Cơ giới hóa để giảm tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL

29/10/2009

AGROINFO - Theo Viện Lúa ĐBSCL, tổn thất sau thu hoạch của lúa gạo ở khu vực này là 12 – 15%. Với tỷ lệ tổn thất này, ước tính ĐBSCL mất từ 2,4 - 3,15 triệu tấn lúa/năm, tương đương 9.120-1.260 tỷ đồng (với giá lúa hiện nay khoảng 3.800-4.000 đồng/kg)

Tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCL đang là vấn đề thu hút được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành. Theo Viện Lúa ĐBSCL, tổn thất sau thu hoạch của lúa gạo ở khu vực này là 12 – 15%. Với tỷ lệ tổn thất này, ước tính ĐBSCL mất từ 2,4 - 3,15 triệu tấn lúa/năm, tương đương 9.120-1.260 tỷ đồng (với giá lúa hiện nay khoảng 3.800-4.000 đồng/kg). Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định: “Tổn thất sau thu hoạch không chỉ làm giảm sản lượng, mà còn ảnh hưởng lớn chất lượng, giá trị hạt gạo, giảm thu nhập của nông dân”.

Có nhiều yếu tố dẫn đến tổn thất sau thu hoạch. Đó là do sự thiếu hiểu biết của nông dân khi phơi ngoài đồng trong vụ đông xuân, hoặc để lúa chín rục lâu ngày mới gặt. Đối với sản xuất lúa hàng hoá, khi phơi qua đêm, độ ẩm gạo tăng do hút sương, ngày nắng, nhiệt độ cao độ ẩm giảm quá mức làm hạt gạo rạn vỡ từ trong vỏ lúa, khi xay xát bị gãy hơn 60%. Lúa để chín khô lâu ngày, gạo bị dòn độ ẩm thấp xuống, tỷ lệ gạo vỡ cũng cao. Tỷ lệ gạo gãy càng cao, giá bán càng thấp. Hơn nữa, do không có thói quen tiết kiệm nên nhiều nông dân vùng ĐBSCL không quan tâm nhiều đến tổn thất khi gặt lúa.

ĐBSCL cần đẩy mạnh cơ giới hoá để
giảm tốn thất sau thu hoạch lúa

Một nguyên nhân nữa khiến cho tổn thất sau thu hoạch, đặc biệt là vào vụ 3 của ĐBSCL luôn ở mức cao, là do nông dân thường vận chuyển lúa bằng thuyền. Hình thức vận chuyển thủ công này làm đáng kể lượng lúa thu hoạch được do bị rơi rụng trong quá trình vận chuyển.

Một tác nhân quan trọng ảnh hưởng đến tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL là do quá trình cơ giới hoá còn chậm. Vào vụ đông xuân, do ruộng khô, nên 40% các hộ có thể sử dụng máy gặt đập liên hợp. Tuy nhiên , vào vụ 2 và vụ 3, do nước lên, nên đa phần nông dân phải gặt tay. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ, mà còn gây tổn thất nhiều cho sản phẩm. Mặc dù một số công nghệ sau thu hoạch đối với lúa gạo đã được nghiên cứu, chuyển giao đến nông dân Việt Nam, như cải tiến giống lúa, lựa chọn thời điểm thích hợp, đưa gần 3.000 máy gặt vào sản xuất, sử dụng các loại máy tuốt cơ khí... song, năng lực máy sấy đáp ứng không quá 20% nhu cầu sản xuất, đặc biệt là cho vụ hè thu tại ĐBSCL. Việc bảo quản tập trung, sử dụng các giải pháp tiên tiến ít được chú trọng nghiên cứu và triển khai, mà chủ yếu vẫn bằng các biện pháp truyền thống, như trong bồ, cót quây, thùng, chum...

Ở nhiều tỉnh vùng ĐBSCL, hệ thống đê bao vẫn chưa hoàn thiện. Do mưa lũ thường xuyên, hệ thống đê bao không kiên cố, việc nhân dân thường xuyên phải chạy đua với nước, gặt sớm chạy lũ, gặt lúa trong tình trạng nước ngập ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và số lượng sản phẩm.

Để làm giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch của lúa gạo, vấn đề không phải chỉ ở việc thay đổi ý thức, hành vi, thói quen sản xuất của người lao động, mà còn là ở quá trình đẩy nhanh cơ giới hoá, công nghiệp hoá nông thôn. Để đối phó với mưa lũ bất thường, nhiều tỉnh ĐBSCL đã đầu tư thuỷ lợi, chú trọng xây dựng hệ thống đê bao. Như ở tỉnh Tiền Giang, nhờ mạng lưới đê bao kiên cố, tỉnh đã bảo vệ 20.000 ha đất trồn cây ăn trái tại hai huyện Cai Lậy và Cái Bè, vốn thường xuyên chịu ảnh hưởng lũ lụt sông Cửu Long. Ở Vĩnh Long, nhờ có mạng lưới đê bao nên đã chuyển đổi sản xuất từ độc canh cây lúa sang luân canh cây lúa + 1 màu trên diện tích 13.500 ha. Đây là mô hình canh tác hiệu quả cho nông dân thu nhập 50 - 70 triệu đồng/ ha. Mô hình này đang được nhân rộng ở nhiều tỉnh vùng ĐBSCL.

Về hệ thống máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghịêp, hiện nay ĐBSCL có 3.000 máy gặt đập liên hợp (GĐLH) (trong số này 80% là máy Trung Quốc, máy Việt Nam sản xuất chưa tới 10%...) và 3.600 máy gặt xếp dãy, đảm đương thu hoạch gần 30% diện tích sản xuất lúa. Hơn 70% diện tích còn lại đều phải thu hoạch bằng thủ công. Trong khi đó, 6.500 lò sấy lúa trong vùng, công suất phổ biến từ 4-8 tấn/mẻ (một số ít lò sấy của các cơ sở xay xát đạt 20-30 tấn/mẻ), chỉ đáp ứng 30%-35% nhu cầu của nông dân…Như vậy người nông dân ĐBSCL còn nhiều thiếu thốn về các thiết bị máy móc phục vụ cho lao động sản xuất.

Như vậy, với mục tiêu giảm thiểu tối đa tổn thất sau thu hoạch ở các tình ĐBSCL, việc đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng là điều rất quan trọng. Từ các mô hình sản xuất lớn, đẩy mạnh xây dựng hệ thống đê bao kiên cố, sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà…tất cả các yếu tố này đang được nhiều tỉnh ở khu vực này áp dụng, để nâng cao chất lượng và sản lượng lúa gạo.

AGROINFO


Tin khác