Nghiên cứu phân tích đặc tính kinh tế lĩnh vực lâm nghiệp nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng các chính sách phát triển kinh tế bền vững, giảm áp lực lên đa dạng sinh học tại Việt Nam

07/11/2023

Nghiên cứu này đã sử dụng phương pháp tiếp cận kế thừa (dựa trên kết quả nghiên cứu của Sáng kiến Thúc đẩy Cam kết Đa dạng sinh học - BIODEV2030.1) và phương pháp phân tích dựa trên chuỗi cung ứng để xác định và đánh giá các nhân tố trực tiếp hoặc gián tiếp tác động lên đa dạng sinh học, các nhân tố tạo ra hoặc giảm thiểu tác động lên đa dạng sinh học và vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan/chủ thể đối với suy giảm đa dạng sinh học dọc theo các chuỗi cung ứng chủ lực trong lâm nghiệp; qua đó, cung cấp cơ sở cho các cuộc đối thoại và xây dựng các chính sách quản lý và phát triển các chuỗi cung ứng bền vững góp phần ngăn ngừa suy thoái/giảm áp lực lên đa dạng sinh học trong  lĩnh vực lâm nghiệp của Việt Nam.

Tính đến năm 2021, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc là 42,01%. Đất có rừng tập trung chủ yếu ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (40,5%), Bắc Trung Bộ (21,3%), Tây Nguyên (17,5%) và duyên hải miền Trung (16,6%). Rừng và đất rừng của Việt Nam được quản lý bởi 9 nhóm chủ thể: (i) Ban Quản lý rừng đặc dụng; rừng phòng hộ; (ii) Tổ chức kinh tế; (iv) Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; (v) Các tổ chức khoa học, công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp về lâm nghiệp; (vi) Hộ gia đình, cá nhân trong nước; (vii) Cộng đồng dân cư; (viii) Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và (ix) Ủy ban nhân dân xã. Xét theo diện tích được giao quản lý, nhóm cá nhân, hộ gia đình hiện đang là các chủ rừng lớn nhất (với 23,3% tổng diện tích rừng và đất của của cả nước), cũng đồng thời là nhóm chủ rừng trồng lớn nhất với diện tích quản lý là 1,87 triệu ha (chiếm tới 42,6% diện tích rừng trồng cả nước), trong khi đó nhóm Ban Quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng là những chủ rừng tự nhiên lớn nhất với diện tích quản lý là 4,5 triệu ha (chiếm 44,6% diện tích rừng tự nhiên của cả nước) .

Ngành lâm nghiệp có 2 chuỗi cung ứng chính là chuỗi cung ứng gỗ (rừng trồng) và các sản phẩm từ gỗ và chuỗi cung ứng dịch vụ môi trường rừng (rừng tự nhiên). Chuỗi cung ứng gỗ và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng bao gồm 4 thành phần: trồng rừng, khai thác gỗ, chế biến gỗ và tiêu thụ/kinh doanh gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Các tác động đến đa dạng sinh học phát sinh từ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khai thác, làm đường vận chuyển, sử dụng nhiên liệu và chất thải (từ các thiết bị cơ giới, phế phẩm); và nhu cầu, yêu cầu về các sản phẩm từ gỗ v.v. Trong chuỗi cung ứng gỗ, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu/chế biến gỗ quy mô lớn có vai trò dẫn dắt, điều chỉnh các thực hành trong chuỗi theo nhu cầu của thị trường, trong đó có các yêu cầu về các chuẩn bền vững; các doanh nghiệp trồng rừng quy mô lớn của nhà nước có vai trò quan trọng trong việc tạo ra thay đổi trong chuyển đổi trồng rừng chu kỳ ngắn/gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn/chu kỳ dài. Chuỗi cung ứng dịch vụ môi trường rừng bao gồm 3 thành phần: quản lý và bảo vệ rừng, phục hồi rừng và phát triển rừng và cải thiện sinh kế. Các thực hành trong chuỗi tạo ra ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học vì liên quan đến rừng tự nhiên – vốn có mức độ đa dạng sinh học cao hơn hẳn so với rừng trồng. Trong chuỗi cung ứng dịch vụ môi trường rừng, các Ban Quản lý rừng phòng hộ và rừng đặc dụng có vai trò quan  trọng nhất trong việc tạo ra các thay đổi giúp tăng cường đa dạng sinh học /giảm áp lực lên đa dạng sinh học.

