“Khoán 10” trong khoa học nông nghiệp: Thực hiện không nổi….vì sao?

29/05/2007

Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập được ban hành ngày 5/9/2005, sau đó đã có Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT/BKHCN-BTC-BNV ra ngày 5/6/2006 hướng dẫn thi hành Nghị định này. Tuy nhiên cho tới nay, sau gần 2 năm được ban hành, việc thực hiện Nghị định 115 vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Ipsard) là một trong những đơn vị đầu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Mard) thực hiện chuyển đổi cơ chế và mô hình hoạt động theo Nghị định 115. Để giúp cán bộ công nhân viên trong Viện và các độc giả khác quan tâm vấn đề này, Ban Biên tập trang thông tin điện tử của Viện sẽ tập hợp và lần lượt giới thiệu các bài viết về việc thực hiện Nghị định 115 đã được đăng trên các báo khác nhau. Những bài viết này, cùng các ý kiến thảo luận khác về chủ đề khoa học và công nghệ cũng được giới thiệu trong chuyên trang Diễn đàn của website.www.ipsard.gov.vn

Bài 1: Bó chân, bó tay.

Sản phẩm công nghiệp đưa ra thị trường được ngay nhưng nông nghiệp cần có chu kỳ, chịu ảnh hưởng lớn từ ngoại cảnh như thời tiết, dịch bệnh. Cơ sở khoa học nghiên cứu, sản xuất hạt lai còn có lợi thế. Những viện nghiên cứu tạo ra giống thuần thì gặp khó khăn gấp bội. Lúa, lạc, đậu tương thuần người dân chỉ mua một vài tấn rồi tự nhân ra làm giống thì nhà nghiên cứu làm sao kinh doanh được. Viện lúa ĐBSCL là đơn vị cung ứng thị phần lớn lúa giống trong cả nước, nhưng hầu như không được bảo hộ về mặt bản quyền. Đó là một thực tế mà các nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp biết từ lâu. Tự chủ rồi, 3 năm sau Nhà nước cắt tiền liệu các đơn vị này có sống nổi.

Chính phủ yêu cầu đến 15/12/2006, các Bộ, ngành phải thẩm định và ra quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi. Nhưng đến thời hạn này, do chưa thực hiện được ở đơn vị nào, Bộ NN-PTNT đã xin Chính phủ lùi thời gian phê duyệt đến hết quý II/2007. Đến nay, thời hạn xin thêm cũng sắp hết mà việc phê duyệt cho 6 đơn vị thí điểm chưa làm xong. Phải chăng ngành nông nghiệp có tính đặc thù nên phải “thận trọng”?

Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương và Viện nghiên cứu ngô là hai đơn vị được chọn thí điểm chuyển đổi trong ngành. Thế nhưng, hai “lá cờ đầu” này xem ra cũng rất dè dặt. Viện trưởng Viện nghiên cứu ngô Mai Xuân Triệu cho biết, Nghị định 115 đã phân cấp, giao quyền cho các đơn vị, buộc các đơn vị phải làm việc có hiệu quả, thế nhưng nhiều điều kiện phát sinh từ cơ sở chưa được tính đến. Việc giải quyết lao động dôi dư hiện chưa có chế độ thực hiện. Để giữ được cán bộ giỏi thì nghị định 115 cho phép chế độ lương không giới hạn. Nhưng đối với một viện nghiên cứu, đây không phải là vấn đề đơn giản bởi đào đâu ra tiền. Viện nghiên cứu ngô là một đơn vị mạnh với sản phẩm hạt lai nhưng sản phẩm cũng đang bị cạnh tranh khốc liệt từ các tập đoàn quốc tế như CP, Bioseed… Tự chủ rồi mà cán bộ trực tiếp nghiên cứu ra giống mới, mang lại lợi ích lớn không được trả lương thoả đáng thì làm sao giữ chân được họ. Trong khi mức lương tối thiểu tăng theo năm, nếu viện không đảm bảo đời sống cho cán bộ thì sẽ bị chảy máu chất xám.

