“Thay máu” cho nông - lâm trường quốc doanh, vẫn "bình mới rượu cũ"

09/01/2008

Việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nông – lâm trường quốc doanh (NLTQD) dù đã được đặt ra từ lâu nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Đó là những yếu kém trong quản lý, sử dụng đất đai; thiếu vốn trầm trọng; chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo của các bộ ngành và địa phương. Rõ ràng việc “thay máu” cho NLT đang rất cần một chính sách mới.

Thực chất của việc sắp xếp, đổi mới NLTQD chính là đổi mới cơ chế quản lý hoạt động và chuyển đổi, sắp xếp lại quỹ đất cho hiệu quả hơn. Mặc dù theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hầu hết các NLTQD đã thực hiện xong việc sắp xếp, đổi mới nhưng trên thực tế, cơ chế hoạt động của nhiều đơn vị vẫn là “bình mới rượu cũ".

“Thời oanh liệt nay còn đâu?”

Trong thời điểm lịch sử nhất định, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của các NLTQD, đặc biệt trong việc khám phá, khai thác vùng đất mới. Nhưng bước sang thời kỳ kinh tế thị trường, hoạt động của NLTQD bắt đầu bộc lộ nhiều yếu kém. Trước khi sắp xếp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sử dụng đất của nông trường đạt rất thấp, chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, do kỹ thuật và công nghệ sản xuất chậm được đổi mới, vẫn sử dụng giống cây – con cũ, thậm chí đã thoái hoá, công nghệ lạc hậu nên một thời gian dài, các NLTQD “chìm đắm” trong thua lỗ. Theo thống kê, trong số 340 NTQD thì có tới 216 đơn vị bị lỗ (chiếm gần 70%); công nợ phải trả bằng 71% vốn kinh doanh, lương công nhân đì đẹt. Đối với lâm trường, tình hình cũng không sáng sủa hơn khi có tới gần một nửa đơn vị luôn trong tình trạng thua lỗ. NLT không còn là “miền đất hứa”, thậm chí, nhiều địa phương đã than: “Tỉnh nào càng có nhiều NLT, tỉnh đó càng khổ”.

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới sự yếu kém của các NLT là do nhận thức chưa đúng về vai trò của nó. NLT được thành lập trên 50 năm, theo mô hình doanh nghiệp nhà nước, với ý tưởng đưa phương thức sản xuất quy mô lớn vào nông nghiệp nhằm tăng sản lượng. Đến nay, trong khi chúng ta đã thực hiện cơ chế mới, thì không ít NLT vẫn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Tốc độ "Rùa"

Theo kế hoạch, việc hoàn thành đề án đổi mới, sắp xếp phát triển các NLT phải được thực hiện xong trong năm 2005 nhưng do vướng mắc từ việc điều chỉnh quy hoạch đất đai, rà soát phân loại rừng và một nguyên nhân quan trọng là từ năng lực nội tại của các NLT nên nhiều địa phương đã kéo dài công việc này cho đến nay. Tại tỉnh Đắk Lắk, mặc dù đề án sắp xếp đổi mới NLT của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 159/2006/QĐ-TTg ngày 3/7/2006 nhưng việc triển khai vẫn không mấy hiệu quả. Chưa có NLT nào trình được phương án chuyển đổi để tỉnh phê duyệt. Số liệu về diện tích đất, rừng, vườn cây do NLT được giao quản lý, tự rà soát, đánh giá “vênh” với số liệu đo bằng vệ tinh viễn thám.

Tuy quản lý nguồn tài sản lớn là hàng triệu hecta đất nhưng do năng lực tài chính hạn hẹp nên “cái khó bó cái khôn”. Vốn nhà nước trung bình tại một nông trường chỉ đạt 7.207 triệu đồng và lâm trường là 5.464 triệu đồng, dẫn đến phần lớn NLT hoạt động thua lỗ. Đơn cử như tỉnh Tuyên Quang, có 17 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 9 lâm trường và công ty chè. Năm 2006, tổng giá trị tài sản của 17 đơn vị này khoảng hơn 507,6 tỷ đồng nhưng giá trị tài sản chỉ có hơn 104,5 tỷ đồng, chiếm 20,59%; trong khi đó, nợ phải trả hơn 400 tỷ đồng.

Tại Nghệ An, sau khi chuyển đổi, một số đơn vị vẫn còn “bình mới rượu cũ”. Khi được hỏi, một số hộ nông dân ở Tân Kỳ, Con Cuông, Quỳ Hợp nhận khoán đất của NLT cho rằng: “Các nông trường đang ngồi mát ăn bát vàng”; trích nộp quá nhiều khoản nên thu nhập cuối cùng của người dân chẳng còn là bao. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, Công ty Cao su - Càphê năm 2005 lãi 734 triệu đồng; năm 2006 chỉ còn 312 triệu đồng, Công ty Rau quả 19/5 trước và sau chuyển đổi lợi nhuận không tăng, Công ty Đầu tư và Phát triển chè năm 2006 lãi 137 triệu đồng, giảm 84% so với năm 2005....

Về đất đai, tình trạng phổ biến là các NLT chưa tự giải quyết dứt điểm được tình trạng liên kết trá hình, tình trạng cho thuê, cho mượn đất dẫn đến hiệu quả sử dụng đất không cao, tranh chấp kéo dài, chưa có phương án giải quyết thoả đáng vấn đề sắp xếp lại nguồn lực con người.

Từ thực tế trên cho thấy, sau mấy năm triển khai đổi mới, sắp xếp, nhiều NLT vẫn “ỳ” ra trong hình hài cũ.

(Theo KTNN)


Tin khác