Doanh nghiệp cần đối thoại để phát triển

22/01/2010

Ngày 20-1-2010, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) đã tổ chức Hội thảo tăng cường truyền thông- đối thoại doanh nghiệp. Sau hội thảo, nhiều dự án mới về thông tin giữa doanh nghiệp và truyền thông đã được ký kết.

Doanh nghiệp cần trợ giúp thông tin

Đối thoại chính sách giữa doanh nghiệp và các cơ quan xây dựng chính sách là hoạt động phổ biến và hiệu quả trên thế giới. Trên cơ sở đó, Ipsard đã hợp tác và kết nối với một số kênh truyền thông để thực hiện các chương trình đối thoại chính sách về các chủ đề trọng điểm như chính sách đầu tư nông nghiệp, nông thôn với Báo NTNN, Chương trình Nông thôn Ngày nay của VTV1...

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam- Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa VN nêu ý kiến: “Điều quan trọng bây giờ là chúng ta phải xác định được doanh nghiệp cần gì? Họ cần rất nhiều để tồn tại, phát triển và cạnh tranh. Để làm được điều đó, họ cần thông tin, cần trợ giúp và tài chính, xúc tiến thương mại, đặc biệt là sự minh bạch của chính sách..”. Hiện VN có khoảng 96% trên tổng số 450.000 doanh nghiệp thuộc loại hình nhỏ và vừa. TS. Đặng Kim Sơn cho biết: “Trong bối cảnh cạnh tranh và toàn cầu hoá đầy biến động, cộng đồng kinh doanh cần có được hiểu biết, thông tin đầy đủ để ra quyết định kinh doanh có hiệu quả. Để làm được điều này, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa người sản xuất kinh doanh với hoạt động nghiên cứu ứng dụng, phân tích và thông tin truyền thông”.

Bài viết trên NTNN. Ảnh chụp lại từ internet

Đa dạng hoá các kênh thông tin

Theo nghiên cứu của Ipsard, để sản xuất hàng hoá, nông dân cần biết giá cả thị trường nhằm đạt mức lợi nhuận tối ưu. Mặc dù truyền thông đã được cung cấp một số thông tin về thị trường bán lẻ ở đô thị, song người nông dân cũng cần biết giá nông sản ở các điểm khác nhau trong chu trình lưu thông để có thể tự đưa ra quyết định có lợi nhất khi bán sản phẩm. TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Giám đốc cơ sở phía Nam Ipsard cho biết: “Hiện có khoảng 50 điểm thông tin của các tổ nhóm nông dân, HTX và các cơ quan hữu quan ở 9 tỉnh miền Nam. Theo đó, vào bất cứ giờ nào trong ngày, nông dân có thể biết giá bán của các loại rau quả họ định bán tại các thị trường, nhất là các chợ đầu mối ở Tiền Giang, TP. HCM qua trang thông tin điện tử. Nhờ đó, một số nông dân ở Vĩnh Long, Tiền Giang đã tăng lượng bán thêm 30% và thường xuyên bán ra với mức giá cao hơn từ 20-40%”.

cơ quan báo viết duy nhất có chuyên mục “Đối thoại chính sách”, từ gần 1 năm qua, Báo NTNN cũng đã tiến hành xây dựng và thực hiện chuyên trang này một cách đều đặn mỗi tuần một số và nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan quản lý nhà nước. Ông Vũ Tiến - Phó Tổng Biên tập Báo NTNN cho biết: “Đã có nhiều bài đối thoại chính sách được sự lắng nghe, đóng góp ý kiến của từ người dân đến doanh nghiệp, nhà nước”. Nhờ chuyên mục “Đối thoại chính sách” của Báo NTNN góp tiếng nói nên đã có một số nội dung được các bộ, ngành sửa đổi. Cụ thể, đối với Quyết định 497, Chính phủ đã kéo dài thời gian hỗ trợ thêm 6 tháng (đến 30-6-2010), thay vì kết thúc vào 31-12-2009; điều chỉnh bổ sung danh mục, thiết bị máy móc được hỗ trợ. Về Đề án khuyến khích đầu tư vào NN, NT mà Bộ KH&ĐT đang chủ trì xây dựng, NTNN đã có nhiều bài đối thoại với các chuyên gia của Ipsard, Bộ KH-ĐT để làm rõ những yếu kém, cản trở của đầu tư vào nông nghiệp hiện nay.

Đánh giá về vai trò của đối thoại hiện nay, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng: “Thông tin về chính sách hiện mới chỉ là thông tin một chiều từ nhà nước đưa xuống. Nếu có đối thoại, thì mỗi năm lãnh đạo nhà nước cũng chỉ gặp gỡ doanh nghiệp được có 1-2 lần, trong khi cuộc sống hàng ngày xảy ra biết bao nhiêu bức xúc. Do đó, chúng tôi đang tiến hành hợp tác với các đối tác để xây dựng 2 kênh hỏi đáp giữa nhà nước với doanh nghiệp một cách thường xuyên, liên tục trong tương lai”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh cho biết: “Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng phải cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trên mạng Internet. Đồng thời, xây dựng các quỹ xúc tiến thương mại thông qua các hiệp hội ngành hàng. Chúng tôi cũng đang xây dựng bộ máy chuyên cung cấp thông tin thị trường miễn phí cho doanh nghiệp”.

Hân (Báo Nông thôn Ngày nay)


Tin khác