đang theo học. Từ đó, tạo ra lực lượng lao động trẻ có hiểu biết và có kỹ năng làm việc ở mức tối thiểu ở các ngành nghề đang phát triển mở rộng, đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế và toàn dụng được số học sinh trung học sau tốt nghiệp.

e) Myanmar

Phần lớn nông dân tại vùng nông thôn Myanmar không được đào tạo chính quy, cũng như không được tham gia đào tạo nghề về thực hành sản xuất nông nghiệp và quản lý trang trại. Trước những khó khăn trong đào tạo, tiếp cận các kiến thức ngành nông nghiệp, Myanmar đã có những chính sách hỗ trợ lao động trẻ có nhu cầu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp hay trở thành nông dân chuyên nghiệp có cơ hội đăng ký học tại một trong các viện nông nghiệp nhà nước hoặc tại Đại học nông nghiệp Yezin . Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm cũng được Chính phủ Myanmar lồng ghép vào các Kế hoạch phát triển quốc gia như Kế hoạch Phát triển bền vững của Myanmar (2018-2030), Kế hoạch chiến lược giáo dục quốc gia Myanmar (2016-2021), thể hiện được tầm quan trọng trong việc đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp Myanmar. Đặc biệt, các kế hoạch này đều nhấn mạnh vào sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực tư nhân (các doanh nghiệp), cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động.

2. Bài học cho Việt Nam trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế trong đào tạo nghề cho lao động nghiệp nông thôn, một số bài học kinh nghiệm được rút ra cho Việt Nam như sau:

- Thực hiện lồng ghép các chương trình, đề án nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp nông thôn trong các kế hoạch, chiến lược phát triển nguồn nhân lực nói chung và ngành nông lâm thủy sản nói riêng; và các kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững.

- Thí điểm đào tạo nông dân chuyên nghiệp nhằm giúp người nông dân có khả năng xây dựng kế hoạch sản xuất – kinh doanh và quản trị rủi ro trong quá trình đầu tư vào nông nghiệp.

- Khuyến khích đội ngũ lao động trẻ khu vực nông thôn tham gia vào đào tạo các ngành nghề nông nghiệp để trở thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp trong tương lai, bao gồm: (i) Hỗ trợ học phí, chi phí đi lại, ăn ở cho học viên tham gia đào tạo; (ii) Hỗ trợ tín dụng, tài chính để tạo việc làm bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp sau khi hoàn thành khóa học; (iii) Tạo điều kiện tham gia các dự án, chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, khởi nghiệp nông nghiệp; (iv) Tạo điều kiện cho lao động trẻ đi học và làm việc tại các nước có nền nông nghiệp phát triển.

- Các ngành nghề chủ lực đào tạo cho lao động nông nghiệp nông thôn trong thời đại 4.0 gồm có: nông nghiệp thông minh (ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và thương mại sản phẩm nông nghiệp), nông nghiệp hữu cơ, ngành chế biến nông lâm thủy sản/chế biến thực phẩm, kinh doanh nông nghiệp (marketing, đàm phán hợp đồng, phân tích thị trường, quảng bá thị trường, hoạch toán chi phí – lợi nhuận…), cơ giới hóa nông nghiệp, du lịch sinh thái nông nghiệp và du lịch nông thôn.

- Các hình thức đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn gồm cả lý thuyết và thực hành. Tùy điều kiện của từng địa phương, có thể áp dụng các đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa. Sử dụng truyền thông đại chúng từ trung ương xuống địa phương trong công tác phổ biến kiến thức nông nghiệp đến người nông dân. Xây dựng các thư viện nông nghiệp tại trụ sở Uỷ ban nhân dân xã hoặc nhà văn hóa để cung cấp các tài liệu đến người nông dân. Xây dựng đường dây nóng nhằm hỗ trợ tư vấn cho nông dân.

- Thúc đẩy đối tác công – tư trong đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp nông thôn với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các chương trình, đề án đào tạo lao động nông nghiệp nông thôn, khu vực tư nhân (doanh nghiệp sử dụng lao động) với cơ sở giáo dục đào tạo nghề nghiệp và người lao động.

- Ưu tiên đào tạo cán bộ, lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp. Hợp tác xã nông nghiệp là cầu nối giữa cơ quan nhà nước và người nông dân, là đơn vị chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người nông dân. Khuyến khích hợp tác xã nông nghiệp trích ngân sách đào tạo cán bộ, thành viên hợp tác xã hàng năm.

- Tổ chức khuyến nông đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho lao động nông nghiệp, nông thôn. Có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng giảng dạy cho cán bộ khuyến nông cơ sở.  

- Thực hiện hỗ trợ tài chính, tín dụng cho người lao động nhằm tạo việc làm bền vững sau khi hoàn thành khóa học.

Nguyễn Thị Thu Hà, Bộ môn Nghiên cứu Thị trường Ngành hàng/Ipsard


Tin khác