Một vấn đề rất lớn nữa là cơ chế tài chính. Khi quy chế chi tiêu nội bộ được thông qua, ví như khoán một ngày công tác là 200 nghìn đồng, tuỳ cán bộ chi tiêu. Như vậy là không cần hoá đơn thanh toán, nhưng thực tế cơ quan thuế, tài chính vẫn yêu cầu đủ hoá đơn mới quyết toán. Các DN thì hoàn toàn đưa những khoản này vào chi phí sản xuất nhưng viện nghiên cứu thì không làm được. Ông Triệu yêu cầu, cơ chế tài chính phải đi kịp với nghị định 115, nếu không theo kịp thì chính nó lại cản trở mạnh quá trình chuyển đổi.

Một tháng sau chuyển đổi, hoạt động của trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện chăn nuôi) rất sôi động. Giám đốc trung tâm Phùng Đức Tiến rất hứng khí nói về dự định phát triển của trung tâm sau chuyển đổi, đặc biệt là phát triển sản xuất kinh doanh. Cán bộ công nhân viên đang chuẩn bị góp vốn để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, sản xuất con giống bố mẹ, chuẩn bị thành lập công ty. Thế nhưng, ông Tiến cũng thừa nhận, việc thành lập công ty đang gập bế tắc, nếu thành lập ngay bây giờ là làm “chui” phương án thành lập Công ty TNHH một thành viên là không khả thi, một mặt phải xin phép chính phủ, lượng vốn yêu cầu lớn, mặt khác là đi ngược lại xu thế phát triển doanh nghiệp hiện nay. Mô hình công ty cổ phần phù hợp nhất, các nhà khoa học được đóng góp vốn và lại được phép huy động các nguồn vốn khác để phát triển sản xuất. Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng việc thành lập công ty cổ phần là hoàn toàn được, thế nhưng Bộ NN&PTNT vẫn chưa có hướng dẫn. Trung tâm đã chuẩn bị điều lệ công ty cổ phần, nhân sự, lĩnh vực kinh doanh, vốn, đất đai. Các lĩnh vực giết mổ, sản xuất con giống, thức ăn chăn nuôi… đều là thế mạnh, trung tâm đã có kinh nghiệm. Phải khẩn trương thành lập doanh nghiệp để tận dụng ngay lợi thế có nhưng hiện Trung tâm vẫn …. mỏi cổ chờ hướng dẫn.

Đối với Viện nghiên cứu Ngô, việc phát triển Công ty Tư vấn và đầu tư phát triển ngô sau khi chuyển đổi theo 115 cũng là bài toán chưa có lời giải. Viện trưởng Mai Xuân Triệu cho biết, hiện nay có nhiều hướng phát triển Công ty sau tự chủ, nhưng chắc là không thể đưa công ty trở lại đơn vị sự nghiệp thuộc Viện. Nếu làm như trước thì nghiên cứu không ra nghiên cứu, kinh doanh không ra kinh doanh. Công ty kinh doanh nhưng lại chịu sự áp đặt của cơ chế tài chính sự nghiệp, anh tự “bó chân” mình. Sản phẩm nghiên cứu ra sản xuất chậm vì bị nhiều gò bó. Nếu đưa trở lại là rất nguy hiểm, thị phần trên thị trường tụt ngay. Ông Triệu cũng cho rằng, chỉ có hình thức cổ phần mới gắn kết, phát huy được các nhà khoa học.

Ngoài ra, các đơn vị khoa học rất lo ngại về việc xâm phạm bản quyền các công trình khoa học. Ngay như hiện nay đâu đâu cũng có gia cầm Thụy Phương, bán khắp nơi nhưng thực chất là hàng nhái.

(Nguồn: Ngọc Tiến, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thứ Hai 21/5/2007 - số 101 (2686))


Tin khác