Tham vấn kỹ thuật về nghiên cứu chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam từ khi Đổi mới

16/04/2024

Trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ: “Tổng kết Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam từ khi đổi mới” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với các chuyên gia của đại học Sydney (Úc) tổ chức tham vấn về “Tổng kết chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam từ khi Đổi mới”.

 

Với mục đích tham vấn ý kiến chuyên gia về nội dung tổng kết chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn kể từ khi Đổi mới và khung đánh giá chính sách, cuộc họp tham vấn kỹ thuật này có sự góp mặt của các chuyên gia giàu kinh nghiệm và gắn bó lâu năm với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn như GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Lung, PGS.TS. Phạm Văn Hùng, PGS.TS. Chu Tiến Quang, TS. Phạm Chi Lan, TS. Nguyễn Văn Tiến, TS. Nguyễn Thanh Sơn, TS. Phạm Anh Tuấn

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã trình bày bài đề dẫn giới thiệu về đề cương triển khai nhiệm vụ nghiên cứu tổng kết chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn từ khi đổi mới đến nay. Bài đề cương tổng quan về nhiệm vụ nghiên cứu cũng như giới thiệu một số phương pháp tiếp cận và phân tích mà nhóm nghiên cứu dự kiến thực hiện.

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Tiếp đó, GS-TS. Tiho Ancev đại diện của Đại học Sydney tham vấn các đại biểu về cách tiếp cận và các chỉ tiêu được dùng để phân tích chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Trong phần thảo luận kỹ thuật, TS. Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội gia cầm Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đưa ra quan điểm cần phải tiếp cận theo phạm vi ảnh hưởng của những chính sách chính và đối tượng thụ hưởng thay vì phân tích toàn bộ các văn bản chính sách theo các giai đoạn. Lý do là chỉ tính riêng giai đoạn 2000 đến nay đã có khoảng hơn 600 văn bản chính sách liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn được ban hành, nên chúng ta cần chọn lọc các chính sách có tầm ảnh hưởng lớn nhất để đánh giá.

A group of people sitting at a tableDescription automatically generated

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

PGS.TS. Chu Tiến Quang cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng nên phân tích tác động chính sách theo nhiều mặt như các chính sách tác động trực tiếp hay gián tiếp, các chính sách tạo động lực phát triển và quản lý rủi ro… Cùng với đó, TS. Phạm Chi Lan đưa ra vấn đề cần cân nhắc về hiệu quả của chính sách dựa nguồn lực thực hiện chính sách (tài chính và con người) và đặc biệt nhấn mạnh đến đối tượng nông dân là người thụ hưởng chính của các chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn.

A group of people sitting at a tableDescription automatically generated

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Nhìn chung, các chuyên gia đều đánh giá rằng nghiên cứu này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam sắp tiến tới cột mốc 40 năm kể từ khi đổi mới. Nghiên cứu sẽ là một tài liệu quan trọng để phục vụ cho quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV../.

Nguyễn Chí Trung, Ban Chính sách và Chiến lược, IPSARD.


Tin khác