Sắp xếp lại các cơ quan của Đảng là yêu cầu cấp bách

05/02/2007

Một trong những nội dung quan trọng đang được Hội nghị T.Ư 4 (khóa X) bàn thảo là cải cách bộ máy, tổ chức của Đảng. Vì sao phải cải cách, nên cải cách như thế nào?... Tiền phong đã có cuộc phỏng vấn Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Sắp xếp để tránh “giẫm chân” nhau

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói:

Thực ra, vấn đề cải cách tổ chức, các cơ quan của Đảng và Nhà nước đã được đặt ra từ nhiều năm qua. Trước Đổi mới, bộ máy của Đảng cũng đã được sắp xếp lại. Có 11 Ban. Từ Đại hội VII đến Đại hội X, nhiệm kỳ nào Đảng cũng bàn vấn đề này.

Tôi nhớ, Hội nghị Trung ương 7 (khóa VIII), Ban chấp hành Trung ương cũng đã bàn và có nghị quyết, nhưng sau đó, mới chỉ có các địa phương thực hiện, còn ở Trung ương , về cơ bản các cơ quan của Đảng vẫn chưa có gì thay đổi.

Lần này, Trung ương họp bàn về sắp xếp tổ chức bộ máy Đảng, Nhà nước cũng là một vấn đề đang được nhân dân, cán bộ, đảng viên quan tâm theo dõi. Họ mong muốn lần này phải làm triệt để, làm đến nơi, đến chốn. Đó là nguyện vọng chính đáng.

Tôi nghĩ tình hình đã rõ, lúc này cũng là thời điểm phù hợp, chín muồi, chúng ta phải quyết tâm làm cho bằng được để bộ máy của Đảng, Nhà nước tinh gọn, thực sự có hiệu lực, làm tròn trọng trách mà nhân dân giao phó. Khi có nghị quyết rồi phải bắt tay thực hiện cho bằng được, lấy mốc năm 2007 là bước khởi đầu tốt đẹp về xây dựng Đảng và bộ máy Nhà nước, tạo đà mạnh mẽ cho những năm sau.

Có nghĩa là từ lâu Đảng đã nhận thấy những hạn chế trong bộ máy của mình, thưa ông?

Đúng vậy!

Thời kỳ đó đã có đánh giá: chức năng, bộ máy còn nhiều chồng chéo, trùng lắp, nên có tình trạng tập trung quá mức ở Trung ương, lại có sự phân tán cục bộ của các cấp, các ngành, phân tán quyền lực ở nhiều hệ thống, làm cho tổ chức bộ máy vận hành kém hiệu lực. Kỷ luật, kỷ cương không nghiêm để quan liêu, tham nhũng chậm được ngăn chặn và đẩy lùi.

Cơ cấu tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, gây cản trở lẫn nhau. Biên chế không ngừng tăng lên, từ năm 1992 đến cuối năm 1998, biên chế của khối Đảng và đoàn thể tăng 2,8 lần, khối quản lý nhà nước tăng 6,1 lần, khối sự nghiệp tăng 4,6 lần...Tình hình đó làm cho bộ máy ít năng động, quan liêu...

Trong khi đó, mỗi giai đoạn cách mạng cần phải có một mô hình tổ chức phù hợp. Nên với giai đoạn hiện nay, việc sắp xếp lại bộ máy các cơ quan của Đảng, của Nhà nước là nhiệm vụ cấp bách.

Việc các địa phương thực hiện sắp xếp lại được bộ máy của Đảng theo hướng tinh, gọn nhưng Trung ương lại không thực hiện được, có phải do Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 (khóa VIII) không đặt ra những yêu cầu cụ thể hay vì lý do gì?

Đúng là hồi đó Trung ương mới chỉ có nghị quyết nêu phương hướng chung là phải kiện toàn các ban của Đảng, chứ chưa có nghị quyết cụ thể là ban nào phải giải thể, ban nào thì sáp nhập... Cái này có thể do nhận thức chưa thống nhất, nên việc triển khai không triệt để, thiếu tích cực.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân một phần do sự lúng túng trong việc bố trí cán bộ. Trong đó, có những cán bộ không đủ tầm, thậm chí có trường hợp bị kỷ luật lại đưa về bổ sung cho các Ban Đảng.

Chỉ nên để lại 6 ban

Từng là Tổng Bí thư, ông thấy với các Ban của Đảng như hiện nay thì nên sắp xếp như thế nào?

Trung ương hiện nay có 11 Ban. Tôi cho rằng nên rút gọn lại thành những Ban ta thường gọi là ban “cứng” gồm: Ban Tổ chức; Ban Tư tưởng- Văn hóa; Ban Dân vận; Ủy ban Kiểm tra; Ban Đối ngoại; Văn phòng Trung ương. Số còn lại hoặc là giải thể, hoặc sát nhập vào những cơ quan có nhiệm vụ gần như nhau.

Nhưng lâu nay việc khó khăn nhất khi sát nhập các cơ quan chính là việc bố trí cán bộ. Theo ông, số cán bộ hiện tại sẽ phải sắp xếp như thế nào?

