Mất ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp: Cần những giải pháp đồng bộ

18/06/2010

AGROINFO – Ngày nay thuốc BV TV đang được sử dụng ngày càng phổ biến trong nông nghiệp. Nhưng không ít nông dân vẫn chưa ý thức được đầy đủ tác hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng chưa “tròn vai” khiến tình trạng mất an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp đang ở mức báo động. Hơn lúc nào hết, cần những giải pháp đồng bộ nhằm hạn chế tối đa tình trạng này.

Tai nạn từ sự thiếu ý thức

Lượng máy công nghiệp càng tăng mạnh thì tỷ lệ nông dân được đào tạo so với máy càng thấp đi, đặc biệt ở cấp xã, huyện. Cơ quan khuyến nông và nông nghiệp là gần gũi với người nông dân nhất, tuy nhiên lại thiếu cán bộ kỹ thuật cơ khí, vì vậy mới chỉ dừng ở mức chuyển giao những công nghệ về trồng trọt, chăn nuôi. Những năm vừa qua, theo chương trình đào tạo, Trường Trung cấp nghề Việt Đức, Trường Trung cấp Nông lâm Đông Bắc tại Hữu Lũng cũng mở các lớp đào tạo cho nông dân về cơ giới hoá, nhưng con số vẫn dừng ở mức khá khiêm tốn với mỗi năm tầm vài ngàn lượt nông dân được đào tạo chính thức. Còn lại đa số nông dân tự mua máy móc, tự mày mò cuối cùng cũng vẫn sử dụng được, tuy nhiên về kỹ thuật họ chưa nắm sâu, chỉ biết sử dụng đơn thuần và cũng không phát huy tối ưu tính năng máy móc, đáng ngại hơn tình trạng tai nạn trên đồng ruộng liên tục gia tăng.

Với nhiều nông dân, bảo hộ lao động dường như là khái niệm "xa lạ" (Ảnh minh họa: Internet)

Cái chết thương tâm xảy ra với ông Nguyễn Văn Nở ở thôn Uất Lũy, xã Điện Minh (Điện Bàn - Quảng Nam) năm 2009 vẫn là nỗi ám ảnh với người dân trong vùng. Khi ông Nở đang phun thuốc trừ sâu trên đám ruộng của bà Lê Thị Thu cùng thôn thì bị điện giật chết. Nguyên nhân là do bà Thu dùng điện kéo từ trong nhà ra ruộng để diệt chuột. Bình thường, cứ buổi sáng thì bà rút điện nhưng hôm đó bà lại quên không rút điện. Điều này đã dẫn đến cái chết thương tâm của ông Nở.

Quy trình bảo hộ lao động có được tuân thủ tuyệt đối?

Công tác bảo hộ lao động cho người nông dân, dù có những quy định cụ thể của Nhà nước, nhưng hiện nay vẫn còn bỏ ngỏ. Bảo hộ lao động cho nông dân chỉ còn tập trung vào việc phổ biến một số quy trình sử dụng thiết bị điện, an toàn trong sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu… lồng trong nội dung cho cán bộ làm công tác lao động thương binh và xã hội của ngành. Điều đáng nói là, liệu đội ngũ này có truyền đạt đến người nông dân hay không thì không biết được vì không ai kiểm tra. Bên cạnh đó, một số cơ quan như Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Bảo vệ Thực vật… thông qua các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cũng như lồng ghép tuyên truyền một số nội dung liên quan. Và tất cả chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền lồng ghép.

Vì tiết kiệm, nhiều bà con còn thói quen xài thuốc trừ sâu một lần không hết thì bỏ vô bọc ni-lon treo góc nhà để dành xài tiếp. Điều mà ai cũng nhận thấy là nhận thức của nông dân về tầm quan trọng của việc sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động, sử dụng thuốc trừ sâu an toàn, chưa cao. Bởi vậy, ngay khi đã được trang bị bảo hộ lao động, nhưng do không được nhắc nhở thường xuyên, bà con cũng “lờ” luôn chuyện sử dụng, vì cho rằng nó “vướng” khi làm việc.
Dù chưa có con số cụ thể nhưng theo thống kê ở Quảng Nam, có tới 30,2% số lao động nông thôn bị mắc các bệnh về da, 30% mắc các bệnh đường hô hấp, 10% mắc các chứng do ô nhiễm tiếng ồn. Và cứ 100.000 lao động nông thôn thì có hơn 1.700 người bị ảnh hưởng sức khỏe do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không đúng cách.
Trong khi đó, tình hình sâu bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, lượng thuốc BVTV tăng cả về số lượng và chủng loại. Trước đây, do chủng loại thuốc chưa phong phú và do thiếu thông tin, nông dân còn sử dụng nhiều loại thuốc BVTV có độc tính cao, tồn trữ lâu trong môi trường. Hiện nay, người ta đã thay thế bằng các loại thuốc thế hệ mới có độc tính thấp, ít tồn lưu trong môi trường. Tuy vậy, vẫn còn hiện tượng lạm dụng thuốc BVTV, việc sử dụng tuỳ tiện các loại thuốc BVTV không theo hướng dẫn, không tuân thủ thời gian cách ly là những nguy cơ tiềm ẩn, đe doạ sức khoẻ cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường.
Thực tế hiện nay, việc đảm bảo an toàn lao động trong nông nghiệp vẫn chưa được chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm đúng mức. Chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực này chưa cụ thể. Đến nay, vẫn chưa có hệ thống văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn thực hiện an toàn vệ sinh lao động cho nông dân, chưa quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền về công tác này. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp thời gian qua bị buông lỏng; việc thanh - kiểm tra bị bỏ ngỏ. Phần lớn nông dân chưa tham gia lớp truyền thông hay khóa tập huấn nào về vệ sinh an toàn lao động trong nông nghiệp.
Ngoài việc xây dựng và bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về an toàn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, cần tăng cường quản lý nhà nước và các biện pháp thanh - kiểm tra an toàn vệ sinh lao động đối với nông nghiệp. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao nhận thức của nông dân về an toàn lao động phải được coi trọng nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Trước mắt, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần phối hợp xây dựng quy chế yêu cầu nhà sản xuất, đại lý tham gia thực hiện truyên truyền hướng dẫn người dân.


Lê Huê

Tin khác