Chuyến đi thực địa Tây Nguyên của nhóm chuyên gia tư vấn Quỹ nghiên cứu các chính sách vùng cao, Dự án Danida

21/05/2009

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Quỹ nghiên cứu chính sách vùng cao thuộc Tiểu hợp phần 1, Hợp phần Trung ương, dự án Danida, nhóm các chuyên gia tư vấn thuộc Quỹ nghiên cứu đã tổ chức một chuyến đi thực địa 7 ngày tại các tỉnh Tây Nguyên (từ ngày 4 đến ngày 10/5/2009).

Mục đích của chuyến đi là để tìm hiểu đời sống văn hoá xã hội của người dân vùng cao, học hỏi những mô hình phát triển nông nghiệp nông thôn hay và phát hiện các khó khăn, vướng mắc trong triển khai một số dự án điển hình phục vụ cho công tác soạn thảo chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn vùng cao.

Đoàn đã đi thăm mô hình cao su tiểu điền tại huyện Dak Hà, tỉnh Kon Tum. Mô hình này nằm trong chủ trương trồng cao su cho các hộ nghèo và bà con dân tộc của huyện Dak Hà. Với chủ trương này, các hộ nghèo, hộ không nghèo và bà con dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ với các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả của chương trình chưa rõ ràng vì chương trình mới được bắt đầu tiến hành và bà con đang trồng và chăm sóc những hecta cao su đầu tiên.

Tại Kon Tum, đoàn cũng đã đến thăm và làm việc với xã H’mon nơi có mô hình tái đinh cư cho bà con dân tộc. Mặc dù mô hình này đã xây dựng được những ngôi nhà kiên cố hơn cho bà con dân tộc thiểu số nhưng vẫn gặp phải không ít những khó khăn. Quỹ đất xấu và ít nên nhiều bà con không có nơi canh tác và giao trồng, phải đi làm thuê kiếm sống. Việc cấp bìa đỏ cho dân chồng chéo dẫn đến tranh chấp. Ngoài ra, bà con vẫn phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Hướng giải quyết hầu như là không có. Tình hình an ninh chính trị cũng vì thế mà rất khó kiểm soát.

Cũng trong chuyến đi này, đoàn đã đến thăm những xã nghèo nhất của huyện Kongchro, Gia Lai. Bà con dân tộc ở đây phần đông đi làm thuê và có cuộc sống rất khó khăn. Lãnh đạo huyện Kongchro cũng đang có chủ trương đưa cây cao su lên trồng giúp bà con thoát nghèo.

Đoàn đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, người dân tham gia mô hình thí điểm “ Quản lý rừng cộng đồng” tại huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nông do Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GTZ) thực hiện. Với mô hình này, người dân được trực tiếp lập kế hoạch, tham gia bảo vệ, khai thác rừng và hưởng lợi từ rừng. Các nguyên tắc quản lý, khai thác rừng được thể hiện trong Bản Quy ước do chính nhân dân xây dựng và được huyện phê duyệt. Đây là một mô hình quản lý rừng khá hiệu quả nhưng vẫn đang là thí điểm nên việc nhân rộng mô hình gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, đoàn còn đi tham quan các mô hình khác ở các tỉnh như mô hình đồn điền cà phê ở Dak Lak, mô hình khoai lang Nhật ở Dak Nong, tham quan mô hình trang trại ở Kon Tum, v.v...

Chuyến đi đã mang lại những nhận thức mới mẻ và cụ thể về đời sống sinh hoạt và sản xuất của dân tộc thiểu số Tây Nguyên cho các nhà tư vấn. Những nhận thức này rất hữu ích trong việc tư vấn xác định các ưu tiên nghiên cứu cho những năm tiếp theo cũng như trong việc đề xuất các ý kiến tư vấn về chiến lược và định hướng cho các đề tài nghiên cứu.


CCMU

Tin khác