Thực hiện bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới

07/11/2023

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu: “Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Trong bối cảnh đó, các dữ liệu cơ bản về bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm rõ thực trạng bình đẳng giới và những tiến bộ của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực. Các dữ liệu này sẽ làm căn cứ cho việc tổng kết thực hiện chính sách giai đoạn hiện nay và khuyến nghị, đề xuất xây dựng các chính sách về bình đẳng giới nói chung.

Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và đã đạt được những kết quả quan trọng. Vấn đề bình đẳng giới được đưa vào nhiều văn bản chính sách, pháp luật và lồng ghép vào các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Đây là một chương trình hành động lớn nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có tác động đến mọi mặt của phát triển nông thôn bền vững. Sau 10 năm triển khai, chương trình đã trở thành một phong trào sâu rộng với sự tham gia mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đạt được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội đất nước, qua đó không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, các biện pháp cụ thể về thúc đẩy bình đẳng giới đã được đẩy mạnh như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới; thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế ở nông thôn; việc phân bổ ngân sách thực hiện bình đẳng giới đã bước đầu được quan tâm... Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2020, cả nước đã có 85,5% số xã được công nhận đạt chỉ tiêu bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới, đảm bảo một số nội dung về: tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo ở địa phương, phụ nữ thuộc hộ nghèo và vùng dân tộc thiểu số tiếp cận với tín dụng ưu đãi; không có tảo hôn và cưỡng ép kết hôn; có chương trình phát thanh về bình đẳng giới; có mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh…

Vấn đề bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm nhiều hơn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 khi nội dung bình đẳng giới đã được đưa vào mục tiêu tổng quát và một số nội dung thành phần của chương trình. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hướng dẫn thực hiện nội dung “Tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường chăm sóc, bảo vệ trẻ em và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong các lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội”.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu tổng quát và các nội dung thành phần này, vấn đề lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cần được quan tâm hơn, cụ thể hơn ở các văn bản hướng dẫn, triển khai, tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình bởi trên thực tế nội dung của nhiều tiêu chí chưa được đề cập hoặc đề cập chưa đầy đủ đến vấn đề bình đẳng giới.

Vấn đề này đã được phân tích trong báo cáo “Đánh giá độc lập về giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2020)” do Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện năm 2019-2020. Báo cáo đã chỉ ra rằng, một trong những hạn chế trong triển khai xây dựng nông thôn mới là chưa có hệ thống giám sát về bình đẳng giới, chưa có cơ chế giám sát kết quả thực hiện lồng ghép giới trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới. Công tác giám sát bình đẳng giới trong thực hiện chương trình của các cấp, các ngành chưa thực sự được quan tâm, việc gắn kết trách nhiệm của các cấp, các ngành với kết quả thực hiện bình đẳng giới trong nông thôn mới chưa được coi trọng. Việc thiếu dữ liệu về giới và phân tích giới là một hạn chế đối với công tác hoạch định chính sách, theo dõi thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thực tế cũng cho thấy cho đến nay chưa có bộ chỉ số nào được công bố áp dụng để giám sát về việc thực hiện bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam.

Mặt khác, là một quốc gia đang phát triển với đa phần dân số và lao động còn chủ yếu tập trung sinh sống ở khu vực nông thôn, có thể nói nông thôn Việt Nam là khu vực trọng yếu để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, trong đó có mục tiêu “Đạt được bình đẳng về giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái”. Để góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu này, công tác giám sát về bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cần được đặc biệt coi trọng. Theo người viết, để thực sự thực hiện có hiệu quả, chiều sâu và thực chất về bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới, cần chú trọng một số quan điểm nền tảng sau:

- Thứ nhất, bình đẳng giới cần được tiếp cận một cách xuyên suốt và toàn diện trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo yếu tố giới được tính đến trong tất cả các nội dung của Chương trình và trong các tiêu chí nông thôn mới (thay vì chỉ khu trú trong một chỉ tiêu chuyên đề). Đây là cơ sở để đảm bảo cơ hội phát triển công bằng cho nam và nữ được tiếp cận với các cơ hội, nguồn lực và không bị bỏ lại phía sau trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép giới vào Chương trình là trách nhiệm chung của cơ quan chủ trì Chương trình, của các bộ, ngành, địa phương tham gia xây dựng, thực hiện và quản lý Chương trình.

- Thứ hai, lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, không tách rời việc thực hiện các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hiệp quốc. Lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó có 169 mục tiêu cụ thể cần đạt được mà gần 10% trong số đó là 16 mục tiêu về bình đẳng giới (gồm cả định lượng và định tính) thuộc mục tiêu số số 5 về đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái và các mục tiêu khác có liên qua.

- Thứ ba, cần tăng cường thúc đẩy bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, dần thu hẹp khoảng cách giới trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là việc làm cần thiết nhằm thực hiện các chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam, nhất là khi thúc đẩy bình đẳng giới đã được đưa vào mục tiêu tổng quát và nhiệm vụ cụ thể của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

- Thứ tư, thúc đẩy bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới là trách nhiệm của toàn xã hội, của tất cả các bộ/ngành và chính quyền các cấp; cần lồng ghép giới vào tất cả các lĩnh vực, các tiêu chí nông thôn mới, nhất là những lĩnh vực có khoảng cách giới lớn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới có vai trò quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

- Thứ năm, cần nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và nhiệm vụ được phân công trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng vai trò giám sát và phản biện xã hội về bình đẳng giới trong nông thôn mới theo Quyết định số  217/QĐ-TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và Kế hoạch giám sát của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Nội dung giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lựa chọn thực hiện trong cả hệ thống Hội và đã được đăng ký vào Kế hoạch giám sát, phản biện xã hội chung của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội).

- Thứ sáu, việc xây dựng bộ công cụ và cơ chế giám sát thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là hết sức cần thiết và cấp thiết. Đây chính là công cụ để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ về giám sát, phản biện xã hội đối với các vấn đề về bình đẳng giới trong nông thôn mới, đồng thời giúp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, lồng ghép vào nội dung, tiêu chí, công cụ giám sát việc thực hiện các nội dung, tiêu chí nông thôn mới có “nhạy cảm giới”. Mặt khác, đây cũng là căn cứ để Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương xem xét, bổ sung áp dụng trong quá tình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Thứ bảy, quy định về cơ chế giám sát - đánh giá trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 xác định rõ trách nhiệm của Chủ dự án thành phần trong xây dựng chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá dự án thành phần và phối hợp với chủ chương trình thống nhất các chỉ số chung cho chương trình mục tiêu quốc gia. Ở đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong thực hiện nội dung thành phần về bình đẳng giới trong xây dựng nông thôn mới, cần xây dựng chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá vấn đề này.

(Nguyễn Ngọc Luân, Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp/Ipsard)


Tin khác