Kết quả phân tích mối quan hệ giữa đa dạng sinh học với một số yếu tố phát triển trong chuỗi cung ứng gỗ (rừng trồng) cho thấy: đa dạng sinh học có mối quan hệ tỷ lệ thuận với giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, giá trị xuất khẩu đồ nội-ngoại thất từ gỗ và thu nhập trung bình của người lao động trong ngành lâm nghiệp. Ngược lại, đa dạng sinh học có quan hệ tỷ lệ nghịch với Tổng sản phẩm quốc nội và năng suất rừng trồng. Trong chuỗi cung ứng dịch vụ môi trường rừng: đa dạng sinh học có mối quan hệ tỷ lệ thuận với giá trị xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ và diện tích rừng được quản lý bởi cộng đồng; đồng thời, có quan hệ tỷ lệ nghịch với thu nhập của người lao động làm trong các công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp (lực lượng lao động chính thức).

Kết quả phân tích đã đưa ra một số gợi ý cho việc cải thiện đa dạng sinh học trong ngành lâm nghiệp trong thời gian tới: duy trì ổn định cơ cấu các loại rừng và hạn chế tối đa việc chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng trồng; tăng cường quản lý rừng bền vững đi đôi với làm giàu rừng/nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; và mở rộng diện tích tích rừng trồng gỗ lớn/có chứng chỉ/chu kỳ dài. Trong chuỗi cung ứng gỗ (rừng trồng), để cải thiện đa dạng sinh học cần thúc đẩy tích tụ đất đai để mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn/chu kỳ dài, có chứng chỉ, qua đó, thúc đẩy các hoạt động chế biến sâu, nâng cao giá trị cho các thành phần của chuỗi; phát triển các chương trình lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Với chuỗi cung ứng dịch vụ môi trường rừng (rừng tự nhiên): thúc đẩy các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ và các mô hình sinh kế (du lịch sinh thái, hấp thụ các bon rừng v.v) nhằm nâng cao thu nhập cho những người làm nghề rừng; đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng cho cộng đồng dân cư/tập thể để tăng cường hiệu quả giám sát, bảo vệ tài nguyên rừng; thúc đẩy Chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Một số can thiệp bền vững gồm: quản lý rừng bền vững, chuyển đổi rừng trồng chu kỳ ngắn sang chu kỳ dài, mở rộng diện tích rừng trồng có chứng chỉ, Chứng nhận Chuỗi hành trình sản phẩm, liên kết chuỗi, thúc đẩy cam kết trách nhiệm xã hội của khối doanh nghiệp, nghiên cứu mở rộng chi trả dịch vụ môi trường rừng  v.v.

Các kết quả phân tích về kịch bản phát triển của ngành lâm nghiệp cho thấy: Ngành lâm nghiệp sẽ đạt được mục tiêu kép “vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, vừa góp phần làm giảm áp lực lên đa dạng sinh học” nếu các can thiệp bền vững cùng lúc được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả. Đáng lưu ý là các biện pháp can thiệp bền vững này chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: cơ chế-chính sách, cấu trúc quản lý và  quy hoạch 3 loại rừng, vai trò dẫn dắt của các chủ thể đứng đầu các chuỗi. Việc triển khai đồng bộ các biện pháp can thiệp nhằm cải thiện đa dạng sinh học trong ngành lâm nghiệp cần có sự vào cuộc và cam kết tham gia của nhiều bên liên quan.

Trần Đại Nghĩa, Lê Trọng Hải, Nguyễn Thu Hằng và Nguyễn Thị Nhạn-IPSARD, Trích lược từ nghiên cứu được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) xuất bản  2022


Tin khác