Hội thảo tham vấn khởi động Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng

02/11/2007

Ngày 30 tháng 10 năm 2007, trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (Việt Nam, Lào, Campuchia, Trung Quốc), Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về nghiên cứu đánh giá nhiên liệu sinh học tại Việt Nam.

Mục tiêu của Hội thảo là nhằm xây dựng Chiến lược và giải pháp lồng ghép sản xuất năng lượng tái tạo nông thôn và nhiên liệu sinh học góp phần xoá đói giảm nghèo trong tiểu vùng Mê Kông mở rộng. Tới dự Hội thảo, các đại biểu tham dự hội thảo đã cùng trao đổi về các vấn đề định hướng về chính sách đầu tư phát triển của Nhà nước và khu vực tư nhân trong phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam, từ nay đến năm 2025.

Trong thế kỷ 21 này, thế giới đang phải đối mặt trước các vấn đề nóng bỏng như nhu cầu dầu mỏ ngày càng tăng vượt khả năng cung cung cấp, môi trường tự nhiên ngày càng xấu đi do sử dụng quá nhiều nhiên liệu hoá thạch, hiện tượng nóng lên của trái đất do lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính; gần 2 tỷ người nghèo còn thiếu nước sinh hoạt và chưa được tiếp cận với năng lượng hiện đại. Trong bối cảnh đó, đảm bảo cung cấp năng lượng nhất là năng lượng tái tạo sẽ giúp phần giảm sự đói nghèo của các nước chưa phát triển, làm giảm khoảng cách chênh lệch về kinh tế giữa các nước Bắc-Nam trong quá trình hội nhập kinh tế. Tuy nhiên phát triển và sử dụng năng lượng sinh học đang trở thành tiêu điểm quốc tế quan trọng. Một mặt, nó có tác dụng tạo ra lợi ích công cộng to lớn cũng như làm nảy sinh nhiều cuộc tranh cãi gay gắt. Mặt khác, sự mở rộng về năng lượng sinh học có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất thực phẩm nếu những công nghệ mới và hiệu quả không được phát triển để phục vụ cho sản xuất năng lượng sinh học và cả lương thực thực phẩm.

Đối với khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), trong khi việc hình thành các ngành chất đốt sinh học trong GMS có thể tạo ra thu nhập và công ăn việc làm đồng thời đáp ứng được nhu cầu về năng lượng của khu vực, thì mặt khác, theo ông Hiroyuki Konuma, phó giám đốc đại diện của (FAO) tại khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, cũng cần lưu ý tới những nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sản xuất trên diện rộng và việc đơn canh sẽ làm giảm đi tính đa dạng sinh học của môi trường, gây xói mòn đất trồng và giảm lượng dinh dưỡng. Các quan chức GMS đều cho rằng khu vực này có tiềm năng trở thành một nơi sản xuất năng lượng sinh học lớn trên thế giới, tuy nhiên còn rất nhiều việc làm để có được mục tiêu đã đề ra. Để đạt được điều đó, 6 quốc gia sẽ phải hành động trên hai mặt trận: phác thảo kế hoạch cho quốc gia và tiểu vùng về năng lượng sinh học và chuẩn bị các chiến lược nhằm phát triển năng lượng sinh học cùng các chất thay thế.

Hội thảo tham vấn được tổ chức gồm 2 phần chính. Phần thứ nhất của Hộ thảo chia sẻ các thông tin về thực trạng phát triển nhiên liệu sinh học và định hướng chính sách phát triển nhiên liệu sinh học ở Việt Nam. Các chính sách phát triển nhiên liệu sinh học tại Việt Nam đến năm 2025 đã được đại diện của Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương, Bà Lê Thu Nga giới thiệu. Đáng lưu ý là các nội dung của Đề án Phát triển Nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2025. Đề án đang được trình Chính phủ và dự kiến được phê duyệt cuối năm 2007. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cung cấp cho Hội thảo thông tin tổng quan về năng lượng sinh học và tái tạo năng lượng tại nông thôn ở Việt Nam.

Phần thứ hai của Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về cơ sở và phương pháp Nghiên cứu đánh giá quốc gia trên cơ sở phân tích khoa học về kinh tế xã hội để thiết kế một chương trình nhiên liệu sinh học tiểu vùng dài hạn, mang lại lợi ích kinh tế và môi trường. Theo TS. Mercedita A. Sombilla, Trung tâm Vùng Châu Á Thái Bình Dương về đào tạo sau đại học và nghiên cứu nông nghiệp (SEARCA), mục tiêu của Nghiên cứu đánh giá quốc gia là xây dựng được chiến lược và giải pháp để lồng ghép việc sản xuất năng lượng tái tạo nông thôn và nhiên liệu sinh học vào nông nghiệp nông thôn để giảm nghèo tại vùng Mekong mở rộng. Có năm lĩnh vực đề xuất nghiên cứu khảo sát.

Thứ nhất, nghiên cứu thị trường nhiên liệu sinh học, về nguồn cung và nhu cầu nhiên liệu, xác định sự thiếu hụt, tỷ lệ nhiên liệu sinh học có thể đáp ứng được sự thiếu hụt này, các vấn đề thị trường trong nước và quốc tế (Malaysia..)

Thứ hai, nghiên cứu đặc tính của nhiên liệu sinh học: về nguyên liệu công nghiệp, về sản xuất nhiên liệu sinh học, về công nghệ. Xem xét nguồn nguyên liệu có sẵn đầu vào ở Việt Nam có lợi thế, hay phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Xem xét về công nghệ, đã có đủ năng lực chưa, cần hỗ trợ những nọi dung gì.

Thứ ba, xác định ưu tiên, sau khi xác định được thị trường, các yếu tố đầu vào, sẽ xếp hạng được ưu tiên. Đối với các cây trồng nào hiệu quả nhất, khả thi nhất đối với Việt Nam để sản xuất nhiên liệu sinh học. Cần xem xét vấn đề thị trường, trồng, phân tích kinh tế xã hội, môi trường. Từ đó đưa ra quy mô sản xuất nhiên liệu sinh học, dựa trên năng lực và công nghệ.

Thứ tư, song song với nghiên cứu sản xuất, cần nghiên cứu các giải pháp kinh doanh nhiên liệu sinh học, mô hình kinh doanh để đẩy mạnh được sản xuất nhiên liệu sinh học: sản xuất phục vụ sản xuất nội địa, hay trồng và xuất khẩu nguyên liệu thô?

Thứ năm, cần nghiên cứu về hỗ trợ chính sách, quy chế, thể chế để chỉ đạo việc phát triển nhiên liệu sinh học hướng tới cải thiện lâu dài phúc lợi cho những người nghèo ở nông thôn.


Tin khác