Số cán bộ ở các Ban giải thể hoặc Ban sáp nhập thì nên lựa chọn những đồng chí có phẩm chất, năng lực, kiến thức giỏi để bố trí giữ các chức vụ chủ chốt để nâng tầm sao cho phù hợp với yêu cầu là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng. Làm như vậy sẽ khắc phục được tình trạng có người ở cơ quan tham mưu cho Đảng nhưng lại không có chuyên môn sâu.

Hơn nữa, chúng ta còn có những đảng viên được cử vào công tác tại các cơ quan Nhà nước. Những đồng chí này, bên cạnh nhiệm vụ của mình được giao bên chính quyền, còn phải phản ánh với Đảng về chiến lược trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Cho nên chúng ta có thể rút bớt những tổ chức không thật sự cần thiết. Không phải chính quyền có gì thì Đảng cũng phải có ngần ấy tổ chức.

Đảng lãnh đạo đất nước toàn diện, vậy mà cơ quan tham mưu cho Đảng lại “chất lượng không cao”. Có phải vì công tác tuyển chọn cán bộ vào những cơ quan này lâu nay chưa được chú trọng?

Đúng là lâu nay chưa làm tốt việc này lại chưa có quy chế cụ thể để tuyển chọn cán bộ về các cơ quan Đảng nên trong công tác tuyển chọn và bố trí cán bộ còn dễ dãi.

Có những đồng chí mắc khuyết điểm hoặc khó sắp xếp ở địa phương lại được điều về làm phó các ban, nên có ban có lúc lên đến 6, 7 đồng chí phó... Rồi cũng chưa có chính sách về tiền lương để tuyển chọn được đội ngũ cán bộ, chuyên viên giỏi. Đây là vấn đề cần sớm khắc phục.

Mỗi năm đánh giá từng Ủy viên Trung ương một lần

Theo tôi vấn đề đặt ra hiện nay là, ngoài nguyên nhân bộ máy của Đảng cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, chất lượng cán bộ chưa cao còn có nguyên nhân nữa là phương thức lãnh đạo của Đảng có mặt cũng chưa thật phù hợp với tình hình mới.

Theo tôi phải bố trí, sắp xếp lại bộ máy của Đảng sao cho có chất lượng. Bởi Đảng là một bộ phận trong hệ thống chính trị, nhưng lại là lực lượng duy nhất lãnh đạo hệ thống chính trị ấy. Mà như vậy thì Đảng phải có trình độ và có năng lực lãnh đạo đủ tầm. Mà muốn thực hiện được trọng trách ấy, Đảng phải có bộ máy tham mưu tinh, gọn, mạnh.

Bên cạnh đó phải có bộ máy của Nhà nước thực hiện đúng chức năng của nó, mà Đảng thực sự lãnh đạo được bộ máy Nhà nước đó. Suy cho cùng thì đó cũng là bộ máy sinh ra để phục vụ nhân dân. Nên đã đến lúc không phải Nhà nước có gì thì Đảng có cơ quan đó. Ngay cả công tác đánh giá cán bộ, theo tôi cũng cần có những đổi mới.

Vậy theo ông, chúng ta nên đổi mới công tác đánh giá cán bộ như thế nào?

Ngay cả sau khi đã vào Trung ương, sau một năm từng đồng chí chuyển động thế nào, cái này cũng chưa có đánh giá. Nên có đồng chí mới vào thì tốt nhưng sau một năm thì bắt đầu có những biểu hiện sa sút về phẩm chất hoặc năng lực nên cần phải có sự theo dõi, đánh giá xem nguyên nhân chủ quan, khách quan thế nào.

Năm thứ 2, thứ ba cũng phải có đánh giá, xem từng đồng chí có hoàn thành nhiệm vụ hay không, đơn vị do đồng chí ấy phụ trách thế nào, mạnh hay yếu.

Có đồng chí sau một thời gian vào Trung ương được phân công làm Bí thư Tỉnh ủy để đơn vị mình be bét, nhưng vẫn cứ được cất nhắc. Nhưng cũng có những đồng chí sau khi vào Trung ương lại có nhiều tiến bộ. Cho nên, phải có đánh giá hàng năm đối với từng đồng chí Trung ương, như thế mới đánh giá chính xác được cán bộ. Và mới đào tạo để bồi dưỡng cán bộ kế cận được.

Chứ hiện nay, gần đến kỳ Đại hội Đảng, Ban Tổ chức Trung ương mới có một báo cáo về cán bộ, sau đó nhận xét từng người và trình Trung ương. Trung ương họp thì nói “Bộ Chính trị sáng suốt đã có đánh giá rồi, chúng tôi ở xa cũng không nắm được”, thế là nhất trí, nhưng ra ngoài lại không thông, họp xong lại có ý kiến này kia.

Để khắc phục được vấn đề này, Trung ương cần phải đổi mới hơn nữa việc đánh giá cán bộ và trực tiếp bồi dưỡng cán bộ, quan trọng hơn trước hết mỗi Uỷ viên Trung ương và tập thể Trung ương phải tự bồi dưỡng chính mình.

Xin cảm ơn ông!

Theo Tiền phong


Tin khác