Phát triển nông nghiệp bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long

29/06/2010

AGROINFO - Nông nghiệp và phát triển bền vững là hai vấn đề được quan tâm tại diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL trong khuôn khổ MDEC-Kiên Giang năm 2010. Đây là xu thế của thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó.

Nông nghiệp vẫn là chủ lực

ĐBSCL chiếm khoảng 55% tổng diện tích đất trồng trọt và khoảng 71% tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản của cả nước, là một trong những đồng bằng lớn của thế giới và có lợi thế phát triển đa dạng. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á, các tập đoàn lớn trên thế giới đang có hướng đầu tư phát triển nông nghiệp tại khu vực này. Thời gian gần đây, Chính phủ có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp cho cả doanh nghiệp và nông dân. Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược-Bộ NN&PTNT, cho biết: “Đầu tư nông nghiệp góp phần tăng trưởng GDP và xóa đói giảm nghèo nhanh. Kết quả này thật bất ngờ khi nhiều người nghĩ rằng, muốn phát triển nhanh phải đầu tư thương mại, dịch vụ. Quan niệm chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp chỉ phù hợp với trước đây vì đó là nền nông nghiệp lạc hậu, giá trị kinh tế thấp. Trong khi đó, ĐBSCL đang có nền nông nghiệp tiên tiến trong khu vực và thế giới và ngày càng phát triển. Nhu cầu lương thực thế giới trong vòng 50 năm nữa sẽ cần gấp đôi sản lượng hiện nay nên nông nghiệp vẫn có chỗ đứng vững chắc...”.

Doanh nghiệp ĐBSCL đã nắm bắt được cơ hội đầu tư nhưng đa số vẫn chưa có chiến lược phát triển bền vững. Trong ảnh: Chế biến tôm sú xuất khẩu ở Kiên Giang.

Tất nhiên, nông nghiệp phải đi theo hướng hiện đại, được cơ giới hóa cao. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam không cần cạnh tranh sản xuất gạo cấp cao như Thái Lan, không cần sản xuất hàng nông sản giá rẻ cạnh tranh với Trung Quốc... mà phải xác định lợi thế riêng của mình. Trong đó, lúa gạo và thủy sản (cá tra và tôm sú) vẫn là mục tiêu hàng đầu gắn với chế biến và xuất khẩu. ĐBSCL có nét tương đồng với Hà Lan về diện tích, dân số và địa hình nên có thể ứng dụng mô hình khu liên hiệp nông nghiệp. Ở đó, vùng sản xuất chuyên canh được gắn với nhà máy chế biến và xuất khẩu, kho tàng, bến cảng... Khu vực này không có chất thải vì nước và rác đều được tái tạo và sử dụng lại. Theo ông Sơn, khu liên hiệp nông nghiệp đã được ứng dụng và thành công ở một số nước châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc. Mô hình này không chỉ phát triển nông nghiệp mà còn có thể phát triển du lịch sinh thái thân thiện với môi trường; con em nông dân không phải ly hương mà vẫn ở lại nhà cùng gia đình canh tác trên mảnh đất của mình; người sản xuất được gắn trong chuỗi giá trị nông sản.

Phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL theo hướng công nghệ cao đòi hỏi phải có sự liên kết các tỉnh, thành trong vùng. Từ đó, có những quy hoạch cụ thể về các công trình hạ tầng, tầm nhìn chiến lược... phục vụ cho toàn vùng thay vì làm manh mún từng địa phương như thời gian qua. Các địa phương có cùng thị trường về nông-thủy sản cần có sự hợp tác và chia sẻ lẫn nhau đảm bảo cùng có lợi và tạo được sức cạnh tranh mạnh mẽ.

