Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao: Dư địa lớn cho doanh nghiệp

16/04/2024

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, đưa công nghệ tiến gần với nông dân.

Khuyến khích đối tác tư nhân tham gia

Ngày 3/4, tại TP Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV) tổ chức hội thảo hợp tác công tư phục vụ Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao).

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đưa ra những định hướng lớn để các doanh nghiệp, đối tác xem xét, xác định khả năng tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đưa ra những định hướng lớn để các doanh nghiệp, đối tác xem xét, xác định khả năng tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã đưa ra những định hướng lớn để các doanh nghiệp, đối tác xem xét, xác định khả năng tham gia vào một số khâu trong Đề án. Trong đó, Thứ trưởng Nam xác định, trọng tâm của Đề án là giúp bà con nông dân thực hiện đạt quy trình canh tác bền vững.

Thứ trưởng Nam ủng hộ, khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia, đầu tư vào các HTX và lực lượng khuyến nông để đưa công nghệ tiến gần hơn với nông dân, từ đó thay đổi nhận thức và hành động của bà con.

Thứ trưởng Nam xác định, đầu tư cho HTX là đầu tư về con người, giúp HTX nâng cao năng lực quản lý và khả năng ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển đội ngũ khuyến nông là cần thiết, bởi đây là lực lượng sẽ đồng hành với bà con nông dân, HTX trong quá trình đo đếm khí phát thải ở cơ sở và xây dựng các báo cáo MRV.

“Lực lượng này rất cần nâng cao trình độ, họ sẽ là người hướng dẫn quy trình canh tác, chuyển giao những công nghệ mới. Chúng tôi rất cần sự hợp tác của các doanh nghiệp, lực lượng khuyến nông là dư địa rất lớn để các doanh nghiệp hợp tác”, Thứ trưởng Nam khẳng định.

Nhóm PPP về lúa gạo sẽ hỗ trợ tăng thu hút đầu tư và hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Nhóm PPP về lúa gạo sẽ hỗ trợ tăng thu hút đầu tư và hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng đây là vấn đề khó, nhưng Bộ NN-PTNT quyết tâm thực hiện và mong muốn doanh nghiệp cùng tham gia, theo cơ chế vận hành của Bộ, đảm bảo các bên đều được hưởng lợi. Tuy ban đầu có thể vướng phải một số khó khăn, nhưng Bộ NN-PTNT sẽ đồng hành tháo gỡ để hình thành một cơ chế chung.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN-PTNT đã lấy ý kiến Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và các tổ chức quốc tế về kế hoạch đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (MRV). Sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) để góp ý và thông qua kế hoạch này nhằm tiến tới công bố, hợp thức hóa về mặt pháp lý để triển khai.

Việc thành lập nhóm công tác Đối tác công tư ngành hàng lúa gạo (Nhóm PPP về lúa gạo) là rất cần thiết và đúng lúc. Góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế và hướng tới nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị.

Ngoài ra, Nhóm PPP về lúa gạo cũng hỗ trợ, tăng thu hút đầu tư và hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp, lương thực thông qua áp dụng công nghệ, kết nối đổi mới sáng tạo, mang lại lợi ích cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.

Việc phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, ổn định, lâu dài. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

Tạo chính sách tín dụng cho 1 triệu khách hàng

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An bày tỏ, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao nằm trong chiến lược mà doanh nghiệp này đeo đuổi hơn 10 năm qua.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An mong muốn được hỗ trợ về chính sách tín dụng để tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An mong muốn được hỗ trợ về chính sách tín dụng để tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Theo ông Bình, Việt Nam dù là quốc gia có thế mạnh về lúa gạo, nhưng với xu thế biến đổi khí hậu, diện tích trồng cây lương thực ngày càng giảm và gạo trở thành một trong những mặt hàng khan hiếm, giá cả tăng cao. Trong khi đó, giá lúa gạo Việt Nam hiện rất bấp bênh.

Do đó, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ngoài vấn đề trồng lúa thân thiện với môi trường, còn đảm bảo ổn định sản xuất, tiêu thụ lúa gạo Việt Nam. Chủ thể chính của Đề án được ông Bình xác định là HTX và doanh nghiệp

“Muốn dán nhãn carbon thấp lên bao gạo, ít nhất trên cánh đồng đó phải giảm khí phát thải, đo đếm được tín chỉ carbon. Doanh nghiệp và HTX phải cùng nhau tham gia, nếu không sẽ không ai có thể làm được”, ông Bình khẳng định.

Ngoài ra, ông Bình mong muốn được tiếp cận với nguồn lực về chính sách tín dụng để hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khi tham gia Đề án.

Ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Trưởng ban Chính sách Tín dụng của Agribank cho biết, đơn vị sẽ có điều kiện tiếp cận, cung cấp các sản phẩm tín dụng cho trên 1 triệu khách hàng là cá nhân, HTX, doanh nghiệp trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Đại diện Agribank cho biết, đơn vị có điều kiện tiếp cận trên 1 triệu khách hàng là các cá nhân, HTX, doanh nghiệp tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Đại diện Agribank cho biết, đơn vị có điều kiện tiếp cận trên 1 triệu khách hàng là các cá nhân, HTX, doanh nghiệp tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Ảnh: Kim Anh.

Để tạo cơ chế, chính sách tín dụng cho các doanh nghiệp khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, thúc đẩy Đề án nhanh chóng đi vào thực tế, Agribank kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm công bố danh mục vùng chuyên canh, các liên kết, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và hộ trồng lúa đủ điều kiện tham gia Đề án để Agribank sớm tiếp cận và hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục vay vốn.

Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL công bố định mức chi phí thực tế trên mỗi ha thực hiện các khâu trong liên kết lúa gạo để xác định mức cho vay.

Từ đầu năm đến nay, Agribank đã triển khai 5 chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng. Trong đó, giảm tối đa 2%/năm so với sàn lãi suất vay đối với khách hàng đầu tư, sản xuất kinh doanh gắn với Chương trình OCOP, quy mô 2.000 tỷ đồng.

Kim Anh


https://nongnghiep.vn/de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-du-dia-lon-cho-doanh-nghiep-d381173.html

Tin khác