Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước

30/11/2009

Bộ Tài chính đã bàn hành Thông tư số 156/2009/TT- BTC, Hướng dẫn cơ chế vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, đầu tư các dự án đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn.

Đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định tại Thông tư này là các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhu cầu đầu tư các dự án.

Các dự án được vay vốn:   Dự án đầu tư kiên cố hóa kênh mương loại II, loại III do địa phương quản lý và các dự án xây dựng gia cố bờ bao, cống bọng (đối với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long); Dự án phát triển đường giao thông nông thôn; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản; Dự án phát triển cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn; Dự án trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp khi có nhu cầu; gồm các hạng mục: đầu tư nhà trạm, bể xả, bể hút, mua máy bơm, làm đường điện hạ thế từ trạm biến thế đến trạm bơm. Các hạng mục của dự án được vay vốn do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. (gọi tắt là dự án thuộc Chương trình)

Lãi suất cho vay và phương thức sử dụng vốn vay: Lãi suất cho vay thực hiện các dự án thuộc Chương trình là 0%; Phương thức sử dụng vốn vay: Vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện các dự án thuộc Chương trình được tổng hợp vào thu ngân sách địa phương và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để đầu tư (đối với các dự án do cấp huyện trực tiếp quản lý); hoặc để huyện bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp xã (đối với các dự án do cấp xã trực tiếp quản lý). Các huyện và xã có trách nhiệm sử dụng có hiệu quả phần hỗ trợ của Nhà nước và huy động đóng góp của nhân dân theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư này.

Điều kiện được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước: Phù hợp với các yêu cầu, điều kiện phát triển của địa phương; Đã được cấp có thẩm quyền quyết định và có đủ thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Xác định rõ nguồn vốn để thực hiện các dự án thuộc Chương trình:  Phần hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung và từ nguồn thu tiền sử dụng đất hàng năm của địa phương;  Nguồn huy động đóng góp của nhân dân và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác…

Thời hạn trả vốn vay: Sau 12 tháng (kể từ ngày giải ngân khoản vốn vay đầu tiên) bắt đầu trả nợ. Thời gian trả nợ là 4 năm; riêng đối với các tỉnh miền núi, các tỉnh có nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn (thu nội địa) chỉ đảm bảo dưới 30% nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, thời gian trả nợ là 5 năm.

Trách nhiệm của Bộ Tài chính:  Hàng năm, căn cứ tổng mức vốn đầu tư và vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, căn cứ khả năng trả nợ của ngân sách địa phương, văn bản đề nghị của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; quyết định mức vay vốn hàng năm cụ thể đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng quy định;  Bố trí nguồn để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng phát triển Việt Nam theo chế độ quy định;  Kiểm tra kết quả triển khai thực hiện Chương trình kiên cố hoá kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn, trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước ở các địa phương để làm cơ sở phân bổ kế hoạch vốn hàng năm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cân đối, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức hỗ trợ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương và tổng mức vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước hàng năm để thực hiện các dự án thuộc Chương trình.

 
 Các dự án giao thông, cơ sở hạ tầng nông thôn được thực hiện quản lý theo Thông tư này. Ảnh minh họa: Báo Ảnh Đất Mũi
Trách nhiệm của Ngân hàng phát triển Việt Nam:  Chuyển vốn vay cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi có văn bản ký kết (khế ước vay nợ) giữa Chi nhánh Ngân hàng phát triển với Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tiến độ triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình theo đúng quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, không tổ chức thẩm định, xét duyệt và cho vay đến từng dự án;  Thu hồi khoản nợ vay khi đến hạn;  Tính toán nhu cầu cấp bù lãi suất cho Ngân hàng phát triển Việt Nam theo quy định tại Quyết định số 44/2007/QĐ-TTg ngày 30/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng phát triển Việt Nam và theo quy định hiện hành, báo cáo Bộ Tài chính; Tính toán phí quản lý cho Ngân hàng phát triển Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, báo cáo Bộ Tài chính;  Hàng năm, có trách nhiệm báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình và tình hình thu hồi nợ vay báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký; Thông tư này thay thế Thông tư số 72/2000/TT-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương, Thông tư số 79/2001/TT-BTC ngày 28/9/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện các dự án đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn.

Xem toàn văn tại đây

Kim Giang ( Theo Website Bộ Tài Chính)

 


Tin khác