Phát triển bên vững

Phát triển bền vững là xu thế hiện nay trên toàn cầu. Trong đó, thân thiện với môi trường, trách nhiệm đối với xã hội là yếu tố quan trọng để duy trì sự phát triển này. Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khi thị trường nhập khẩu đòi hỏi các tiêu chuẩn về đạo đức trong sản xuất và chế biến. Đó là do doanh nghiệp chỉ mới quan tâm đến lợi nhuận mà chưa có trách nhiệm đối với xã hội. Các chuyên gia cho rằng, người tiêu dùng ngày càng khắt khe trong việc sử dụng hàng hóa, như: Các khâu sản xuất được quản lý như thế nào, đảm bảo an toàn không, có sử dụng lao động trẻ em không, người lao động có được làm việc trong môi trường tốt không?... Vì thế, phát triển bền vững là một chiến lược lâu dài không thể thiếu trong hoạch định chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Công Minh Bảo, Giám đốc Phát triển bền vững-Tập đoàn Holcim, chi sẻ: “Trong tổ chức của Holcim, có bộ phận chuyên biệt về phát triển bền vững để nghiên cứu, tư vấn các giải pháp sản xuất, kinh doanh không gây tác động xấu đến môi trường, đảm bảo môi trường sống của người dân xung quanh. Trong thời gian qua, Holcim đã chi trên 50 tỉ đồng từ lợi nhuận để chia sẻ với cộng đồng xung quanh khu vực khai thác đá vôi và nhà máy sản xuất xi măng. Nói cách khác, doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội và thân thiện với môi trường đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Kinh phí cho việc nghiên cứu các giải pháp và trách nhiệm xã hội như Holcim làm thời gian qua không phải là khoản tiền nhỏ nhưng đó là cách đầu tư khôn ngoan và lâu dài cho thương hiệu. Nếu nhìn ngắn hạn đó là chi phí không nhỏ; nhưng nhìn lâu dài đó là hiệu quả rất lớn, khẳng định uy tín của công ty...”.

Các chuyên gia khuyên doanh nghiệp ĐBSCL phải đặt mình trong xu thế phát triển của vùng, tức là nắm được đặc thù sản xuất, kinh doanh trong khu vực, địa lý kinh tế vùng và nắm bắt cơ hội, tiềm năng. Vì thế, các địa phương phải chủ động trong việc quy hoạch phát triển lâu dài các ngành kinh tế mũi nhọn và có chính sách ưu đãi đối với các lĩnh vực kêu gọi đầu tư. Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, thành phố đã phối hợp chặt chẽ trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh: Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, nâng cao chất lượng hoạt động khu vực công... Đồng thời, nâng cao vai trò của chính quyền trong việc hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách đất đai, thông tin thị trường... Từ đó, thành phố đã có những chuyển động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp”. Riêng Cà Mau, dù không có chính sách riêng, nhưng sự thân thiện của chính quyền đã mang lại những hiệu quả bước đầu. Ông Phạm Thành Tươi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cà Mau vẫn áp dụng các chính sách hiện hữu theo quy định của Chính phủ nhưng vẫn có cách làm riêng để tạo môi trường đầu tư tốt cho doanh nghiệp. Đó là tập trung vào khâu cải cách hành chính để không làm mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp, cho “nợ” một số thủ tục và hỗ trợ quyết liệt trong việc giải phóng mặt bằng...”. Ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: “Chỉ cần doanh nghiệp lập quy hoạch 1/2000 là tỉnh cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Riêng Phú Quốc, có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hơn hẳn các nơi khác nhưng Kiên Giang vẫn thiết lập cơ quan đại diện cho tỉnh đặt tại Phú Quốc để giải quyết các vướng mắc, thủ tục cho nhà đầu tư...”.

Vấn đề đặt ra hiện nay là nguồn vốn hỗ trợ cho chiến lược phát triển bền vững. Ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, cho biết: “Từ những yêu cầu bức thiết xã hội, sắp tới sẽ có một nguồn quỹ vì sự phát triển bền vững ĐBSCL nhằm giải quyết những khó khăn về tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững theo xu thế hiện nay”. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ mà cần có các nguồn quỹ đầu tư, công ty tài chính cho phát triển sản xuất nông nghiệp-ngành kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL hiện nay và trong tương lai; mở cửa cho tập đoàn tài chính nước ngoài... để tạo vốn dồi dào, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chiến lược phát triển bền vững.


Phạm Khánh (Theo Báo Cần Thơ)

Tin khác