Nối mạng để chống ép giá

09/12/2009

AGROINFO- “Giờ đây, tư thương không thể ép giá, hay tung tin hạ giá nông sản, vì chúng tôi biết rõ chuỗi giá cả ở các chợ bán lẻ và chợ đầu mối hàng ngày, hàng giờ...” - anh Nguyễn Văn Cảnh nói với chúng tôi.

Anh Cảnh là Chủ nhiệm Tổ hợp tác Nguyên Sơn ở xã Ka Đô (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng). Hiện tổ hợp tác này đang tham gia “Dự án thông tin thị trường nông nghiệp VN” (gọi tắt là VAMIP). Dự án này do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) chủ trì và Chính phủ Canada tài trợ.

Ngồi ở nhà, biết giá bán khắp nơi

Vải Thiều thường được mùa thì mất giá. Nông dân thua thiệt vì thiếu thông tin thị trường. Ảnh minh họa: Internet

Trao đổi với NTNN, anh Cảnh cho biết: “Tổ hợp tác của chúng tôi có 35 thành viên, là nông dân trong thôn. Sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là cà chua, ớt ngọt, bắp cải, cải thảo, đậu cô-ve... Riêng tôi có 1ha đất trồng rau, chủ yếu là cà chua, bắp cải với lợi nhuận khoảng 60 - 80 triệu đồng/năm. Trước đây, chúng tôi thường trồng và bán hàng đơn lẻ, mạnh ai nấy lo. Nhưng từ khi được tham gia VAMIP, chúng tôi đã bán được hàng với giá tốt hơn, chủ động hơn”. Nhóm nông dân của anh Cảnh được tập huấn kỹ năng tổ chức sản xuất, đàm phán giá và trang bị một máy tính nối mạng internet, cập nhật giá cả từng mặt hàng nông sản và mức lên xuống giá hàng ngày, hàng giờ.

 
 Trao đổi thông tin với nhà nông. Ảnh HN

Câu chuyện tương tự cũng được chúng tôi ghi nhận tại HTX rau an toàn Thành Lợi (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, Vĩnh Long). Anh Lê Văn Trung - Chủ nhiệm HTX này vui vẻ kể: Chúng tôi gồm 136 thành viên, thành lập cách đây 4 năm để tìm đầu ra cho rau quả. Nhưng các công ty về đây thu mua thường đưa ra giá mua sỉ rất thấp, không bán thì ế... Từ khi được đầu tư một máy tính nối mạng Internet và được tập huấn kỹ năng quản lý tổ chức sản xuất, tiếp thị, khai thác thông tin và bán hàng, chúng tôi đã nắm được giá cả các chợ đầu mối như chợ Tân Xuân, chợ Thủ Đức (TP. HCM) và các chợ địa phương khác. Do đó, trong đàm phán giá bán sỉ, chúng tôi làm chủ được tình thế. Giá cà chua trước đây chỉ bán được 5.500 đồng/kg, nay thường xuyên bán được giá 7.000 đồng/kg. Giá dưa hấu cũng được bán với giá 5.500 đồng/kg, thay vì 3.000 đồng/kg như trước đây. Chỉ trong 3 tháng qua, HTX bán được 500 tấn rau quả nhờ tìm hiểu giá cả qua mạng, mức lãi thu về cao hơn trước đó khoảng 40 triệu đồng.

Thông tin giá cả: Cho để nhận!

 
  Gian hàng triển lãm của Dự án Thông tin thị truờng nông nghiệp VN. Ảnh HN

Theo tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc cơ sở phía Nam (IPSARD), hiện nay, có khoảng 50 điểm thông tin của các tổ nhóm nông dân, HTX và các cơ quan hữu quan ở 9 tỉnh miền Nam đã nhận được sự hỗ trợ của VAMIP (Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang). Bất cứ giờ nào trong ngày, nông dân có thể biết giá bán của các loại rau quả họ định bán tại các thị trường khác nhau ở các tỉnh này, đặc biệt tại các chợ đầu mối lớn như Vĩnh Kim (Tiền Giang), Tân Xuân và Tam Bình (TP. HCM) qua trang thông tin điện tử www.vamip.com.vn.

Điểm khác biệt của tin thị trường giá cả nông sản do VAMIP cung cấp so với đài truyền hình hay một số tờ báo là thông tin giá cả theo chuỗi, trong đó có giá bán buôn ở các chợ địa phương hoặc chợ đầu mối để có quyết định bán hàng có lợi nhất. Vì vậy, tư thương không thể bắt chẹt hay độc quyền “ấn định giá” như trước.

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, không chỉ chủ động khai thác chuỗi giá từng ngành hàng, các nhóm nông dân còn “nối mạng” thông tin bằng cách gửi báo giá những mặt hàng của mình bán trong ngày lên mạng của VAMIP với ý thức rất nghiêm túc. Nhờ vậy, thông tin được cập nhật thường xuyên với độ tin cậy cao. Một số nhóm nông dân ở Vĩnh Long và Tiền Giang đã tăng lượng bán thêm 30% và thường xuyên bán ra với mức giá cao hơn từ 20-40% so với giá bán tự do trước đó.

 
 Nhà nông cần chủ động về giá...

Mặc dù dự án vừa kết thúc, nhưng “mạng thông tin thị trường giá cả” của VAMIP cũng như các điểm Internet đầu mối vẫn được duy trì để phục vụ nông dân. Một số tỉnh thành, chẳng hạn như tỉnh Vĩnh Long đã thành lập các trung tâm thông tin - khuyến nông và cung cấp thông tin nông nghiệp dịch vụ công, phục vụ nhu cầu của nông dân, tương tự như VAMIP đã làm.

Hoàng Sơn - Hoàng Ngân (Bài đã đăng ở báo Nông thôn Ngày nay)


Tin khác